Người sửa điểm thi ở Hà Giang sẽ bị xử lý ra sao?

ANTD.VN -Những ngày qua, dư luận xôn xao trước việc hàng trăm bài thi PTTH quốc gia tại Hà Giang đã bị sửa điểm. Qua xác minh ban đầu, ông Vũ Trọng Lương - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GDĐT Hà Giang là người sửa chữa, thêm vào bài làm của thí sinh, khiến hàng loạt bài thi có điểm cao bất thường.

Liên quan đến sự việc sửa điểm thi tại Hà Giang, phân tích về các vấn đề pháp lý liên quan, Luật sư Hoàng Huy Được – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi của ông Vũ Trọng Lương có mức độ sai phạm  thế nào, hình thức xử lý hành chính hay hình sự sẽ căn cứ vào kết quả điều tra của các cơ quan chức năng.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị truy cứu về tội Giả mạo trong công tác theo Điều 359 BLHS 2015. Theo đó, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu thì bị phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên;  Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12-20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng.

Luật sư Hoàng Huy Được - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội

Nếu có đủ căn cứ chứng minh cha mẹ học sinh dùng tiền (trực tiếp hoặc qua trung gian) nhờ ông Lương sửa điểm cho con, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đưa hối lộ (Điều 364 BLHS 2015).

Điều luật này quy định, người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm… Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12- 20 năm và đối mặt mức án cao nhất đến 20 năm tù. Người trung gian, môi giới đưa tiền sửa điểm phải chịu trách nhiệm hình sự với hình phạt cao nhất là 15 năm tù.

Chứng cứ chứng minh đối với hành vi này có thể là các tin nhắn liên quan đến việc nâng điểm. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn thu thập nhiều chứng cứ khác từ các nguồn khác nhau để củng cố căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự của các bên liên quan như lời khai của các bên, giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng (nếu có), lời khai của các nhân chứng…

Trong trường hợp này, người nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác theo luật định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Nhận hối lộ theo Điều 354 BLHS 2015. Theo đó, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2-7 năm. Trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Cũng theo Luật sư Hoàng Huy Được, nếu cha mẹ học sinh chỉ nhờ sửa điểm mang tính chất quen biết, tình cảm, không có việc đưa hối lộ thì họ không bị xem xét về tội này. “Việc một cá nhân thực hiện việc sửa điểm trong khoảng thời gian 2 giờ cho trên 100 thí sinh là điều khó có thể thực hiện được nếu không có người khác giúp sức. Do đó, cơ quan chức năng cần xem xét, xác định trách nhiệm những người có liên quan (nếu có) để xử lý nghiêm theo quy định” – Luật sư Hoàng Huy Được nhận định.

Sau vụ việc gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018 ở Hà Giang bị phát hiện, nhiều ý kiến đặt vấn đề về những bất thường trong điểm thi của một số trường hợp tại 2 Hội đồng thi Lạng Sơn và Sơn La. Do vậy, tối 18-7, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ, Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia đã ký hai quyết định số 2632 và 2633 thành lập hai Tổ công tác của Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra làm rõ dấu hiệu bất thường về kết quả thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 tại 2 Hội đồng thi Sở GD&ĐT Lạng Sơn và Sở GD&ĐT Sơn La.