Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo:

Người nhiễm biến thể Delta không có triệu chứng là mối đe dọa lớn nhất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo Campuchia phải hết sức lưu ý, đề phòng và cảnh giác trước những ca nhiễm Covid-19 mang biến thể Delta hoặc Delta Plus không có triệu chứng bởi những trường hợp này chính là mối đe dọa khiến cho số ca nhiễm tăng đột biến.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng Covid-19 tại một địa điểm tiêm chủng ở Thủ đô Phnom Penh, Campuchia

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng Covid-19 tại một địa điểm tiêm chủng ở Thủ đô Phnom Penh, Campuchia

Những người nhiễm biến thể Delta có thể bị lây nhiễm ẩn và cần hết sức cảnh giác vì không phải ai bị nhiễm virus cũng cũng phát triển các triệu chứng. Tiến sĩ Li Ailan - Đại diện WHO tại Campuchia cho biết: “Số ca mắc và tử vong do Covid-19 được xác nhận hàng ngày tại Campuchia vẫn ở mức cao đáng kể. Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy các biện pháp ngăn chặn virus vẫn chưa thành công và điều này đã dẫn đến tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng vẫn đang tiếp diễn. Biến thể Delta đã thay thế các biến thể khác ở nhiều quốc gia, trong đó có Campuchia. Campuchia cần phải chuẩn bị trước các tình huống để đối phó với biến thể Delta hoặc thậm chí Delta Plus lan nhanh trong cộng đồng và khi những người chưa tiêm chủng bị nhiễm biến thể này, sẽ xảy ra hậu quả khôn lường vì số ca nhiễm phải nhập viện, ca tử vong sẽ tăng đột biến, gây thêm gánh nặng cho hệ thống y tế của nước này”.

Ngày 27-7, Bộ Y tế Campuchia cho biết đã phát hiện thêm 39 trường hợp Covid-19 biến thể Delta, tổng số bệnh nhân mắc biến thể này lên hơn 150 người. “Điều nguy hiểm ở đây là các ca nhiễm biến thể Delta không chỉ ở các trường hợp nhập cảnh, mà đã ghi nhận cả ở các ca nhiễm cộng đồng” - bà Li Ailan nhấn mạnh. Trong khi đó, các quan chức y tế Campuchia cho biết, các nhân viên y tế tuyến đầu ở nước này cũng bị nhiễm biến thể Delta.

“Rất có thể họ đã bị lây nhiễm từ các lao động nhập cảnh từ Thái Lan. Các nhân viên y tế này đã tham gia tiến hành các xét nghiệm nhanh Covid-19 tại trạm kiểm soát biên giới O’Smach” - một quan chức y tế xác nhận và nói thêm rằng, số ca nhiễm có thể lớn hơn nhiều và lan rộng hơn do việc giải trình tự của biến thể Delta chỉ có thể được thực hiện tại Viện Pastuer ở Phnom Penh và có thể mất đến 5 ngày để có kết quả.

Ngay cả xét nghiệm PCR bình thường hiện nay cũng mất đến 3 hoặc thậm chí 4 ngày để có kết quả xác định dương tính hay âm tính và trong giai đoạn này, bệnh nhân có thể đã chuyển sang giai đoạn tiến triển của Covid-19.

Bộ Y tế Campuchia ngày 28-7 xác nhận, trong 24 giờ qua nước này có 766 ca mắc Covid-19, bao gồm 307 ca nhập cảnh và 459 ca lây nhiễm cộng đồng, 15 trường hợp tử vong vì Covid-19. Đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 75.152 ca mắc Covid-19, trong đó 67.692 người đã khỏi bệnh và 1.339 người tử vong.

Campuchia đặt mục tiêu tiêm phòng Covid-19 cho 13 triệu người trên cả nước, trong đó có 2 triệu thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi. Tính đến hết ngày 27-7, Campuchia đã có gần 7 triệu người được tiêm phòng ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19. Trước đó, chính quyền Phnom Penh cũng đã thông báo địa điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi tại toàn bộ 14 quận ở Thủ đô. Chiến dịch tiêm phòng Covid-19 mũi đầu tiên cho thanh thiếu niên sẽ bắt đầu từ ngày 1-8 và kéo dài đến 4-8 và mũi thứ hai từ 22-8 đến 5-9, trước khi các trường học được phép mở cửa trở lại.