Người sống sót duy nhất sau thảm họa hàng không Liên Xô 40 năm trước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sự kiện bi thảm xảy ra vào ngày 28-8-1981 khi 2 máy bay An-24 và Tu-16 của Liên Xô va chạm ở độ cao hơn 5.000m gần thị trấn Zavitinsk thuộc vùng Amur. Tai nạn đã cướp đi sinh mạng của 37 người, chỉ duy nhất 1 cô gái 20 tuổi sống sót một cách thần kỳ. Chính phủ Liên Xô đã giữ bí mật vụ việc và giờ đây một bộ phim tài liệu mới đang làm sáng tỏ những gì xảy ra.

Khoảnh khắc cuối cùng

Larisa và chồng mình là Vladimir Savitskaya quen nhau do được bạn giới thiệu. Họ bắt đầu hẹn hò khi cô đang theo học tại Viện Sư phạm ở Matxcơva. Sau đó cả 2 nhanh chóng kết hôn và đi hưởng tuần trăng mật nhân chuyến thăm cha mẹ của Vladimir. Khi họ lên máy bay ở Komsomolsk-on-Amur (phía Đông Liên Xô cũ) để trở về Blagoveshchensk (gần biên giới với Trung Quốc), máy bay còn trống một nửa và họ chọn chỗ ngồi ở phía sau để thoải mái hơn. Một tiếp viên đã mời ngồi lên phía trước, nhưng họ từ chối và đổi chỗ cho những hành khách khác muốn ở gần phía đầu máy bay. Larisa Savitskaya sau đó đã nhìn thấy chỗ ngồi ban đầu của cô bị cuốn bay trong vụ tai nạn.

“Khi tỉnh dậy tôi thấy mình nằm trên lối đi. Vụ va chạm với chiếc oanh tạc cơ đã làm rách cả 2 cánh và một phần thân máy bay, nó bắt đầu mất phương hướng nhưng không bị lật. Tôi cố trở lại chỗ ngồi và thắt dây an toàn, còn Vladimir vẫn ngồi ở ghế bên cạnh. Ngay lúc đó tôi biết rằng chồng tôi đã qua đời. Máu vương trên đầu và trên cả bộ quần áo của anh ấy” - bà nói.

Larisa vẫn tỉnh táo, chứng kiến những khoảnh khắc cuối cùng của một số hành khách. Họ la hét. Bà cố gắng giữ chặt chỗ ngồi của mình hết mức có thể khi nó bắt đầu long ra. Trong đầu bà ngập tràn hình ảnh bộ phim “Điều kỳ diệu vẫn xảy ra” đã xem cùng chồng năm trước, nơi nhân vật chính tự cứu mình bằng cách làm điều tương tự. Chiếc máy bay chở khách lao xuống đất. May mắn thay, những cây bạch dương đã làm giảm nhẹ cú va chạm. Sau khi chạm đất, Larisa tỉnh dậy giữa rừng cây. Bà bị gãy xương cánh tay, xương sườn, 5 điểm trong tủy sống và gãy cả răng. Thời tiết hôm đó cực kỳ lạnh, âm hàng chục độ C. Tuyết rơi xung quanh biến khu rừng thành một khung cảnh hoang tàn, vắng lặng.

“Tôi không biết phải đi đâu, xung quanh chỉ toàn là cây cối. Trời lạnh khủng khiếp và có lúc mưa khá to. Tôi muốn ngủ nhưng không thể vì quá đau” - Larisa kể về việc ở yên tại hiện trường đợi đội cứu hộ. Bà tìm thấy những tấm chăn giữa đống đổ nát để cuốn quanh người. Để làm dịu cơn khát, người phụ nữ ấy uống từ một vũng nước gần đó. Một chiếc trực thăng bay qua khu vực, nạn nhân cố gắng phát tín hiệu cầu cứu nhưng không ai đến giúp vì họ nhầm tưởng đó là một số nhà địa chất đang tác nghiệp. Vào ngày thứ ba, Larisa không còn hy vọng được tìm thấy nên đã quyết định rời đi dù thể trạng rất yếu. Bà chưa đi được bao xa thì được những người cứu hộ phát hiện ra. Điều tiếp theo bà nhớ là tỉnh dậy trong bệnh viện.

Chiếc máy bay chở khách An-24 va chạm với máy bay ném bom Tu-16 của Không quân Liên Xô năm 1981

Chiếc máy bay chở khách An-24 va chạm với máy bay ném bom Tu-16 của Không quân Liên Xô năm 1981

Sai lầm của bộ phận giám sát máy bay

Bản thân Larisa cũng không biết chuyện gì đã xảy ra cho đến khi Liên Xô sụp đổ. 40 năm sau vụ tai nạn, một bộ phim tài liệu có tên “8 phút rơi xuống đất” do Anastasia Sarycheva lật lại câu chuyện bí mật này và dự kiến sẽ được phát hành ở Tây Ban Nha vào năm 2022. Theo đó, việc sống sót sau cú rơi từ độ cao 5.220m trên mảnh vỡ của một chiếc máy bay không biến Larisa Savitskaya trở thành tiêu đề thời sự, mà là một nhân chứng không mong muốn về thảm họa hàng không mà Liên Xô muốn che giấu.

“Họ không nói với tôi bất cứ điều gì. Họ chỉ nói chuyện với mẹ tôi và bảo, hãy quên những gì đã xảy ra đi. Mẹ tôi đã ký một số tài liệu. Trong suốt 10 năm sau, tôi không biết chuyện gì đã xảy ra, kể cả về số hành khách đã tử nạn cũng như bất kỳ chi tiết nào của câu chuyện. Bây giờ tôi khỏe mạnh, là một người hạnh phúc” - Savitskaya nói với tờ El Pais của Tây Ban Nha. Nhân chứng đã hồi phục sau tai nạn kinh hoàng hôm đó và tiếp tục cuộc sống của mình.

Bài báo đầu tiên về thảm họa hàng không được xuất bản vào năm 1985. Nguyên nhân tai nạn được cho là lỗi của các phi công. Mãi đến những năm 1990, cuộc điều tra mới được giải mật và chỉ khi đó những sai lầm của Không quân Liên Xô mới được đưa ra ánh sáng. Theo đó, chiếc oanh tạc cơ Tu-16K đã bay lấn vào đường bay dân sự của máy bay chở khách An-24. Các phi công máy bay ném bom đã không nhận được thông báo cảnh báo bay sai đường, còn kiểm soát viên không lưu tại căn cứ quân sự lại không sử dụng sự hỗ trợ của radar để theo dõi máy bay. Tầm nhìn xa tốt hơn 10 km, nhưng máy bay ném bom đã va chạm với máy bay chở khách khi nó đang lấy độ cao. Tổng cộng 37 người đã chết bao gồm 31 người trên chiếc AN-24 và 6 thành viên phi hành đoàn của chiếc Tu-16K.

Nhân chứng duy nhất còn sống sau vụ tai nạn máy bay năm 1981 Larisa Savitskaya

Nhân chứng duy nhất còn sống sau vụ tai nạn máy bay năm 1981 Larisa Savitskaya

Thoát chết nên không sợ đi máy bay

Vụ tai nạn xảy ra 5 năm trước khi nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev phát động Chiến dịch Glasnost (tự do thông tin, công khai hóa đến mức tối đa hoạt động của các cơ quan nhà nước) như 1 phần của chương trình “Cải tổ”. Mặc dù vậy, quân đội Liên Xô bao giờ cũng có những bí mật của họ. Thông tin về vụ va chạm trên không của 2 chiếc máy bay được giữ kín và đây cũng không phải vụ đầu tiên. Ngay như thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986, sau 1 tháng nhà lãnh đạo cao nhất của Liên Xô mới xuất hiện trước báo giới. Tương tự, vào năm 2019, trong khi thành phố Arkhangelsk báo động về mức độ phóng xạ tăng đột biến thì chính phủ vẫn giữ im lặng suốt 4 ngày trước khi thừa nhận đã có một vụ nổ trong phòng thí nghiệm về loại vũ khí mới dùng năng lượng hạt nhân. “Tất cả đều phải giữ bí mật. Nhiều trường hợp như thế đã xảy ra” - Larisa Savitskaya nói.

Larisa được hãng hàng không Aeroflot bồi thường 75 rúp (tương đương 330 USD hiện giờ). Bà được hưởng thêm 150 rúp do chồng đã qua đời. Sau vụ tai nạn, Larisa cũng không nhận được sự giúp đỡ nào về mặt tâm lý. “Ai có thể giúp bạn trong tình huống này? Mẹ hay bố ư? Khi tôi chuyển đến Matxcơva để học đại học, tôi đã có thể tự giúp mình” - bà nói. Người sống sót duy nhất sau thảm họa hàng không đó chưa bao giờ làm việc với tư cách là nhà tâm lý học cho các nạn nhân khác của các vụ tai nạn, nhưng trải nghiệm về tình trạng căng thẳng sau chấn thương đã giúp bà hỗ trợ các cựu chiến binh trong Chiến tranh Liên Xô - Afghanistan (1979-1989). “Họ có một trạng thái tinh thần giống nhau. Tôi có thêm niềm an ủi rằng, mình không phải là người duy nhất. Nhiều người đã sống sót sau những điều tương tự, giống như tôi”.

Larisa Savitskaya đã có thể bắt đầu lại cuộc sống của mình sau vụ tai nạn. Giờ đây, bà có một người chồng yêu thương, một công việc, một cậu con trai và một cô cháu gái. Vụ tai nạn là trải nghiệm không thể nào quên trong đời, nhưng nó không khiến Larisa cảm thấy sợ khi đi máy bay. “Sét không đánh 2 lần vào cùng 1 nơi, tôi thấy điều đó đúng với mình”.

Bản thân Larisa cũng không biết chuyện gì đã xảy ra cho đến khi Liên Xô sụp đổ. 40 năm sau vụ tai nạn, một bộ phim tài liệu có tên “8 phút rơi xuống đất” do Anastasia Sarycheva lật lại câu chuyện bí mật này và dự kiến sẽ được phát hành ở Tây Ban Nha vào năm 2022. Theo đó, việc sống sót sau cú rơi từ độ cao 5.220m trên mảnh vỡ của một chiếc máy bay không biến Larisa Savitskaya trở thành tiêu đề thời sự, mà là một nhân chứng không mong muốn về thảm họa hàng không mà Liên Xô từng giữ kín.