Người Mỹ vứt gì xuống sông?

ANTĐ - Chad Pregracke sinh ra và lớn lên ở Đông Moline, Illinois (Mỹ). Ngay phía sau ngôi nhà nhỏ của anh là dòng sông Mississippi chảy ngang. Thuở niên thiếu, anh thường xuyên ngụp lặn trên con sông này để bắt sò bán. Trong những lần ngụp lặn ấy, anh nhận thấy ngày càng, rác thải đang “giết chết” dần con sông huyền thoại đã đi vào bao tác phẩm văn học nổi tiếng này. “Tôi không thể chịu được khi thấy quá nhiều rác thải bị vứt xuống sông và tôi  quyết định phải làm điều gì đó” - Pregracke nói về lý do anh bắt đầu công việc, trở thành “người dọn rác trên sông”.

Pregracke không đành lòng khi thấy con sông quê hương Mississippi bị rác thải tàn phá...

Đáy sông nhan nhản máy giặt và đàn piano

Trong suốt 15 năm qua, Chad Pregracke đã vớt được hơn 67.000 chiếc lốp xe ôtô từ dưới sông 

Mississippi và các con sông khác trên khắp nước Mỹ. Nhưng đó chỉ là một phần của “tảng băng chìm”. Anh cũng “moi” từ dưới sông lên 218 chiếc máy giặt, 19 chiếc máy kéo, 12 bồn tắm, 4 cây đàn piano và gần 1.000 chiếc tủ lạnh. “Đây là những thứ mọi người cố tình vứt xuống sông và còn nhiều thứ khác nữa” - 

Pregracke nói - “Trong khoảng 100km liên tục, có rất nhiều rác từ các nhánh sông, suối, ống cống và tất cả đều đổ ra dòng Mississippi - nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho 18 triệu dân của hơn 50 thành phố nước Mỹ”.

Đối với Pregracke, thu gom rác thải trên dòng Mississippi đã trở thành công việc, một phần trong cuộc sống của anh. Anh được mọi người gọi là “Người dọn rác trên sông”, bởi trong 1 năm, có tới 9 tháng anh sống trên những chiếc sà lan cùng với 12 thành viên khác trong đoàn. Nhóm của anh đã cùng nhau dọn rác dọc trên các con sông trên khắp nước. 

Đó là một công việc khó nhọc và bẩn thỉu, nhưng Pregracke, năm nay 38 tuổi đã tự nguyện làm công việc này bởi vì anh nhận thấy, chẳng có ai muốn làm. Nhưng đến nay, đã có khoảng 70.000 tình nguyện viên cùng anh tham gia chiến dịch dọn rác trên sông, giúp thu gom được khoảng 3.500 tấn rác thông qua tổ chức “Living lands & waters” phi lợi nhuận do anh thành lập. 

Trung bình, Pregracke cho biết, mỗi năm anh tổ chức 70 chuyến dọn rác trên sông ở 50 cộng đồng dân cư. Các chiến dịch thu dọn được thông báo trên trang web trên mạng xã hội Facebook và các phương tiện công cộng khác để mọi người cùng biết và tham gia tình nguyện.

...và anh đã “lôi kéo” được nhiều người tham gia dọn dẹp dòng sông

Thi ai tìm được rác “tốt nhất”

Tại mỗi địa điểm mở chiến dịch thu dọn, sự nhiệt tình với công việc của Pregrake đã “lan truyền” sang những người khác. Sự hài hước của anh trong khi làm việc cũng khiến cho bầu không khí vui vẻ hơn, khiến mọi người làm việc sôi nổi hơn - điều mà Pregracke biết rằng, nó cần thiết cho công việc họ đang làm. Nhóm của anh đã sử dụng những tiểu phẩm, hay cùng nhau hát hò trong lúc làm việc để thúc đẩy tinh thần các tình nguyện viên. “Chúng tôi làm mọi thứ trong khả năng của mình để mọi người cùng làm việc trong không khí vui vẻ. Chúng tôi muốn mọi người đọng lại cảm giác tốt đẹp về những gì họ đã làm để họ sẽ quay trở lại” - Pregracke nói. 

Để mọi người hào hứng với công việc, đội của anh cũng thi xem ai có thể tìm được rác “tốt nhất”, chẳng hạn như tìm thấy những chiếc chai đựng thông điệp. Và trong suốt những năm dọn rác trên sông,  Pregracke đã thu gom được “bộ sưu tập” những chiếc chai mang thông điệp lớn nhất thế giới, gồm 64 chiếc. “Thu gom rác là một công việc khó khăn, vất vả và không an toàn. Vì vậy chúng tôi cố gắng tạo niềm vui trong công việc” - anh nói.

“Không chỉ dọn dẹp làm sạch các dòng sông, Pregracke còn tổ chức các lớp học ngoại khóa cho học sinh trung học về tác hại của các dòng sông bị ô nhiễm. Những buổi học ngoại khóa được anh tổ chức ngay trên “lớp học nổi” tại các sà lan dọn rác trên sông. Và từ năm 2007, tổ chức phi lợi nhuận của Pregracke đã thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh dọc các con sông để bảo vệ và khôi phục môi trường tự nhiên. Nhóm của anh hiện đã đi được hơn nửa quãng đường trong dự án này. 

Pregracke nói rằng tổ chức của anh đã thực hiện hơn 700 chuyến dọn dẹp trên 23 con sông ở khắp nước Mỹ, nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu. Anh xem việc mình làm cũng chỉ là một công việc bình thường như bao người dân khác đang làm hàng ngày. “Nhiều người gọi tôi là người bảo vệ môi trường hay chuyên gia bảo tồn, nhưng tôi không có gì khác biệt với những người khác, tôi chỉ muốn được biết đến như một người dân Mỹ làm việc chăm chỉ” - anh nói.