Người tâm thần phạm tội: Những vụ án kinh hoàng

ANTĐ - Mối lo trong gia đình có người bị mắc bệnh tâm thần căng thẳng hơn khi thời gian gần đây số vụ án mà người tâm thần gây ra càng “dày”. Âu lo là một chuyện, còn việc sẽ hạn chế thực trạng này thế nào thì đến ngay cả bác sỹ chuyên khoa hàng đầu về căn bệnh này cũng bó tay.

Đối với bệnh nhân tâm thần, ân cần là cách xoa dịu bệnh tối ưu

“Bom” nổ chậm trong nhà

Vụ án kinh hoàng ở Lạng Sơn do bệnh nhân tâm thần Hà Văn Pẩu ăn thịt trẻ con gây nên vẫn còn chưa hết bàng hoàng cho người dân trong vùng thì lại xảy ra vụ án khác, bệnh nhân tâm thần ở Trung tâm điều dưỡng Thụy An, Ba Vì đã thẳng tay chém tử vong điều dưỡng viên tại đây chỉ sau một phút bất cẩn. Gần đây, người chú bị tâm thần ở Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội đã chém cháu ruột bị thương nặng khi đang nô đùa là hồi chuông cảnh báo về thực trạng này. Điều đáng nói là số vụ án do người tâm thần gây ra phần lớn chỉ diễn ra với người thân, những người ruột thịt, con cháu thậm chí là cha mẹ cũng có thể trở thành nạn nân của những người tâm thần. 

Bác sỹ Dương Văn Lương, Phó viện trưởng Viện giám định tâm thần Trung ương cho biết: “Bệnh nhân tâm thần có nhiều thể bệnh, đặc biệt là hoang tưởng. Trong thể hoang tưởng nó có nhiều nguyên nhân, một là áp lực công việc, hai là loạn thần do rượu, và do sử dụng ma túy... Khi bị thể hoang tưởng dẫn đến việc nhìn đối phương như con thú và chỉ muốn giết thịt, có người coi đối phương luôn là địch đang sát hại mình nên phải đánh đến chết, hoặc có người nghĩ mình là ông to bà lớn...do ảo thanh ảo giác gây nên. Và khi phát bệnh thì bệnh nhân không còn là mình nữa, có thể giết hại người bên cạnh mình. Tuy nhiên, theo bác sỹ Dương Văn Lương, thì chúng ta không nên quá hoang mang, bởi nếu điều trị đúng liệu pháp, chỉ định và duy trì uống thuốc sẽ hạn chế được bệnh nặng lên. Những vụ án do người tâm thần gây nên, theo nghiên cứu chủ yếu do người nhà phát hiện muộn, bỏ hoặc không giám sát việc uống thuốc cho bệnh nhân. Có nhiều trường hợp mấy năm liền ổn định, nên bỏ thuốc thì một ngày nào đó thay đổi môi trường, hay gặp điều bực tức bệnh sẽ tái phát. Trên thế giới việc chữa khỏi hẳn tâm thần là chưa thể, nhưng việc duy trì ổn định bằng cách điều trị và uống thuốc lâu dài để khống chế tái phát thì không khó.

Nỗi lo vì hủ tục

Chúng tôi đã tìm hiểu người thân một số bệnh nhân tâm thần ở Lào Cai, Lạng Sơn, Yên Bái, Bắc Giang sau khi đã điều trị ở bệnh viện Tâm thần Trung ương. Theo người thân của bệnh nhân, trước khi đưa người nhà vào bệnh viện họ đều dùng phương pháp “cổ truyền bản địa” là “đuổi ma, cúng bái, bùa ngải...”. Chỉ đến khi bệnh tăng nặng họ mới đưa đến bệnh viện gặp bác sỹ. Ví dụ như bệnh nhân Thạo ở xã Bắc Lý, Hiệp Hòa, Bắc Giang, khi bị tâm thần người nhà đã mời thầy cúng về làm lễ, trong khi làm lễ Thạo đã dùng roi dâu đánh chết chị gái.

Tương tự, vụ án mà Hà Văn Pẩu cũng vậy, trước đây gia đình Pẩu đã từng thuê thầy cúng về để chữa trị bệnh. Thế nhưng, chính những mê muội thiếu hiểu biết của người thân đã dẫn đến hậu quả oan nghiệt, Pẩu đã giết cháu cho vào nồi nấu ăn. “Ai cũng biết người tâm thần có thể gây nguy hiểm nhưng để hạn chế và tránh được người tâm thần gây án là việc không mấy khó khăn. Nếu bệnh nhân đang ở cao độ mà cách tiếp cận thiếu cẩn trọng thì cũng có thể gây nguy hiểm, nhưng phát hiện sớm và điều trị sớm thì hoàn toàn có thể. Nếu để bệnh nặng thì mọi rủi ro đều có thể xảy ra.

Mới đây, một nhân viên ở Trung tâm điều dưỡng tâm thần Thụy An (Ba Vì, Hà Nội) bị chính bệnh nhân tâm thần sát hại. Bệnh nhân này nguy hiểm đến đâu ai cũng biết. Trước đó, hắn đã từng giết bố, đâm hàng xóm trọng thương. Ai cũng cảnh giác cao độ nhưng rốt cuộc “tai nạn” thương tâm vẫn xảy ra. Ngay cả đối với bác sỹ bệnh viện tâm thần Trung ương 1, có bác sỹ nữ hiện đang “được” hưởng trợ cấp 400 nghìn/tháng bởi thương tật 21% do bệnh nhân tâm thần tấn công. Lần đó, một bệnh nhân nữ bỏ trốn, bác sỹ này đi tìm, vừa thấy bác sỹ thì bệnh nhân liền nhảy vào tấn công. Sức mạnh của con bệnh đã khiến bác sỹ gẫy tay phải nằm viện mấy tháng trời. Bây giờ, mỗi khi trái nắng trở trời tay bác sỹ này vẫn bị đau buốt. Người tâm thần rất nguy hiểm, đến như bác sỹ hay là những người thân, những người rất hiểu người bệnh còn bị tấn công thì với người ngoài sự nguy hiểm còn lớn hơn nhiều. Người thân của bệnh nhân có vai trò quan trọng, bởi việc ngăn chặn sự việc đáng tiếc không phải là nên gần gũi hay cách ly mà người nhà phải nghe bác sỹ tư vấn, đối với từng thể bệnh, việc này phải thực hiện hết sức nghiêm ngặt. Hiểu được bệnh nhân, để mình đối phó, sẽ giảm được những rủi ro xảy ra” - bác sỹ Lê Thanh Toản, Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết.

Một thực tế đáng lo ngại là số bệnh nhân tâm thần tăng mạnh từng năm. Bác sỹ Toản cho biết, bệnh tâm thần không từ một ai. Có thể bệnh do di truyền, bẩm sinh, cũng có thể bệnh tái phát do bị sang chấn hay do áp lực cuộc sống. Nguy hiểm nhất là người bị tâm thần phân liệt. Bệnh nhân ở thể này thường có các biểu hiện như rối loạn tư duy, hành vi. Do hoang tưởng ảo giác chi phối, xui khiến, có bệnh nhân cảm tưởng lúc nào mình cũng đang bị truy bức nên bức xúc thực hiện hành vi phạm pháp. 

(Còn nữa)