Người phụ nữ phi thường vượt "ốc đảo" tìm đến nhân gian

ANTD.VN - Đó là một đóa hoa nhỏ, mọc lên từ hòn đá của số phận, vươn lên từ nghịch cảnh để tìm cho mình con đường hạnh phúc, có ích giữa cuộc đời…

Không đầu hàng số phận

Chị Nguyễn Thị Hòa (SN 1980), sinh ra trong một gia đình nghèo tại thôn Tú Đôi, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Do ảnh hưởng của chất độc da cam nên ngay từ khi chào đời chị đã chẳng thể ngồi và cũng không đi lại được. Đến nay, dù đã 39 tuổi nhưng chị chỉ bé như một đứa trẻ 2 tuổi với chiều cao 70cm và nặng 13kg. Thế giới xung quanh chị Hòa chỉ có 4 bức tường cùng một khung cửa sổ.

Có người đến chơi, vô tình nhìn thấy và buông một câu đầy đau đớn: “con bé này bị quái thai”. Lời nói đó xuyên thẳng vào tim chị Hòa và từ đó chị càng náu mình vào bóng tối. Mỗi khi nhà có khách, thay vì ra chào thì chị lại chui vào chăn để không ai nhìn thấy. Có khi cả ngày trời, cô bé không may mắn ấy cứ giấu mình trong góc nhỏ, thở nhẹ nhàng với mong ước đừng ai phát hiện ra.

“Từ khi sinh ra, cả cơ thể đôi tôi đã mềm như sợi bún. Da dẻ tôi cũng khác người, nó mỏng tới mức chỉ chạm nhẹ là rách, máu cứ thế rỉ ra. Càng lớn chân tay tôi càng ngắn lại mà không biết nguyên nhân vì sao. Cả tuổi thơ, tôi chỉ lăn lóc ở góc giường, bạn chơi chỉ duy nhất là một con mèo. Cứ vậy, ngày tháng qua đi trong tâm trí tôi dường như không có cái gọi là nắng và gió. Tôi cũng không biết đến cây cối, hoa lá, mặt trời, vầng trăng hay những cánh đồng. Vì sao tôi lại như vậy?” - những lời tâm sự ấy của chị Hòa như cứa vào lòng người, bởi nỗi khắc khoải được thoát ra khỏi căn phòng u tối đến với thế giới đầy màu sắc mà cách xa chỉ có… một khung cửa sổ.

“Bây giờ nhìn lại những việc đã làm, bản thân tôi không khỏi ngạc nhiên về thành quả của mình. Tôi tự hào vì đã cố gắng vươn lên, làm một người có ích trong xã hội. Từ câu chuyện của mình, tôi xin gửi tới những ai còn đang do dự, khi muốn làm gì thì hãy làm đi vì mọi thứ trong tương lai là do mình quyết định”.

Chị Nguyễn Thị Hòa , xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng

Nhìn hai đứa em hàng ngày bi bô học bài, chị Hòa cứ mong ước làm được những điều giản đơn như vậy. Rồi năm 19 tuổi, không biết do khát khao cháy bỏng dồn nén đã lâu hay món quà đặc biệt của tạo hóa, sau một trận ốm nặng, chị phát hiện ra mình có khả năng nhớ mặt chữ rất nhanh. Cố gắng một thời gian, chị Hòa biết đọc. Từ đó, sách báo trở trành những người bạn đặc biệt của chị, là cầu nối từ “ốc đảo” đến thế giới bên ngoài. Nhờ sự giúp đỡ của một cựu chiến binh trong làng, sau nhiều nỗ lực “vẽ ngược vẽ xuôi”, cuối cùng chị Hòa cũng viết được những nét chữ đầu tiên. Đến bây giờ chị đã có thể làm thơ, viết truyện ngắn và có một trang mạng xã hội để giao lưu với bạn bè.

Được một nhà hảo tâm tặng chiếc máy tính, chị Hòa mày mò vào mạng Internet và tìm hiểu cách làm hoa giấy. Thế rồi ngày ngày chị bắt đầu làm bạn với đống vỏ chai, giấy màu. Lúc đầu, mọi người xung quanh không tin chị làm được. Chị Hòa nhờ người mua hạt nhựa, súng dán keo, vỏ chai… Những ngày đầu chưa quen, đôi tay yếu ớt của chị không biết bao lần sưng tấy, thậm chí chảy máu vì… cắt nhầm. Nhiều hôm chị tập làm từ sáng đến tối mà sản phẩm cũng không thành. Không nản trước những thất bại ban đầu, dần dần đôi bàn tay mềm như bún của chị đã có thể cầm kéo khéo léo, tạo hình thuần thục và cho ra đời những bông hoa đủ các sắc màu. 

Khi nghị lực trổ bông

Giỏ hoa đầu tiên thành công sau nhiều ngày tỉ mẩn đẹp đến bất ngờ. Nó hoàn hảo đến mức người ta không tin là do chị làm. Để chấm hết mọi hoài nghi, chị Hòa bèn livestream công việc của mình qua tài khoản mạng xã hội mang tên Gấu Bông Nguyễn. Nhìn chị làm hoa giấy ai cũng trầm trồ thán phục và ngay lập tức đã có những đơn đặt hàng đầu tiên. Thời gian đầu, mỗi ngày chị làm được 1 đến 2 giỏ, bán giá 100.000 đồng. Đến nay sản phẩm đã nhiều, đa dạng và phong phú hơn.

Còn khách hàng thì ở khắp mọi nơi, từ trong nước đến ngoài nước đều bảo nhau đặt hàng của chị. Cách chị Hòa bán hàng cũng khác người, đó là cứ tiêu thụ được sản phẩm nào thì chị lại trích ra một số tiền để giúp cho những người có hoàn cảnh giống mình. Đến khi đơn hàng vượt khả năng cung cấp, chị tuyển thêm 3 thợ phụ để cùng mình sản xuất. Ước mơ lớn nhất của chị là một ngày nào đó sẽ thành lập được một nhóm khuyết tật để cùng làm hoa giấy, tạo công ăn việc làm cho những người bất hạnh.

“Qua mạng xã hội, tôi được biết đến chị Hòa và đã về làm cùng chị. Hai vợ chồng tôi mỗi tháng thu nhập được hơn 2 triệu đồng, đủ để lo cho con. Có thể với nhiều người đó là số tiền nhỏ, nhưng với người khuyết tật như chúng tôi đó là khoản thu nhập lớn. Và quan trọng hơn, chúng tôi cảm thấy mình có ích” - anh Trịnh Tuấn Anh (TP Hải Phòng), một người làm chung với chị Hòa cho biết.

Tháng 1-2019, có một cuộc triển lãm đặc biệt diễn ra ở Hà Nội mang tên “Hoa Đá”. Triển lãm này mang tới những chiếc lọ, những bình hoa được kết từ đá nhân tạo, hoặc những bức tranh được thêu, ghép từ đá. Hầu như khách tham quan triển lãm đều ngỡ ngàng khi biết những sản phẩm đó được làm lên từ đôi bàn tay mềm yếu của một cô gái khuyết tật nhỏ bé. Có thể những sản phẩm đó chưa đạt chuẩn nghệ thuật, cũng không quá tinh xảo, nhưng người ta vẫn trầm trồ bởi chúng được làm ra không phải chỉ từ trái tim, khối óc, đôi bàn tay khéo léo, mà còn là bởi một nghị lực phi thường. 

Đã nhiều năm kể từ ngày đầu tiên phá vỡ “ốc đảo” của chính mình, chị Hòa từ một người không có nổi một người bạn, cũng như chưa từng được đi đâu, thì nay chị đã có rất nhiều bạn tốt. “Bây giờ nhìn lại những việc đã làm, bản thân tôi không khỏi ngạc nhiên về thành quả của mình. Tôi tự hào vì đã cố gắng vươn lên, làm một người có ích trong xã hội.

Từ câu chuyện của mình, tôi xin gửi tới những ai còn đang do dự, khi muốn làm gì thì hãy làm đi vì mọi thứ trong tương lai là do mình quyết định” - chị Hòa chia sẻ. Vẫn phải đối mặt với bệnh tật và muôn vàn khó khăn, nhưng chúng tôi luôn tin chị Hòa sẽ kiên định với hành trình của mình để tiếp tục vẽ thêm những bông hoa cho cuộc đời, để là nguồn cảm hứng cho bao số phận không may mắn khác…