Người nổi tiếng quan niệm về đám cưới

ANTĐ - Nhằm hạn chế những đám cưới mang tính “thương mại hóa”, phô trương, xa hoa lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội, mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Chỉ thị  “Về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố”. Vậy, đám cưới ngày nay trong mắt những người nổi tiếng thế nào? 

Nghệ sĩ Chí Trung: Chỉ có mỗi… nhà hàng là sướng!

Tôi vẫn nhớ đám cưới của tôi với Ngọc Huyền cách đây mấy chục năm, đúng kiểu truyền thống ngày xưa, mọi người vui vẻ đến uống nước chè, cắn hạt dưa, chuyện trò rôm rả chung vui với chúng tôi và gia đình. Giờ thì người ta làm khổ nhau bằng đám cưới, chẳng mấy ai sung sướng khi nhận được thiếp mời đám cưới cả, hình như chỉ có mỗi… nhà hàng là sướng. Đám cưới giờ bị thương mại hóa nhiều quá, có khi còn trở thành chỗ để người ta “biếu” nhau cái phong bì. Tôi cũng mới tổ chức đám cưới cho cô con gái cách đây ít lâu, vợ chồng tôi gửi hơn 1.000 thiệp báo hỉ và chỉ mời 200 người cực kỳ thân thiết đến dự lễ cưới cùng hai cháu và gia đình. Sau đám cưới, nhiều người cũng trách, sao chúng tôi không mời họ đến dự lễ cưới cháu mà chỉ gửi thiệp báo hỉ, tôi đặt mình vào địa vị họ tôi hiểu, nói vậy chứ thật ra không được mời họ cũng thấy nhẹ lòng. Sau đám cưới này, nhiều người không thân lắm cũng không mời tôi đi dự đám cưới nữa, có lẽ bởi họ hiểu thông điệp rất rõ ràng mà tôi gửi gắm qua cách tổ chức đám cưới cho con. Chúng ta đừng làm khổ nhau bằng đám cưới nữa, hãy làm cuộc cách mạng đám cưới từ trong chính lương tâm của mình, đừng để đám cưới trở thành nơi… thu nợ mà người được mời cũng chẳng vui mừng gì.

Nhạc sỹ Hồ Hoài Anh: Có hàng nghìn cách để thực hiện nếp sống văn minh 

Mỗi gia đình có điều kiện khác nhau lại có cách tổ chức đám cưới khác nhau. Nhưng về cơ bản, đám cưới luôn là nỗi lo rất lớn của người lớn. Tôi đã đi ra nước ngoài và thấy các đám cưới ở đó tổ chức rất đơn giản. Những người thân trong gia đình và các bạn bè thân thiết đến dự đám cưới chỉ vào khoảng vài chục người. Họ đến để chia sẻ niềm vui cùng gia đình cô dâu chú rể và điều quan trọng là đám cưới diễn ra ấm cúng và rất vui vẻ. Nhưng phong tục ở Việt Nam từ nhiều đời nay đã như vậy, đám cưới không chỉ dành cho gia đình, bạn bè mà còn các mối quan hệ khác nữa và sự phản cảm diễn ra ngày càng dày đặc. Sự ra đời của dự thảo quy định cụ thể về tổ chức đám cưới rất có ý nghĩa vào thời điểm này. Nhưng nói cho cùng, các quy định sẽ rất khó thâm nhập vào đời sống nếu không  song hành với tính tự giác của con người. Sự ép buộc chỉ làm cho mọi việc trở nên phức tạp và nảy sinh nhiều tiêu cực hơn.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Nhiều nhà méo mặt sau đám cưới

Từ lâu, các đám cưới được tổ chức lãng phí, rườm rà và phát triển “như nhiên” làm cho nhiều gia đình méo mặt với số nợ sau ngày cưới. Vì thế, khi thấy một Dự thảo được Thành ủy Hà Nội đưa ra quy định cụ thể cho một sinh hoạt đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam, tôi thật sự thấy mừng. Về nguyên tắc, Dự thảo này cho thấy sự phù hợp với xu hướng phát triển chung. Các đám cưới nên đi vào thực hành tiết kiệm, giảm thiểu chi phí tối đa và nên lấy tương lai của đôi bạn trẻ làm mục tiêu chính. Tuy thế, Hà Nội giờ đã mở rộng và khu vực nông thôn cũng chiếm một bộ phận không nhỏ trong tổng diện tích của Thủ đô nên việc đưa ra một số lượng mâm cỗ cụ thể cần tính toán hợp lý. Với thành thị, tôi cho việc đề ra số mâm không có vấn đề gì nhưng với lề thói và nếp sống ở các vùng nông thôn, rất khó để đưa ra con số cụ thể. Tôi mong rằng, các nhà hoạch định sẽ có một phương án hữu hiệu để biến dự thảo trở thành một mỹ tục để người dân tự giác thực hiện. 

NSƯT Quế Hằng: Không nên “phú quý sinh lễ nghĩa”

Vì tính sỹ diện mà nhiều gia đình đã đi vay mượn để tổ chức cho con đám cưới bằng bạn bằng bè. Nhưng sau đó thì đúng là nỗi thống khổ dành cho cặp vợ chồng trẻ. “Phú quý sinh lễ nghĩa” cũng là điều dễ hiểu nhưng với gia đình nghèo thì không nên chạy theo tâm lý đám đông. Vẫn biết, phong tục của người Việt Nam từ ngàn đời nay thì nên bảo tồn nhưng cũng cần có sự phát huy và phù hợp với tình hình đời sống hiện đại. Gia đình khó làm theo cách của gia đình khó, miễn là đôi bạn trẻ không phải nai lưng ra làm để trả nợ cho đám cưới chỉ vì một chữ “Sỹ”. 

Nghệ sĩ Hán Văn Tình: Mang tính “trả nợ” thành ra không hay!

Đám cưới ngày trước tổ chức đơn giản lắm, tùy theo hoàn cảnh của từng gia đình, có thể làm ở nhà, ở ngoài hội trường, hay khu vực cơ quan nào đó chứ không mấy khi ra nhà hàng với khách sạn. Tôi cũng nhiều lần được mời đến dự đám cưới ở những khách sạn lớn, thấy đó đúng là những nơi sang trọng thật, hỏi ra thì giá thành tổ chức ở đấy cũng không hề rẻ. Nhưng đi rồi mới thấy cũng chẳng nhất thiết phải tổ chức đám cưới ở những nơi tốn kém thế, nhiều khi mọi người đi dự cũng có ăn uống được gì đâu, cỗ bàn không dùng hết rất lãng phí. Đấy là chưa kể nhiều nơi còn tổ chức cưới xin kéo dài đến vài ngày. Đi đám cưới để chung vui với đôi trẻ là chính, nhưng nhiều đám cưới mang nặng tính đi “trả nợ” thành ra không hay. Nói thế là bởi chúng ta vẫn có suy nghĩ người này đã đến đám cưới mình rồi, sau này họ mời đi đám cưới thì mình cũng phải đến lại để “trả nợ”. Tôi thì nghĩ, có nợ gì nhau cũng có nhiều cách trả, chứ không nhất thiết phải trả qua đám cưới như thế.