Người phụ nữ sạt nghiệp sau 2 lần ly dị

ANTĐ - Chị tên là Kim Ngân - họa sỹ khá nổi tiếng với những tác phẩm tranh sơn mài phong cách dân gian. Dịu dàng, xinh đẹp, tài năng mà đường tình duyên của chị thật lắm truân chuyên. Đến tuổi nghỉ hưu, một lần nữa chị lại khổ đau vì tình tan, tiền mất...

“Quân ăn trộm”

Cha mẹ chị là đôi trai tài gái sắc một thời.Cụ ông làm kiến trúc sư, cụ bà là người đẹp phố Huế. Thừa hưởng “gen trội” của cha mẹ, thời tuổi trẻ, Kim Ngân là niềm ao ước của nhiều chàng trai gia đình nề nếp đất Tràng An. Mặc cho cha mẹ “nói gần nói xa” chuyện chồng con, Kim Ngân cứ mải mê đi và vẽ. Ngoảnh đi ngoảnh lại chị đã 29 tuổi. Thời đó con gái tuổi ấy xem như đã “ế”. Đùng một cái, trong chuyến đi thực tế vùng trung du Bắc Bộ, chị gặp anh Hùng - người dân tộc Tày tỉnh Thái Nguyên. Anh là giáo viên hướng dẫn kỹ thuật cơ khí cho một trường nghề. Cũng thuộc tuýp người “đầy cá tính” nên ngoài 30 anh vẫn chưa có người yêu. Bị “sét đánh” chị bỏ dở chuyến thực tế đưa anh về ra mắt gia đình. Khi tiếp xúc với anh Hùng, cả nhà có chung cảm giác lo nhiều hơn vui. Khi yêu “củ ấu cũng tròn”.

Mọi người nhận xét anh Hùng trông bặm trợn, lời lẽ bỗ bã, phàm ăn tục uống... thì chị “dịch” ra nghĩa đẹp: “bặm trợn” - thế mới ra dáng đàn ông; “bỗ bã” là luôn nói những lời thẳng thắn; còn tác phong khi ăn uống thì “nam thực hư hổ, nữ thực như miu” - anh ấy mới là người đạt chuẩn... Thấy chị quyết tâm, cả nhà đành chiều ý, đứng ra tổ chức đám cưới, chấp nhận cho anh Hùng ở rể. Một năm trôi đi yên ả. Chị sinh con trai đầu lòng, 9 tháng sau lại mang thai con trai thứ hai... Điều kỳ lạ là từ khi chàng rể xuất hiện, tình trạng mất mát thường xuyên xảy ra. Hôm ấy, khi vô tình phát hiện bên dưới dát giường ngủ của vợ chồng có “dính” chiếc hộp bằng cót ép. Tất cả những thứ mọi người kêu mất được cất trong đó. Hốt hoảng, chị tra hỏi thì anh Hùng tỉnh bơ: “tôi lấy đấy”.

Mấy đêm liền chị khóc vì xấu hổ và thất vọng về chồng. Chị thú nhận với mẹ. Mẹ chia sẻ với dì. Để tránh phiền cho mọi người và giữ thể diện cho gia đình, dì cho vợ chồng chị Ngân ra ở căn nhà của dì ở khu cao-xà-lá (nay thuộc quận Thanh Xuân). Trước khi được chồng bảo lãnh qua Pháp, dì làm thủ tục tặng Kim Ngân căn nhà đó. Biết giấy tờ nhà chỉ do một mình vợ đứng tên, anh Hùng sùng sục đòi làm lại thủ tục để mình được đứng tên cùng. chị chần chừ thì anh mượn rượu đập phá đồ đạc, vác dao rượt đuổi con cái, dọa “giết cả nhà”. Lo cho tính mạng bọn trẻ, chị nhẫn nhịn làm theo điều anh muốn. Nhà cửa yên ắng được một thời gian thì giông gió lại nổi lên. Mỗi lần về thăm nhà anh Hùng lại trút sạch gạo, dầu, thực phẩm mang đi. Thời bao cấp tem phiếu là thứ sống còn của mỗi gia đình anh cũng lấy hết. Rút kinh nghiệm, chị đem tem phiếu gửi bà ngoại cất giùm.

Không lấy được của nhà, chồng chị hướng sang hàng xóm, lấy của họ từ con dao, cái thớt, chiếc khăn quàng... Đầu óc chị căng như dây đàn, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lộ ra” lúc đó mẹ con chị biết sống ra sao? Tệ hơn nữa là thỉnh thoảng nhà chị lại xuất hiện đám người kéo đến đòi nợ. Họ đưa ra giấy do chồng chị viết, ghi rõ người có trách nhiệm trả là chị. Những lúc chị không có tiền, bọn chúng xúm lại chửi bới giật tóc giằng xé... khiến chị nhục nhã ê chề. Không thể tiếp tục sống với “quân trộm cắp” chị đòi ly hôn. Trước Tòa, anh ta “nhường”quyền nuôi cả 2 con cho vợ, còn căn nhà thì đòi chia. “Án tại hồ sơ”, Tòa quyết định anh Hùng được quyền sở hữu 1/2 căn nhà đó. Bán rẻ “phần của mình” anh Hùng trở về Thái Nguyên. Năm sau chị nhận được tin anh Hùng đột tử không rõ nguyên nhân. Cùng các con “lên rừng” viếng đám tang, chị nghe mọi người xì xầm: nửa đêm anh Hùng trèo tường ăn trộm, bị người ta đánh

Rước “rắn” vào nhà

Thoát khỏi cuộc hôn nhân địa ngục tài năng nghệ thuật của chị lại cất cánh. Trong cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc, tác phẩm của chị được chọn trưng bày tại Bảo tàng quốc gia, được Nhà nước trả khoản tiền kha khá. Bán nốt nửa căn nhà ở khu cao-xà-lá, mẹ con chị mua chỗ ở mới tại Hào Nam (quận Đống Đa). “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, bi kịch mới bắt đầu khi tài năng của chị “bay” đến tai ông T (công tác tại một viện nghiên cứu ngành KHXH, hơn chị Ngân 15 tuổi), ông T được lãnh đạo cử đi tìm chị để đặt làm vài bức sơn mài tặng các học giả nước ngoài. Chị đến cơ quan ông T. Vừa nhìn thấy người đàn ông cao dong dỏng, da trắng, lời nói nhỏ nhẹ, tay nâng chén trà mời, ân cần như đối đãi người tri kỷ, chị Ngân lại có cảm giác “sét đánh”. Sau đó ông T cũng gấp rút tìm hiểu gia cảnh của chị và phấn khởi như người “chết đuối vớ được cọc”.

Ông quê ở Hà Nam, lên HN lập nghiệp lấy vợ là thành phần bất hảo. Bà ta buôn bán thuốc tây ở đầu phố Hàng Chiếu, đã từng bị kết án tù. Sau khi sinh được một người con trai với chồng, bà chê ông là kẻ vô tích sự, đuổi ông khỏi nhà. Từ đó ông cơm hàng cháo chợ, đêm ngủ tại bàn làm việc cơ quan trong tình trạng hộ khẩu bị vợ cũ “cắt treo”. Rất nhanh chóng chị Ngân quyết định “đi bước nữa”. Lần đầu tiên đưa ông T về giới thiệu với hai con, cậu cả lễ phép cúi chào, cậu út chạy tút vào buồng thập thò quan sát ông qua khe cửa. Buổi tối, cậu út đến bên mẹ thì thầm: bác ấy làm con sợ! - Sao thế? - Bác ấy trán vuông, gò má cao, cằm nhọn, miệng chữ thập... trông như chân dung “ông rắn” trong bộ tranh 12 con giáp mẹ vừa vẽ ấy. Chị Ngân dịu dàng: Con đừng sa vào tiểu tiết. Bác ấy nhẹ nhàng nho nhã, không bao giờ đánh các con... Ông T. hối thúc chị đăng ký kết hôn để được nhập hộ khẩu vào nhà chị.

Ông còn khuyên chị bán căn nhà ở Hào Nam, lấy tiền mua căn hộ mới (bạn ông được cơ quan phân cho) ở phường Nghĩa Tân. Để chứng tỏ mình là người vô tư, hôm đôi bên ký giấy - trao tiền, ông không có mặt, và dĩ nhiên giấy mua nhà mang tên chị! Nhờ có nơi ở cố định, nhân khẩu rõ ràng, ông T được đi nghiên cứu văn học một năm tại Đức ông bảo chị lo tiền cho ông mua vé máy bay vì ông phải tự túc đi - về. Ông còn bảo chị đóng thùng hàng lớn gồm tranh sơn mài (của chị), tranh lụa, phù điêu, đồ mỹ nghệ... (chị vay của bạn bè) để “anh mang sang Đức bán lấy tiền mua xe máy Simson. Về VN chúng ta sẽ bán xe cho em trả nợ, còn tiền lãi vợ chồng cùng hưởng”. Hết hạn học tập, Ông T “mang người không” về với chị, còn 4 thùng hàng ông gửi tới nhà con riêng ở phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng). Chị nói mãi rằng ông phải có trách nhiệm cùng chị trả nợ, nhưng ông cứ lặng thinh. Có của do bố đi Tây mang về, con riêng của ông bán đi tậu căn hộ mới khang trang. Để “xù” món nợ với chị, ông kiếm cớ giận dỗi bỏ về với con riêng.

Đến khi nghe tin chị đang làm thủ tục mua hóa giá căn hộ ở Nghĩa Tân theo Nghị định 61CP, ông lại nỉ non bảo yêu vợ, nhớ vợ, muốn quay về. Lời đường mật của ông lại khiến chị mủi lòng. Quay lại nhà chị, việc đầu tiên ông làm là tìm người bạn đã bán nhà cho chị nhờ ông ta viết lại giấy tờ. Nội dung bán nhà cho một mình chị được thay bằng dòng chữ “bán nhà cho vợ chồng chị Ngân”, ông còn móc nối với mấy phần tử tha hóa bên cơ quan nhà đất để khi cấp sổ đỏ thì họ căn cứ vào giấy mua bán ông mới làm lại để ghi tên ông vào. Ngày nhận sổ đỏ, thấy trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà có tên ông T, chị định phản ứng thì ông ghé tai vợ thì thầm: “Ủy ban đông người, em cứ ký nhận đi rồi có gì chưa rõ sẽ hỏi sau”. Chị lại nghe lời ông. Về nhà, ông mồm năm miệng mười: chắc cán bộ thấy vợ chồng mình quấn quýt nên ghi tên cả hai người vào. Mà nhầm rồi thì thôi. Chả lẽ em muốn gạt anh ra? Chị lại cả nể cho qua với niềm tin ông T sẽ không nhẫn tâm lừa gạt người vợ tốt.

Nên đăng ký tài sản riêng...

Niềm tin nơi chị đổ vỡ tan tành ngay sau đó. Ông T lấy lý do con bị bệnh phải về thăm để ngầm thuê luật sư chuẩn bị đâm đơn ly dị vợ. Uất hận đầy vơi, chị đến cơ quan ông tìm hiểu mới biết bị ông bòn rút tiền vé máy bay đi Đức, vì khoản này do cơ quan chi trả. Chị lại gặp người bán nhà, được biết ông T đã nhân danh chị đến nhờ ông ấy viết lại giấy tờ và ghi tên ông T bên cạnh tên của chị... Bằng chứng quan trọng giúp ông T thắng kiện, được quyền sở hữu nửa căn nhà của chị tại phường Nghĩa Tân là việc chị đã đồng ý để ông ta đứng tên trong sổ đỏ. Bây giờ chị muốn ở lại thì phải trả cho ông T khoản tiền lớn. Chị vô cùng ân hận vì trước lúc tái hôn đã mù quáng bỏ qua cảm nhận của con trẻ. Ông T đúng là một “con rắn”. Hơn mười năm khẽ khàng, đường mật, ông ta đã bòn rút bao nhiêu tiền của chị rồi “quẫy đuôi một cái ngoạm nốt nửa căn nhà”, khiến chị rơi vào cảnh nợ nần.

Đến phòng tư vấn chị trải lòng với chúng tôi: Khi bị chồng phản bội chị đã dành nhiều thời gian tìm hiểu pháp luật nên không đề nghị trợ giúp pháp lý mà mong được giãi bày cho vơi bớt nỗi đau. Chị nhớ như in nội dung Khoản 1, Điều 27, Luật Hôn nhân và Gia đình: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra... trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung” (những tài sản này khi vợ chồng ly hôn, về nguyên tắc sẽ được chia đôi), rồi tự nhận đã phạm sai lầm tới hai lần. Với người chồng trước, bằng việc cho anh ta đứng tên vào giấy tặng cho căn nhà, chị đã biến tài sản được dì tặng riêng thành tài sản tặng chung hai vợ chồng. Với người chồng sau, chị cho ông T đứng tên trong sổ đỏ là đồng nghĩa với việc chấp nhận thỏa thuận căn nhà ở Nghĩa Tân là tài sản chung của chị và ông T. Vậy nên chị mới trở thành người sạt nghiệp sau hai lần ly dị. Qua văn phòng tư vấn, chị Ngân muốn gửi đến chị em lời tâm huyết. Trước khi kết hôn hãy đăng ký tài sản riêng, để trong bất kỳ tình huống nào chị em cũng không phải chịu thiệt thòi.