Người Paris cắm bản bên hồ Thác Bà

ANTĐ - Họ bỏ lại sau lưng kinh đô ánh sáng, đến với vùng văn hóa phương Đông lắng đọng trong núi rừng hoang dại chỉ để thực hiện ước mơ xanh hòa quện trong nhịp sống thường ngày.

Quảng bá hình ảnh đất nước từ du lịch xanh

Non nước Việt Nam thân thương từ dải núi đến khe suối. Thiên nhiên hoang dại ở những vùng khó như sức níu kéo vô hình đã làm mê hoặc những con người ưa khám phá. Phong cảnh nơi đặt chân đến đã như kể cho người đàn ông mang hai dòng máu Pháp- Việt về nét văn hóa Việt Nam thật sâu lắng bên những cánh rừng. Kể từ khi đặt chân tại đất nước Việt Nam thân thương đến nay đã là hơn 20 năm. Người đàn ông Frédéric Tiberghien Frédo có tên Việt Nam là Frédo Bình đã thỏa chí khát khao quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam bằng con đường làm du lịch xanh.

Frédo Bình: "Việt Nam là quê hương thứ 2 của tôi"

Đặt chân đến phố cổ Hà Nội, Frédo Bình đã cảm nhận được cuộc sống thân thương từ những góc phố, ngõ nhỏ. Nơi lắng đọng của chiều sâu nét văn hóa về một đất nước thanh bình trong từng nhịp sống không dừng lại ở phố thị phồn hoa mà còn tiềm ẩn ở trong những bản xa hoang vắng trên suốt dải đất hình chữ S. Thế rồi, con đường làm du lịch đã đưa Frédo Bình đến những miền quê trên khắp nẻo của đất nước. Mỗi chuyến đi, là những thu lượm vào lòng mình về những trải nghiệm của vùng đất đặt chân đến, là nét văn hóa khác nhau của mỗi dân tộc Việt Nam nhưng có chiều sâu lắng đọng làm toát nên một nét văn hóa chung của người Việt Nam hồn hậu.

Trải dài những năm tháng trên nẻo đường từ Tây Bắc đến Đông Bắc... hay miền Trung của Việt Nam, Frédo Bình thấy một sức sống vô tận và bền vững mà còn nhiều nơi chưa được đánh thức. Câu hỏi trong những chuyến đi, là tại sao mảnh đất ấy cứ ngủ yên trong cảnh đẹp, tại sao sống trong “kho báu” của thiên nhiên mà người dân vẫn khó nhọc lam lũ. Dòng suy tư về vùng đất mỗi khi đặt chân đến cứ xoay tròn trên mỗi bánh xe lăn đều trên cung đường tìm kiếm phong cảnh. “Con chiến mã”- xe máy cào cào- trở thành người bạn thân đưa Frédo Bình đến những vùng khó khăn để thu lượm những điều nhằm thực hiện khát vọng đang cháy bỏng trong đầu. Du lịch xanh.

Anh đi không biết mệt mỏi. Đi không chỉ để biết mà còn để thực hiện khát khao làm những điều mình hoài bão. Đó là hình thành những mô hình du lịch xanh, du lịch bền vững ở những nơi có thể làm được đổi thay trong cuộc sống từ chính nơi dân bản đang ở. “Quảng bá hình ảnh Việt Nam bằng con đường du lịch bền vững, chậm nhưng hiệu quả lâu dài. Du lịch xanh không chỉ là môi trường bền vững ở nơi làm, mà còn là cách để chuyển tải nét văn hóa cho người đến đó”- Frédo Bình bộc bạch.

Ý tưởng du lịch xanh, nghe có vẻ đơn giản nhưng thật khó thực hiện nếu như người làm mong mỏi thu lợi nhuận kinh tế gấp gáp. Bởi tất cả chỉ dựa trên nền tảng và tiềm năng của vùng đất đã và đang có để nuôi dưỡng trong cả hành trình dài.

Dựa trên tiềm năng của mảnh đất Nguyên Bình, Cao Bằng, Frédo Bình đã bỏ dày công vào năm tháng để sống với những gì mảnh đất sẵn có. Một cánh rừng hoang sơ, hay những nấc ruộng bậc thang truyền thống của đồng bào cũng là tiềm năng và thế mạnh khi đặt niềm tin và công sức vào đó để cùng dân bản thực hiện. Điều này, Frédo Bình đã làm sau nhiều năm sống cùng đồng bào Tày, Nùng ở Cao Bằng. Hòa nhập vào cuộc sống khó khăn của đồng bào, cùng xuống đồng làm ruộng hay lên rừng trồng cây. Song, cách chăm sóc và phát triển cần có quy trình và khai khác thật khoa học. Đó là tận dụng tất cả thiên nhiên quanh mình để có cuộc sống bền vững.

Hồ Thác Bà nhìn từ nhà sàn của Frédo Bình

Frédo Bình đã làm như thế. Cùng bà con ươm những cây rừng cho dãy núi thêm xanh. Chính những căn nhà sàn bên mép nước hay sườn núi của đồng bào dân bản, Frédo Bình đã biến thành điểm du lịch khám phá để người dân có thu nhập. Từ những bước nhỏ như đưa du khách đi thăm rừng hay chuyến dã ngoại vào bản, người dân bản đều có thu nhập từ chính việc làm của mình. Cách ngâm chàm cho vải, hay tết sợi trong mỗi gia đình ở bản không chỉ có sản phẩm để bán mà còn giữ được nghề từ khi có khách du lịch ghé thăm.

Giờ đồng bào Tày, Nùng ở Nguyên Bình, Cao Bằng đã biết phát huy những công việc mà chàng Tây để lại. Đó là đón khách du lịch và giữ rừng để làm du lịch. Mỗi mảnh đất đặt chân đến, Frédo Bình tạo được nền tảng cho người dân nắm vững rồi thì chuyển giao lại để dân bản địa tiếp tục phát triển. Và cách ấy chẳng bao giờ phải phá hoại phong cảnh quanh mình, cũng không cần đầu tư tiền lớn vẫn có thể thu lợi nhuận từ cách làm du lịch xanh.

Từ chàng kỵ mã chuyển sang cưỡi “ngựa sắt”

Frédo Bình đã từng làm nghề chăm sóc ngựa đua tại Anh nhiều năm. Công việc của chàng trai mang quốc tịch Pháp làm việc tại xứ sở sương mù đã gần như bước khởi đầu cho hành trình đến với nước Việt Nam quê hương thứ hai của anh.

Cưỡi con “ngựa sắt” trên cung đường đầy sỏi đá từ Hà Nội lên Yên Bái cũng chẳng khác vực con ngựa bất kham của một thời từng làm trước đó. Đường từ Hà Nội lên Yên Bái dễ trong con mắt người Việt Nam, song đối với anh ban đầu thì đó là cung đường thật nguy hiểm. Kinh hoàng hơn, từ Yên Bái vào đến bản Ngòi Tu nằm bên hồ Thác Bà huyền bí (Yên Bái) thì quả là thách thức đối với một “ông Tây”. Nhưng đã khát khao rồi, và nơi ấy, Hồ Thác bà như nàng tiên ngủ quên dưới dòng sông Chảy thì phải đánh thức khi đã biết đến. Và đó là sức mạnh để anh tìm đến vùng đất hoang sơ phát triển kinh tế như bao người con của nước Việt.  

 Frédo Bình trên hành trình đến với vùng đất khó

Sau những lần cưỡi xe máy cào cào đến bên hồ chỉ để đắm chìm trong ráng chiều buông trên mặt hồ Thác Bà. Phong cảnh thiên nhiên ấy đã như chất xúc tác kích thích Frédo Bình không thể chậm hơn để thỏa niềm đam mê. Ấy là hình thành một nơi bản làng và con người gần gũi với thiên nhiên. Và chính sự hòa trộn ấy là tâm điểm níu hút những du khách mang đến cuộc sống bền vững cho bản làng bên hồ này kể từ khi năm 2009 đến nay.

Frédo Bình đã trải qua nghề vực ngựa đua ở xứ sương mù, rồi thợ mộc ở Pari tráng lệ. Những trải nghiệm cuộc sống đã làm anh trở thành người thợ bậc cao trong những công việc đã kinh qua. Những đêm ở Hà Nội là những đêm chong ánh điện tính toán cách dựng nhà bên hồ sao cho vừa không ảnh hưởng đến môi trường, lại không làm vỡ không gian văn hóa bản làng đồng bào Dao đang sinh sống. Cuối cùng cách tối ưu nhất đã được lựa chọn, thân thiện với thiên nhiên, hài hòa với bản sắc của đồng bào sở tại, đó là cách chuyển những cây tre, luồng từ ngoài vào để dựng nhà bên cánh rừng trồng xanh mướt.

Du khách hòa vào thiên nhiên bên hồ Thác Bà

Được sự nhất chí cao giữa chính quyền sở tại và người dân nơi đây, căn nhà sàn mái lá dưới bàn tay của thợ mộc Frédo Bình đã hoàn thành như điểm kết nối giữa dân bản với khách phương xa. Với phương châm của du lịch xanh: Mỗi người trong dân bản là hướng dẫn viên du lịch, và đó là cách quảng bá và giữ gìn nét văn hóa tốt nhất đã được Frédo Bình lựa chọn và thực hiên ở bản Ngòi Tu bên hồ Thác Bà.

Giờ đây, 20 nhân viên của mái lá du lịch xanh bên hồ Thác Bà đều là người của bản Ngòi Tu. Cuộc sống của họ đã bớt khó. Và những cánh rừng bớt thưa do không phải đi vào rừng chặt gỗ, kiếm măng nữa. Và cách giữ rừng trong mỗi chuyến đón khách du lịch đã được dân bản luôn nhắc trước khi giới thiệu về bản Ngòi Tu, mảnh đất bên dòng sông Chảy có đồng bào Dao đang sinh sống với nhiều nét văn hóa riêng.

Đón đọc bài 2: Lớp học tiếng Dao cho người Pháp bên dòng sông Chảy