Người phiên dịch cho 7 đời Tổng thống Mỹ

ANTD.VN - Trong bất kỳ cuộc gặp nào với nhà lãnh đạo nước ngoài, những người phiên dịch không chỉ đơn thuần thực hiện chức năng chuyển ngữ mà họ có thể là người xác thực độ tin cậy, nhà ngoại giao và thậm chí là bạn tâm giao của Tổng thống.

Trong 6 người tham gia cuộc gặp đầu tiên của 2 nguyên thủ Nga-Mỹ tại Hamburg, Đức hôm 7-7 có 2 người phiên dịch của mỗi bên

Harry Obst là một người gốc Đức nhưng từng làm người phiên dịch cho 7 đời Tổng thống Mỹ, sau này ông đã trở thành người đứng đầu Vụ Ngôn ngữ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Trong cuốn sách nói về những trải nghiệm của chính mình cũng như nghệ thuật phiên dịch, ông Harry Obst tiết lộ, ngài Lyndon Johnson, người bất ngờ trở thành Tổng thống sau khi ông John F.Kennedy bị ám sát đặc biệt quan tâm đến vấn đề khai thác trí tuệ của thông dịch viên.

“Tổng thống Lyndon Johnson thường họp kín với tôi trước khi cuộc gặp diễn ra và hỏi: Hãy nhìn xem, ông có biết người này không? Ông ấy là người thế nào? Một nhân vật thẳng tính hay thích lắt léo. Tốt nhất là đi thẳng vào chủ đề hay phải vòng vo một chút?”, ông Harry Obst kể.

Hiểu biết rộng, ứng biến nhanh

Yêu cầu đối với người phiên dịch cho Tổng thống tất nhiên vô cùng chặt chẽ. Thứ nhất, họ phải có nền kiến thức phong phú. Thông dịch viên của Nhà Trắng được Vụ Ngôn ngữ cung cấp nhân sự, trong đó có những bài kiểm tra về kiến thức tổng quát.

 Giống như bất cứ ai khác trong một cuộc họp nhạy cảm, người phiên dịch được nhận một cuốn sách tóm tắt nội dung cuộc họp giống như Tổng thống. Đó là điều cần thiết để họ nắm được vốn từ vựng và mức độ thông tin thảo luận, đồng thời giúp họ “đỡ” cho Tổng thống từ lỗi thực tế nhỏ hay tình huống lỡ lời. “Thông dịch viên sẽ giúp Tổng thống nếu có lỡ lời. Thông thường, họ sẽ hỏi Tổng thống có thực sự muốn nói là thế này, thế kia, sau đó họ sẽ sửa qua lời dịch”, chuyên gia Obst nói.

Ông Obst bắt đầu làm thông dịch viên chỉ sau 6 tháng được đào tạo và được sự giúp đỡ của những đối tác tốt bụng, có kinh nghiệm. “Nếu tôi phạm sai lầm nhỏ, họ không phản ứng gì cả, bởi vì nó không quan trọng. Còn nếu xảy ra sai lầm nghiêm trọng về nội dung, họ sẽ nhìn chằm chằm vào tôi và rướn lông mày của họ tỏ ý đó là một sai lầm tồi tệ. Đó là cơ hội để tôi kiểm tra lại bộ nhớ và tự sửa. Nếu không thể, tôi sẽ nhìn lại họ cầu cứu: Hãy giúp tôi!”. Nhưng Obst cho hay, ông may mắn khi tránh được sai sót nghiêm trọng trong sự nghiệp của mình. Những ai phạm lỗi lớn có thể nhanh chóng bị sa thải hoặc gặp phải rắc rối lớn khác.

Bí mật là nguyên tắc hàng đầu

Sự kiện gần đây nhất mà dư luận đặc biệt quan tâm, đó là cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20. Cuộc họp lịch sử nói trên chỉ giới hạn trong nhóm nhỏ 6 người gồm 2 vị Tổng thống, Ngoại trưởng 2 nước và 2 phiên dịch.

Nhân sự cuộc họp hạn chế là do lo ngại về khả năng rò rỉ thông tin. Theo ông Harry Obst, điều này cũng không phải là mới bởi trong quá khứ, Tổng thống Nixon và Henry Kissinger vốn không tin tưởng Bộ Ngoại giao, lại có mối quan hệ không được tốt đẹp với Ngoại trưởng William Rogers nên đôi khi họ không cần phiên dịch trong phòng họp. 

Tuy nhiên, ông Obst cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không cần phải lo lắng rằng các nhà ngôn ngữ học sẽ rò rỉ câu chuyện vốn được dư luận đặc biệt quan tâm giữa ông Trump và ông Putin. “Thông dịch viên hàng đầu của chúng tôi sẽ không bao giờ tiết lộ bất cứ điều gì cho bất cứ ai không phải là người trong cuộc. Bởi vậy, đó chính là người duy nhất mà danh tính không được tiết lộ”, chuyên gia Harry Obst nói.

 “Để làm phiên dịch cấp cao, anh phải có kho kiến thức chung đáng kinh ngạc, bởi vì Tổng thống có thể đề cập đến bất kỳ chủ đề nào ngoài sức tưởng tượng, từ tàu ngầm hạt nhân tới sản xuất nông nghiệp, hiệp ước song phương, lao động… thậm chí là cả loài sứa biển. Nếu không biết một chiếc máy bay vận hành như thế nào hay cách thức hoạt động của một lò phản ứng hạt nhân ra sao, anh sẽ phạm sai lầm”.

 Ông Harry Ost, người phiên dịch cho 7 đời Tổng thống Mỹ