Người nuôi "nản lòng" vì giá lợn hơi xuống thấp, nguy cơ thiếu thịt cục bộ dịp Tết Nguyên đán

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giá thịt lợn hiện đang tăng nhẹ, từ 3.000-4.000 đồng/kg so với vài ngày trước. Dự báo, giá thịt lợn sẽ tăng trở lại trong 2 tuần tới sau khi kiểm soát được dịch bệnh Covid-19.

Giá lợn giảm, giá thức ăn chăn nuôi tăng

Thống kê của Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho thấy, đến cuối tháng 9 đầu tháng 10/2021 tổng đàn lợn cả nước trên 28 triệu con (đứng thứ 6 thế giới), tăng 5%, sản lượng thịt lợn hơi 9 tháng đạt khoảng 2,9 triệu tấn. Trong đó, 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn vẫn duy trì phát triển với tổng đàn lợn thịt trên 6 triệu con (chiếm 23-24% đàn lợn thịt cả nước).

Trong thời gian qua, do dịch Covid-19, nhiều tỉnh thành trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trường học, bếp ăn tập thể cơ bản là dừng hoạt động; các nhà hàng, quán ăn, khách sạn, chợ đầu mối, chợ dân sinh không hoạt động; ... dẫn đến nhu cầu sử dụng thực phẩm giảm từ 30-50%.

Đến nay, các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường, nhưng lượng nhân công lao động ở các địa phương vẫn chưa quay lại các thành phố lớn để làm việc, các trường học vẫn đóng cửa, các quán ăn mở đón khách với số lượng hạn chế nên mức tiêu dùng thực phẩm vẫn còn hạn chế... Do đó, giá thịt lợn xuất chuồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Giá thịt lợn hơi xuất chuồng có xu hướng tăng nhẹ trong 2-3 ngày qua

Giá thịt lợn hơi xuất chuồng có xu hướng tăng nhẹ trong 2-3 ngày qua

Theo kết quả khảo sát, trong 9 tháng năm 2021, giá lợn thịt lợn hơi xuất chuồng theo xu hướng giảm dần; từ tháng 3-4 giá từ 70.000-75.000 đồng/kg, đến tháng 8- 9/2021 giá từ 42.000-50.000 đồng/kg, sang tháng 10/2021 tính đến thời điểm hiện tại, giá dao động từ 35.000-45.000 đồngg/kg tùy từng vùng, đặc biệt có một số địa phương giá xuống dưới 35.000 đồng/kg đối với lợn quá lứa, khối lượng 130-160kg.

Đáng nói, trong khi, giá thịt lợn hơi xuất chuồng giảm thì giá thì thị trường nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ 2020, tăng từ 16-36%; trong đó, tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc.

Điều này khiến người sản xuất, thiếu hụt vốn để duy trì sản xuất do tồn đọng nhiều sản phẩm không tiêu thụ được, lưu thông hàng hóa khó khăn nên sản phẩm quá lứa, ứ đọng với số lượng khoảng 30% (1,5-2 triệu con).

Nguy cơ khủng hoảng thiếu thịt lợn dịp Tết

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất phát sinh lớn, một bộ phận người dân, cơ sở phải dừng sản xuất, kinh doanh do không đủ nguồn lực tái sản xuất; việc tiếp cận các khoản vay mới từ các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay, giá lợn hơi xuống thấp, người nuôi thua lỗ nên sẽ không thể tiếp tục tái đàn. Nhiều người đang phải tìm đủ mọi cách để cắt lỗ, giảm lỗ.

"Sau đợt khủng hoảng thừa lần này, nhiều khả năng sẽ xảy ra khủng hoảng thiếu cục bộ trong dịp tết Nguyên đán. Dự báo giá lợn hơi Tết Nguyên đán 2022 có thể tăng", ông Đoán nhận định.

Một tín hiệu khá khả quan là trong 2-3 ngày qua, các vùng giá thịt lợn xuất chuồng đã tăng trở lại, từ 5-6.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng có xu hướng tăng, việc lưu thông thuận lợi hơn sau khi tình hình dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát. Dự báo, giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng trở lại trong 2 tuần tới do dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát khá tốt, nhiều tỉnh, thành mở cửa kinh tế trở lại.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết: “Khi kích hoạt chợ truyền thống, bếp ăn tập thể, nhà hàng hoạt động trở lại thì rõ ràng đã mở ra nhu cầu tiêu thụ thịt lợn rất lớn. Sau khi đi khảo sát tôi được biết giá thịt lợn đang tăng trở lại và dự báo khi nhu cầu tăng lên, thì giá lợn sẽ còn tiếp tục tăng trở lại".

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần xác định đúng nguyên nhân để có các chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả của các mô hình, chuỗi liên kết không chỉ của ngành chăn nuôi nói riêng mà các ngành hàng khác của nông nghiệp.

Theo đó, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ xem xét gói hỗ trợ để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do Covid-19 đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Đồng thời, có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi xuất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, hạn chế nguy cơ thiếu thực phẩm vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán…