Người nghệ sĩ chụp ảnh một tay và tình yêu biển đảo

ANTĐ - Người đàn ông ngoài 60, mái tóc rậm đã bạc trắng hối hả bước vào quán cà phê, cánh tay phải chỉ còn lại một ống tay áo thắt gọn đến khuỷu.

 Ông tươi cười nói với tôi: “Chú vừa đi Hà Nam về là đến đây ngay, một mình một “con ngựa sắt” và “anh bạn” này, lang thang rong ruổi khắp nơi”. “Anh bạn” chính là chiếc máy ảnh cũ đã gắn bó với ông nhiều năm nay, còn “con ngựa sắt” là chiếc xe máy cũng đã cũ nhưng hết sức đặc biệt vì tay ga được “chế” sang bên trái. Ông là nhiếp ảnh gia Bùi Đăng Thanh, người duy nhất trong làng nhiếp ảnh Việt Nam chụp ảnh bằng một tay. Không phải vì ngông, mà bởi cánh tay phải của ông đã gửi lại ở chiến trường hơn 40 năm trước.

Tác phẩm “Người dẫn đường trên biển”

Món quà cho những người đồng đội đã khuất

Bỏ lại ở chiến trường một cánh tay, nhưng những thiếu hụt trong trong cuộc sống không làm cho người thương binh Bùi Đăng Thanh mất đi tình yêu cuộc đời và niềm tin nghệ thuật. 40 năm nay, chỉ bằng cánh tay trái còn lại, nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh vẫn cần mẫn ghi lại những khoảnh khắc “đẹp” trong cuộc sống. Chính điều đó đã giúp ông ghi danh vào Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) và Hội Nhiếp ảnh Quốc tế  (FIAP).

Vừa kể lại câu chuyện đời mình, người nghệ sĩ thương binh vừa cho tôi xem những tấm ảnh để đời của ông. Có một điểm chung trong những sáng tác của Bùi Đăng Thanh, đó là sự dung dị. Ông đi nhiều, chụp nhiều, cả ở thành phố và nông thôn, biển đảo hay rừng núi. Nhưng dù chụp người hay cảnh, ảnh ông thường mộc mạc nên rất thật và  gần gũi. Không gian ảnh của ông rộng, khoáng đạt, như chính sự khoáng đạt và bản lĩnh của người bấm máy. Đáng quý hơn cả, với ông, tất cả những bức ảnh này đều có số phận riêng, kỷ niệm riêng và những câu chuyện riêng của nó. 

Tham gia chiến dịch mùa khô năm 1971, Bùi Đăng Thanh bị thương, mất một cánh tay, buộc phải rời khỏi chiến trường. Phục viên, nhưng hình ảnh những người đồng đội lần lượt nằm xuống cùng biết bao ẩn ức về chiến tranh chưa một ngày nguôi ngoai trong ông. “Tôi được sống đã là một niềm may mắn lớn. Tôi muốn làm một điều gì đó cho những người đồng đội đã khuất của mình”. Nghĩ vậy, ông xin đi học tiếp phổ thông, tập viết bằng cánh tay trái còn lại. Khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, ông đã có một công việc ổn định. Nhưng những trăn trở với đồng đội cùng niềm đam mê nhiếp ảnh được truyền từ người cha đã khiến Đăng Thanh cầm máy. “Tôi muốn ghi lại mọi vẻ đẹp của Tổ quốc mình”. Với ông niềm đam mê là điều không thể thiếu, nhưng cũng chưa phải là yếu tố đầu tiên đưa ông đi khắp mọi miền đất nước. Bùi Đăng Thanh luôn tâm niệm ống kính ông mang trên ngực là thay cho đôi mắt của những người đồng đội đã khuất. Mỗi bức ảnh, với ông là một món quà dành cho những người lính đã ngã xuống. Cái thôi thúc ông lặn lội trên mọi nẻo đường là đi tìm những vẻ đẹp bình dị và chân thật trong cuộc sống, là để nhìn thay cho những người  không có cơ hội chứng kiến đất nước thanh bình.

40 năm cầm máy, Bùi Đăng Thanh gặp phải không ít khó khăn. Một mình một chiếc xe máy “tay lái nghịch”, ông đi khắp nơi. Nhiều lúc trái gió trở trời, vết thương cũ lại nhức nhối cơn đau. Có lần tích cóp mãi mới mua được chiếc ống kính mới, vừa định lắp vào máy ảnh thì ông lại đánh rơi luôn ở sườn núi Hà Giang vì chỉ có một tay, mà bàn tay còn lại giờ cũng liệt mất hai ngón. 

Nhiều lần ông còn đánh cược cả mạng sống của mình để chộp được những khoảnh khắc để đời. “Bến lở” là tác phẩm ghi lại khoảnh khắc của một dòng sông nước lũ. Trong khung cảnh rợn ngợp ấy, sự xuất hiện của cô thôn nữ áo hồng bên dòng sông làm hiền hòa đi cái dữ tợn của thiên nhiên. Cảnh tượng ấy, Bùi Đăng Thanh bất ngờ gặp được trong một lần chạy xe trên đường 39. Người thương binh không ngại nguy hiểm, trèo lên một mố cầu đang xây dựng để chụp lại khung cảnh từ trên cao. Bị công nhân cầu đường ngăn lại vì thấy ý tưởng “điên rồ” của người nghệ sĩ một tay, ông phải viết giấy cam đoan: “Tôi chịu toàn bộ trách nhiệm cho hành động của mình nếu nguy hiểm xảy ra”. Không ít lần, Bùi Đăng Thanh đã phải đánh cược cả tính mạng mình như thế.

Đến nay Bùi Đăng Thanh đã có 16 giải thưởng trong nước và quốc tế, 76 lần có ảnh triển lãm quốc tế, vượt số điểm để trở thành hội viên Hội nhiếp ảnh Quốc tế (E.FIAP, E. VAPA). Ngoài việc giảng dạy trong một số trường đại học, ông còn dạy nghề cho những người khuyết tật, hay những những người yêu nghề ảnh, muốn theo nghề để kiếm sống.

“Tôi muốn ống kính của mình là chiếc cầu nhỏ nối Trường Sa với đất liền”

Trong những tác phẩm rất “đời thường” của Bùi Đăng Thanh, người xem rất yêu thích những bức ảnh ông chụp ở Trường Sa: Bình minh trên Trường Sa, Người dẫn đường trên biển…  Bức tranh Trường Sa qua ống kính Bùi Đăng Thanh vừa gần gũi thân thương, vừa thiêng liêng. Trước nay, biển đảo và người lính luôn là những đề tài ông quan tâm. Bằng tình yêu đó, ông tâm niệm, đã là người Việt Nam nói chung và nghệ sĩ nói riêng, nên ít nhất một lần đặt chân đến Trường Sa để cảm nhận được hết cái mặn mòi của nơi đầu sóng ngọn gió, cảm nhận được hết cái gian nguy vất vả của người lính nơi này. “Tôi muốn ống kính của mình là chiếc cầu nhỏ nối Trường Sa với đất liền, đưa không khí Trường Sa về với những người chưa được đặt chân đến nơi đây”.   

Bùi Đăng Thanh chia sẻ, lần đầu tiên đặt chân đến Trường Sa, cảm giác đầu tiên xuất hiện trong ông là cảm giác thiêng liêng và vinh dự khi bàn chân ông được tiếp đất với  nơi xa xôi nhất của Tổ quốc. Có một cảm giác rất lạ, vừa ấm áp vừa thiêng liêng như thể những đứa con được về nơi đất mẹ. Ông nói: “Tôi thấy cuộc đời nghệ sĩ của mình thực sự có ý nghĩa khi được đặt chân tới đây, thấy mình lớn lên một chút, dù đã ở cái tuổi xế chiều”. Lần ấy, sau 48 giờ đi tàu, cả đoàn công tác bắt gặp hình ảnh đầu tiên: phía cuối đường chân trời, đảo Song Tử Tây ẩn hiện trong nắng sớm. Một người trong đoàn bỗng hô lên: “Đảo Song Tử Tây kia rồi!” khiến tất cả mọi người chạy lên boong tàu. Trước cảnh tượng hiện ra, ai cũng lặng đi vì xúc động. Người làm thơ, người trầm mặc đứng nhìn. Riêng Bùi Đăng Thanh đã chộp được khoảnh khắc người lính hải quân cầm cờ dẫn đường cho tàu đi trong nắng sớm, nay là bức ảnh nổi tiếng mang tên “Người dẫn đường trên biển”. Người nghệ sĩ thương binh chia sẻ: “Người lính ở đây khổ lắm, thiếu thốn đủ thứ, nhưng nhìn ai cũng rắn rỏi kiên trung, lại nồng nhiệt nữa. Họ yêu đời lạc quan, ra đó chúng tôi là một, chẳng có khoảng cách nào giữa những người lính và những người nghệ sĩ”. 

Chứng kiến những khó khăn vất vả của những người lính ở đảo Trường Sa, nghệ sĩ nhiếp ảnh thương binh Bùi Đăng Thanh lại tự nhủ với mình phải nỗ lực lao động nghệ thuật, phải “cho đi” nhiều hơn nữa. Ở tuổi 62, ông vẫn chưa thấy mình già. Ông vẫn từng ngày lặn lội đi tìm những khoảnh khắc nghệ thuật bằng cánh tay trái còn lại, trên chiếc xe máy tự chế với khát khao không bao giờ dập tắt: nhìn thay cho những người đồng đội ngã xuống và ghi lại những khoảnh khắc chân thật, đáng giá của cuộc đời.