Người ngồi đầu nồi

ANTĐ - “Báo cáo giám đốc, xin giám đốc ký duyệt cho cái danh sách khen thưởng của cơ quan ta 6 tháng đầu năm”. Tôi nói và lui lại một bước, đứng chờ. Và chẳng cần chờ đợi lâu, tôi vừa  đón bản danh sách vừa rên lên một hồi dài:

- Bác Bang Cơ! Sao lần nào bác cũng tự hạ mức thưởng của bác xuống hạng cuối của cơ quan thế ạ? Trong khi công lao của bác thì ai cũng công nhận là phải xếp loại đặc biệt, đứng trên anh em.

- Nghe tôi nói, ông Bang Cơ khe khẽ cười và chỉ cái ghế, bảo tôi ngồi xuống, rồi nhìn tôi, ông khe khẽ:

- Này Đoàn, ông có biết câu này của các cụ xưa truyền lại không? Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc.

- Dạ, em chưa hiểu ý nghĩa của câu đó là thế nào đâu ạ!

- Câu đó có nghĩa là: Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ. Làm người lãnh đạo phải thế! Nhưng thôi, nói vậy nghe có khí vị cổ xưa quá. Cậu đã nghe mấy câu thơ này của thi sỹ Vương Trọng chưa?

- Dạ… 

- Đây, mấy câu thơ này: Mâm cơm dọn ra chồng con như khách/ Chỗ em ngồi mấy phía nồi niêu/ Vừa xong bữa cả nhà đi sạch/ Hoa hậu cùng mâm bát nhìn theo. Là thủ trưởng đơn vị, mình tự ví mình như người ngồi đầu nồi trong mấy câu thơ tả lại bữa cơm gia đình của nhà thơ, cậu ạ!

Chà! Người ngồi đầu nồi! Hình ảnh thân thuộc thú vị và bất ngờ biết bao! Nó khiến ta nhớ đến mẹ ta, chị ta trong những bữa cơm gia đình những chiều hè đã xa. Buổi chiều hè nắng nôi. Nồi cơm mở vung. Đôi đũa cả trong tay mẹ ta, chị ta liên tục khi đánh cơm, khi xới cơm cho lũ con em ngồi quanh mâm. Ngồi đầu nồi, mẹ ta, chị ta lúc nào cũng như chưa được thanh thản bưng bát cơm của mình. Vì tay còn bận đưa vòng quạt và mắt phải để ý xem ai sắp hết bát cơm để đón bắt. Lo cho con em ăn ngon là trước hết. Vào thời buổi đói kém, sợ các con em ý tứ ngại ngần không dám đưa bát, nên mẹ ta, chị ta lại còn phải luôn miệng vui vẻ: Cái nồi đồng giấu cơm, còn khối cơm đây này. Mẹ, chị cũng đủ rồi! Ngồi đầu nồi, bát cơm đầu là cơm hớt và khi mọi người đã no nê đứng dậy, mới cậy nồi vét miếng cháy, miếng xém cho mình.

Bác Bang Cơ giám đốc cơ quan tôi giờ đó về hưu, nhưng ông đã để lại cho đời hình ảnh một người ngồi đầu nồi như mẹ tôi, chị tôi. Ông thường nói: “Làm nhiều hơn người khác một chút. Hưởng ít hơn người khác một chút, như vậy sống thanh thản hơn”.