Người phát ngôn Chính phủ nói về việc tỉnh nhận siêu xe từ doanh nghiệp và "cuộc chiến" giành vỉa hè

ANTD.VN - "Cuộc chiến" đòi lại vỉa hè cho người đi bộ ở quận 1 - TP HCM và một số địa phương nhận xe sang trị giá hàng tỷ đồng do doanh nghiệp tặng đang được dư luận rất quan tâm. Chiều 1-3, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nêu quan điểm của Chính phủ về 2 vấn đề “nóng” này.

Cụ thể, Bộ trưởng – Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, báo chí vừa qua có nêu thông tin Cà Mau nhận 2 xe Lexus, Văn phòng Tỉnh ủy Đà Nẵng cũng nhận 1 xe ôtô do doanh nghiệp tặng. Quyết định 64 của Chính phủ đã có quy định rất rõ việc nhận quà tặng này. Tuy nhiên sau khi báo chí đăng tin vụ việc này của 2 địa phương kể trên, có nhiều quan điểm khác nhau.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng (bên phải) và Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn chủ trì buổi họp báo

Qua việc này, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp kiểm tra làm rõ. Đây chỉ đạo thể hiện trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu Chính phủ. Sau khi có kết quả kiểm tra, Chính phủ sẽ thông tin đến báo chí.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nói thêm, trong Quyết định 64 về quy chế tặng và nhận quà tặng đã quy định rõ những trường hợp nào không được nhận quà tặng, những hành vi nghiêm cấm nhận quà tặng. Bên cạnh đó, Nghị định số 29/2014.NĐ-CP của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập.

Trong đó, quy định tại Điều 33 nêu rõ: “Căn cứ tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước, đơn vị tiếp nhận tài sản phải lập phương án xử lý tài sản để trình cấp có thẩm quyền, trường hợp tài sản được chuyển giao mà phù hợp thì giao cho cơ quan, đơn vị sử dụng, trường hợp không phù hợp thì đơn vị phải từ chối, nếu không từ chối được thì phải xử lý theo quy định”.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh, việc nhận tài sản của 2 địa phương nêu trên là xe ô tô thì cũng phải căn cứ vào Quyết định số 32/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về định mức quản lý, sử dụng xe ô tô. Trong đó quy định rõ định mức xe ô tô phục vụ cho các chức danh của các bộ ngành hay địa phương và định mức xe ô tô dùng chung. Vì thế, vụ việc này sẽ phải căn cứ vào các văn bản quy định của pháp luật để xem xét kỹ lưỡng.

Liên quan đến "cuộc chiến" giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở quận 1 – TP HCM vừa qua, dư luận đánh giá cao hành động quyết liệt để lấy lại vỉa hè cho người dân của lãnh đạo quận 1 nhưng cũng có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng việc thực thi công vụ là chưa đúng thủ tục, quy trình pháp luật. Về việc này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, sáng nay (1-3), tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lên tiếng hoan nghênh và đánh giá cao chỉ đạo của TP.HCM trong việc lập lại trật tự vỉa hè, trật tự đô thị. 

Cũng ngay sáng 1-3, Chủ tịch UBND TP.HCM đã chủ trì, mời 24 quận, huyện họp và chỉ đạo đồng loạt ra quân triển khai vấn đề này. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng đã có văn bản gửi Công an các địa phương yêu cầu hỗ trợ chính quyền trong việc kiên quyết không để tái diễn hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Theo người phát ngôn của Chính phủ, người dân mong muốn có vỉa hè cho người đi bộ theo đúng nghĩa. Do đó, vấn đề cần giải tỏa lấn chiếm vỉa hè là cần thiết. Việc tuyên truyền, xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè không phải bây giờ mới làm mà đã làm rất nhiều nhưng cứ lực lượng chức năng rút quân thì vi phạm lại tái diễn.

“Chúng ta đặt vấn đề là việc làm của lãnh đạo quận 1 – TP HCM có vi phạm Luật xử lý hành vi phạm hành chính cũng rất đúng nhưng nếu cứ tiếp tục phải làm đúng quy trình ra thông báo, cho thời hạn để người dân khắc phục, sau đó mới xử phạt hành chính thì với yêu cầu, mong mỏi thực sự của người dân và đích đến của thành phố thì không được… Nếu không có biện pháp quyết liệt, cứng rắn thì vỉa hè sẽ bị tái lấn chiếm thường xuyên” – Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phân tích.