Người nói tiếng chim

(ANTĐ) - Chiều qua chim cu rốc lại rúc ròn rã. Cảm hẹn sáng hôm sau dậy sớm. Nắng nhấp nhánh, núi càng xanh. Cảm mượn giọng con khướu bạc má đang ấp trứng gọi chồng về. Hai con khướu trống cùng đến, xông vào đánh nhau. Chúng tôi tròn mắt thích thú xem. Anh giải thích: Chim khướu mùa đông quây quần thành đàn, hót rộn một khoảng rừng mỗi sáng mỗi chiều.

Tiếng ai hót trên đỉnh Bạch Mã (Kỳ cuối)

Người nói tiếng chim

(ANTĐ) - Chiều qua chim cu rốc lại rúc ròn rã. Cảm hẹn sáng hôm sau dậy sớm. Nắng nhấp nhánh, núi càng xanh. Cảm mượn giọng con khướu bạc má đang ấp trứng gọi chồng về. Hai con khướu trống cùng đến, xông vào đánh nhau. Chúng tôi tròn mắt thích thú xem. Anh giải thích: Chim khướu mùa đông quây quần thành đàn, hót rộn một khoảng rừng mỗi sáng mỗi chiều.

Kho chuyện rừng của Cảm như vô tận. Có những chuyện rất cảm động.

Kho chuyện rừng của Cảm như vô tận. Có những chuyện rất cảm động.

Nhưng mùa xuân động dục nó lại tách đàn, sống từng đôi. Chim cu gáy cũng thế. Có lần bẫy được một con. Ba năm sau quay lại chỗ ấy, thấy con cu mất vợ vẫn cô đơn một mình.

Rừng Bạch Mã không có chim di cư, chim nào “có hộ khẩu thường trú” ở đây thì cứ ở đây mãi nếu con người đừng làm hại nó. Mỗi loài có một tập tính riêng, nắm được tập tính của chúng có thể suy đoán ra nhiều điều. Đi tuần rừng cả tuần. Chiều muộn đến khu vực voọc ngũ sắc chân nâu cư trú mà không thấy chúng hót, không thấy lá non chúng đánh rơi khi ăn rụng xuống là có chuyện rồi.

Có người đặt bẫy? Có cây to bị chặt hạ phá vỡ cảnh quan nơi cư trú, buộc chúng phải rời đi nơi khác. (Cảm đã quay được 20 phút với những hình ảnh quý báu của một đàn voọc ngũ sắc này). Chả cần xem đồng hồ, hễ cứ thấy chim gõ kiến kêu là đã 11h30. Nó còn kêu nửa giờ nữa mới thôi. Buổi chiều nó kêu khoảng từ 17h đến 17h30.

Tôi rất bất ngờ khi Cảm nhận xét, xã hội loài chim cũng giống xã hội loài người. Cũng có loài ác loài hiền. Diều hâu, quạ ăn trứng, ăn thịt các loại chim khác. Có loài chim lười biếng không bao giờ chịu làm lấy tổ mà đẻ, cứ rình những con chim yếu hơn đi vắng, lẻn vào ăn vụng trứng rồi để trứng mình vào đấy. Con chim kia ngây thơ, chả biết gì, cứ thế ấp cho nó, đến lúc nở ra, lại cặm cụi tha mồi về nuôi hộ, cho đến lúc nó lớn, nó đi mất. “ Có chuyện ấy sao?” - có đấy, con tu hú này, con tìm vịt này….

Bạch Mã có tới 358 loài chim, thì Cảm hót được tiếng gần 200 loài. Năm 1996 một đoàn khoa học người Pháp lên thăm. Họ rất thích thú với thiên nhiên hoang dã Bạch Mã, với sự đa dạng của các loài chim. Họ dừng lại trước tấm bia ghi tên kỹ sư M.Girard – người tổ quốc mình đã có công khám phá ra Bạch Mã với tham vọng xây dựng một khu nghỉ mát (1932).

Họ càng thích thú hơn khi tiếp xúc với người nói tiếng chim  - Trương Cảm. Anh giở từ điển về chim ra để họ nhận dạng, đọc tên khoa học của nó. Sau đó gọi nó đậu ngay trên cây cao cho khách ngắm nghía. Họ quyết định mời anh sang Pháp trao đổi kinh nghiệm về cách thức thu hút chim hoang dã đến với con người. Trước con mắt thán phục của bao nhiêu nhà điểu học Pháp, anh gọi được quạ sà xuống trước mặt.

Kho chuyện rừng của Cảm như vô tận. Có những chuyện rất cảm động.

Nhà kia có hai anh em trai. Một ngày đi làm về, ra bãi tắm của bản. Trời nhập nhoạng. Thấy một cô gái tắm gần đấy, người em miệng nói lời chòng ghẹo, tay đưa ra bóp vú. Ai ngờ, đó chính là chị dâu mình. Chàng trai biết mình không phải với anh trai liền bỏ đi mất. Người chị dâu áy náy cũng bỏ đi tìm em chồng. Nhưng họ chẳng bao giờ gặp nhau. Hai người chết đi, biến thành hai con chim. Cứ chập tối lại gọi nhau: “Bóp, bóp thì bóp… Bóp, bóp thì bóp…”. Hai con chim ăn đêm, cứ xích lại gần nhau, cho đến khi trời sáng, mỗi con lại vội vàng bay đi một ngả mang theo tiếng kêu thảng thốt “Bóp, bóp thì bóp”.

Cảm dẫn chúng tôi xuống thác Đỗ Quyên. Một thung lũng đầy hoa đỏ. Đây chính là chuyện một cô gái đi tìm chồng không thấy, kiệt sức chết trên tảng đá này, máu nở thành hoa. Hoa đỏ như máu. Đột nhiên Cảm chỉ một cây, đây là cây thuốc thạch xương bồ. Chính vì những cây thuốc mọc hoang này mà nước suối bắt đầu từ thác Đỗ Quyên này có mùi thơm. Đây chính là nơi phát tích dòng sông Hương thơ mộng của Huế. Bạch Mã còn là ngọn nguồn của sông Truồi (Huế) và sông Cu Đê (Đà Nẵng). Đang đi anh cúi xuống nhổ một cây hoa trắng, lá lưỡi răng, thân thảo.

 Bất giác tôi đưa lên mũi: Sực mùi Salonpat. Anh gọi nó là bạch hoa xà thiết thảo, các nhà khoa học đang nghiên cứu làm thuốc chữa bệnh. Không ngẫu nhiên mà tiến sĩ Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc Vườn quốc gia và cử nhân Trần Thiện Ân, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học Vườn quốc gia mới có cuốn sách tựa đề Đa dạng sinh học cây thuốc Vườn quốc gia Bạch Mã và vườn này là một trong 3 khu vực nằm trong dự án Bảo tồn cây thuốc cổ truyền Việt Nam của Viện Dược liệu (Bộ Y tế).

 Hai khu kia là Lào Cai và Ba Vì. Gần 20 năm từ chỗ là kẻ trộm chim, giờ thành chuyên gia về chim, Cảm thuộc từng mét vuông rừng Bạch Mã, thuộc tên bao nhiêu cây gỗ, cây thuốc. Nó đã đi vào cuộc sống anh, thành máu thịt anh. Chả thế, anh đặt tên con trai đầu là Bảo Lâm. Từ “Bảo”, với anh là bảo vệ giữ gìn. Cháu trai mới sinh một tuần là Bảo Toàn. Mai này, khi Vườn quốc gia Bạch Mã được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới thì chắc chắn thế hệ những đứa con của anh sẽ tiếp tục con đường cha chúng đã chọn.

Tối ấy về chúng tôi quên cả đôi chân mỏi nhừ vì leo trèo. Trong men rượu nồng nàn, Cảm ôm đàn ghi ta cao giọng hát bài tự sáng tác “… Chiều Bạch Mã, mây giăng kín lưng trời… Đàn chim ơi đừng ngừng tiếng hót, cho sông về biển vẫn mang nặng phù sa…”. Anh ngồi đó, say sưa mơ màng. Là hiện thân của rừng, hay rừng đã ngấm vào máu thịt anh đẻ ra những đứa con rừng, bật thành tiếng chim hót, thành giọng hát say lòng.

Chợt nhớ, trong cuốn sách tham khảo lớp 5 của cháu nội tôi, chủ điểm con người với thiên nhiên có một bài viết về anh. Ước gì một ngày nào đó, anh ngồi bên máy chiếu ảnh, mỗi khi màn hình hiện lên một con chim nào đó, các cháu bé người thành phố sẽ được nghe tiếng nó hót từ miệng anh, và anh sẽ kể về đời sống các loài chim rừng cho các cháu.

Bút ký – Nguyễn Bắc Sơn

Kỳ 1: Bạch Mã là riêng, là duy nhất

Kỳ 2: Trĩ sao - biểu tượng Bạch Mã