Người nước ngoài trồng, tàng trữ cần sa khô sẽ bị xử lý ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến việc CAP Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội phát hiện một người nước ngoài đã trồng hàng trăm cây cần sa và tàng trữ trái phép chất ma tuý (cần sa khô)…ở khu vực bãi giữa sông Hồng, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Pháp luật Việt Nam quy định về việc xử lý hành vi này ra sao?

Được biết, đối tượng có hành vi vi phạm nêu trên là Tiberghien Frederec (SN 1966, quốc tịch Pháp, tạm trú và làm việc tại Công ty LAVIE Vũ Linh, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái).

Trên diện tích khoảng 3.000m2 tại bãi giữa do vợ, chồng đối tượng Frederec thuê, cơ quan chức năng đã kiểm đếm, thu giữ 115 cây cần sa tươi với trọng lượng 34kg và 40,268g cần sa khô. Lực lượng công an đã mời đối tượng liên quan về trụ sở tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, về đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật là người nước ngoài, Khoản 2 Điều 5 BLHS 2015 quy định, người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước CHXNCH Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Trong trường hợp người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao như quy định nêu trên thì người nước ngoài phạm tội vẫn phải chịu hình phạt giống như công dân Việt Nam phạm tội theo pháp luật Việt Nam.

Mức hình phạt được áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và hậu quả của hành vi phạm tội.

Những cây cần sa tại bãi giữa sông Hồng bị phát hiện

Những cây cần sa tại bãi giữa sông Hồng bị phát hiện

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, với hành vi tàng trữ cần sa khô, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

Điều 249 BLHS 2015 quy định, người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 1-5 năm: Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy có khối lượng từ 1-dưới 10 kilôgam; Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 5-dưới 50 kilôgam; Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 1-dưới 10 kilôgam…

Phạm tội thuộc trường hợp lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng từ 25-75 kilôgam… thì bị phạt tù từ 10-15 năm.

Về hành vi trồng cây cần sa, theo Điều 247 BLHS 2015, với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây, cá nhân vi phạm mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, theo khoản 3, Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy sẽ bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng.