Người Pháp đi bầu cử nhiều hơn vì nỗi lo khủng bố

ANTD.VN - Không phải chủ nghĩa dân túy có thể dẫn đến nguy cơ Pháp rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay thách thức kinh tế, mà chính chủ nghĩa khủng bố mới là yếu tố tác động lớn nhất đến diễn biến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp.

Người Pháp đi bầu cử nhiều hơn vì nỗi lo khủng bố ảnh 1Một điểm bầu cử tại thành phố Lion

Mối lo khủng bố vẫn bao trùm nước Pháp sau vụ nổ súng tối 20-4 trên đại lộ Champs-Elysées, ở trung tâm Paris, khiến một cảnh sát thiệt mạng và 2 người bị thương. Chính vì thế, cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trong bối cảnh an ninh được siết chặt, toàn bộ lực lượng an ninh Pháp được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ. Bộ Nội vụ Pháp thông báo ngoài lực lượng chống khủng bố Sentinelle lên đến 10.000 người, hơn 50.000 cảnh sát và hiến binh cũng được huy động để bảo đảm an ninh tại 67.000 điểm bỏ phiếu trên toàn nước Pháp. 

Trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp, dù được đề cập khá nhiều, nhưng cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố không phải là một chủ đề ưu tiên. Tuy nhiên, vụ tấn công trên đại lộ Champs-Élysées đã làm đảo lộn mọi điều, khiến vấn đề an ninh trở thành mối quan tâm hàng đầu với người Pháp hiện nay. 

Điều này thể hiện trước hết ở tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu. Kết quả các cuộc khảo sát trước bầu cử cho thấy, tỷ lệ đi bầu cử không phải quá cao. Khoảng 72% trong số 45,5 triệu cử tri đủ điều kiện đã tuyên bố sẽ đi bỏ phiếu. Nhưng diễn biến mới nhất cho thấy mối lo khủng bố đã trở thành yếu tố khuyến khích người dân đi bỏ phiếu, nhằm chọn ra ứng cử viên có khả năng hành động kiên quyết và hiệu quả để bảo vệ người dân trước khủng bố.

Tác động của yếu tố khủng bố đến bầu cử còn thể hiện ở sự đồng nhịp trong tuyên bố của các ứng cử viên chính trong cuộc đua. Chẳng hạn ứng cử viên cánh hữu F. Fillon tuyên bố nếu được bầu làm tổng thống, ông sẽ cho xây thêm chỗ trong các nhà tù và giam riêng biệt những phần tử cực đoan. Ông cũng đề nghị tước bỏ quốc tịch Pháp đối với những chiến binh cực đoan quay lại Pháp sau khi tham chiến tại Iraq hoặc Syria.

Ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen thì đề xuất đóng cửa biên giới, triển khai kế hoạch tiêu diệt các lực lượng Hồi giáo thánh chiến, truy quét “đến tận gốc rễ” hệ tư tưởng cực đoan. Ngoài ra, bà này cũng nhấn mạnh cần kiên quyết trục xuất những người nước ngoài thuộc diện bị cảnh sát theo dõi, truy tố và tước quốc tịch những người mang hai quốc tịch hoặc có quốc tịch Pháp nhưng nằm trong hồ sơ S (An ninh quốc gia) của cơ quan tình báo.

Theo kết quả thăm dò dư luận ngay trước thềm bỏ phiếu, ứng cử viên độc lập E. Macron, 39 tuổi, đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ 23%. Tiếp theo là Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen, với 22%. Cựu Thủ tướng F. Fillonn và nhà lãnh đạo của phong trào cực tả “Nước Pháp bất khuất” Jean Luc Melenchon đều nhận được 19% số phiếu ủng hộ. 

Trong bối cảnh cử tri đang hoang mang, lo lắng về mối đe dọa khủng bố, rất có thể chính khách bảo thủ kỳ cựu F. Fillon - người thể hiện quan điểm quyết liệt trong cuộc chiến chống khủng bố và bà Le Pen với tuyên bố “đặt nước Pháp lên trên hết” giống như cách nói của Tổng thống Mỹ D. Trump trước đây khi còn là ứng cử viên, sẽ nhận thêm phiếu bầu. Trong khi đó, ứng cử viên độc lập E. Macron, cựu Bộ trưởng Kinh tế, người bị xem là thiếu kinh nghiệm trên chính trường sẽ không được hưởng lợi. 

Theo luật định của Pháp, để đắc cử ở ngay vòng 1, ứng cử viên phải giành đủ số phiếu quá bán. Song dự báo mới nhất cho thấy sẽ không có ứng cử viên nào giành đủ số phiếu quá bán trong vòng 1. Vì thế, hai ứng cử viên dẫn đầu sẽ phải bước vào vòng 2 cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 7-5 tới. Vì thế, chủ đề chống khủng bố sẽ còn được nhắc tới nhiều trong những ngày tới ở Pháp.