Người ngăn cái chết trên cầu

ANTĐ - Trong hơn 15 năm qua, anh đã lặng lẽ chứng kiến không biết bao nhiêu buồn vui, những thay đổi của phận người đi qua. Bản thân anh và đồng đội đã trực tiếp cứu sống rất nhiều người lên cầu tự tử. Người dân gọi anh bằng cái tên nghe thật lạ: “Người ngăn cái chết trên cầu Chương Dương”.

“Thương hiệu” trên cầu

Qua nhiều vị trí để rồi gắn bó với chốt trực ở đầu Nam cầu Chương Dương từ năm 1996, có thể nói Thượng tá Lê Đức Đoàn-Đội CSGT số 1 là cuốn “từ điển sống” tại đây. Khuôn mặt đen sạm, cái miệng luôn thường trực nụ cười rất riêng mà như nhiều người gọi đó là “nụ cười thuốc lào”, anh khiến người đối diện phải nhớ tới bằng sự hóm hỉnh với những câu chuyện tếu táo đến lạ. Đã nhiều lần tôi gặng hỏi anh: sao hàng ngày đơn vị của anh lại bố trí một “bô lão” chốt chặn tại một nút giao thông được xem là quan trọng bậc nhất của Thủ đô mà không phải ở nơi nào khác. Ở 2 bên đuôi mắt đã bắt đầu hằn vết chân chim, anh cứ cười khề khà chẳng nói chẳng rằng. Khi thấy tôi thắc mắc, Trung tá Nguyễn Văn Tòng-Đội trưởng Đội CSGT số 1 tự hào: “Đơn vị đã sàng lọc, chọn lựa kỹ lắm. Trong việc điều hành giao thông và cứu người thì “gừng càng già càng cay”, mà đồng chí Đoàn đội mình thuộc hàng “bô lão” nhưng còn rất khỏe!”.

Được giao đảm bảo giao thông ở một điểm cực kỳ quan trọng, nơi trung bình một ngày có hàng vạn lượt người và phương tiện lưu thông, CSGT không có lúc nào được nghỉ ngơi nhưng việc giao thông bị ùn tắc hay xảy ra sự cố trên cầu trong ca trực của anh là điều rất hiếm gặp. “Bí quyết” của anh nằm ở chỗ, anh đã phối hợp nhuần nhuyễn giữa kinh nghiệm cùng sự phán đoán và phản ứng rất linh hoạt trong quá trình xử lý, phân luồng giao thông. Anh nằm lòng những lịch trình của các tuyến xe buýt, sự thay đổi về lưu lượng phương tiện trong từng thời gian và thậm chí là cả tâm lý của những trường hợp ra vào Thủ đô ở mỗi thời điểm khác nhau.

Đấu trí thắng “tử thần”

Dẫn tôi đi dọc cầu Chương Dương, anh dừng lại ở nhịp cầu số 8 và số 9, nơi mà như anh nói là chỗ đứng của hầu hết các cô gái tìm đến đây tự tử. Nhìn xuống dòng sông Hồng nước đỏ quạch phù sa, cuồn cuộn chảy về Đông, bất giác tôi thấy rùng mình, hoa mắt khi thấy anh nói rằng, nếu ai gieo mình xuống sông ở độ cao này thì không bị gãy xương cũng dập nát lục phủ ngũ tạng, cơ hội sống là rất mong manh. Và cũng tại điểm cầu này, tôi đã từng chứng kiến anh thuyết phục, khuyên nhủ 1 cô gái đang ngồi vắt vẻo trên thành cầu bỏ ý định tự tử. Đó là một buổi chiều không quên giữa trung tuần tháng 7-2011. Hình ảnh cô gái trẻ trong lúc bấn loạn từ từ bỏ tay ra khỏi lan can bỗng chốc có cánh tay người CSGT nhoài người lao ra kéo trở về cuộc sống sẽ còn in đậm trong lòng nhiều người. Chưa hết, người sỹ quan ấy còn phải vật lộn với chính “quyết tâm” chết của cô gái này mới có thể hoàn toàn kéo được cô gái dại dột lên trên thành cầu và đưa về chốt gác an toàn. Đầu óc mụ mị, cô gái chỉ ngồi rưng rức khóc. Được Thượng tá Đoàn phân tích lý lẽ đúng sai cô gái đó đã hiểu ra. Chỉ vì mâu thuẫn gia đình mà T.B.L (tên nạn nhân) dù đã có 1 cô con gái kháu khỉnh lên 6 nhưng trong lúc quẫn trí muốn trầm mình xuống sông tìm đến cái chết. Nhìn người mẹ vừa thoát khỏi cõi tử ôm chầm lấy con, đôi mắt hồn nhiên ngây thơ của trẻ nhỏ hỏi mẹ vì sao lại khóc, bất giác, người lính già đứng cạnh mắt cũng đỏ hoe.

Mỗi lần giúp đời, cứu người, khuyên họ sống vì cuộc đời còn tươi đẹp lắm, anh lại có thêm những đứa con. Đơn giản những con người trong giây phút thiếu suy nghĩ ấy khi được anh kéo về khỏi tay tử thần không chỉ coi người CSGT là ân nhân mà còn nhận anh là người cha sinh ra mình lần thứ 2. Câu chuyện về người phụ nữ mâu thuẫn với chồng tìm đến giữa cầu Chương Dương tự tử năm ngoái là ví dụ. Khi ấy anh thấy giao thông ùn tắc ở trên cầu. Bằng linh tính, anh nhận định rất có thể 1 người nào đó đang muốn tìm đến cái chết. Lên xe buýt, anh đi ra giữa cầu. Lúc này người phụ nữ đã trèo lên lan can cầu, đang hò hét không cho ai đến gần rồi chuẩn bị buông tay. Nhanh như cắt, anh lao tới kéo tay người phụ nữ lại. Những tràng pháo tay vang lên. “Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất trong hơn 30 năm làm CSGT của tôi. Hàng trăm con mắt của người dân hai bên đường trông chờ ở mình. Nếu lúc đó cô gái có nhảy xuống sông thì mình cũng phải nhảy theo để cứu cô ấy, dù không xác định nhảy xuống đó là sống hay chết”- anh kể lại.

Hoàng Phong