Người mua vàng bị "làm điêu"

ANTD.VN - Trong gần 2 năm qua, lực lượng chức năng đã phát hiện 615 cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ có vi phạm. Trong đó, các hành vi vi phạm về đo lường và chất lượng như sử dụng cân không kiểm định; cân không phù hợp về phạm vi đo và cấp chính xác; hàm lượng vàng không đạt... là phổ biến nhất. 

Người mua vàng bị "làm điêu" ảnh 1

Vi phạm về đo lường, chất lượng trên thị trường vàng ngày càng phổ biến 

Gần 10% số cân vàng không chính xác

Báo cáo mới đây của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) về kết quả hoạt động thanh tra, kiểm tra vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường đã đưa ra lời cảnh báo về tình trạng vi phạm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Con số thực tế trong gần 2 năm trở lại đây cho thấy, số cơ sở có vi phạm chiếm tới 25% số được kiểm tra và có xu hướng ngày càng tăng. 

Cụ thể,  theo Bộ KH-CN, trong năm 2015, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa - Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và các chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, chi cục Quản lý thị trường các địa phương đã thanh tra, kiểm tra 1.718 cơ sở; phát hiện 432 cơ sở vi phạm (chiếm 25%). Như vậy, cứ kiểm tra 4 cơ sở thì có 1 nơi vi phạm.

Các hành vi vi phạm phổ biến là ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định; sử dụng cân không kiểm định; cân không đạt yêu cầu về đo lường, cân không phù hợp về phạm vi đo và cấp chính xác; hàm lượng vàng không đạt theo công bố. 

Lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm đối với 432 cơ sở nói trên. Tổng số hàng hóa (hàng trang sức, mỹ nghệ) bị xử lý vi phạm gồm 4.013 mẫu, trong đó, số bị tạm dừng lưu thông là 2.886 mẫu. Tổng số phương tiện đo bị xử lý vi phạm là 170, chiếm 9,7%; tỷ lệ vi phạm về nhãn hàng hóa chiếm 24,1% tổng số hàng hóa được kiểm tra.

Lực lượng chức năng đã chuyển hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với 63 cơ sở, chiếm tỷ lệ 14,6% tổng số cơ sở vi phạm. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 200 triệu đồng.

Trong năm 2016, Bộ KH-CN đã triển khai thực hiện thanh tra chuyên đề về vàng trang sức, mỹ nghệ trên toàn quốc từ tháng 7 đến tháng 9. Nội dung thanh tra tập trung vào việc chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường trong kinh doanh vàng; về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ.

Tính đến ngày 23-8, theo báo cáo nhanh của các địa phương, đã thanh tra 585 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 183 cơ sở với số tiền phạt trên 1,5 tỷ đồng. Thực tế này cho thấy, mức độ vi phạm ngày càng tăng chứ không giảm.

Mới quản phần ngọn

Theo Bộ KH-CN, sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện, phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận. Doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định số 24/2012/NĐ- CP sẽ được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận này.

Về quản lý nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ, đối với doanh nghiệp, Điều 13 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP quy định phải được thực hiện theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Đối với cá nhân, Thông tư số 11/2014/TT-NHNN ngày 28-3-2014 của Ngân hàng Nhà nước quy định, cá nhân Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu, giấy thông hành biên giới, giấy thông hành nhập xuất cảnh... được mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ có tổng khối lượng từ 300g trở lên đến dưới 1kg phải khai báo với cơ quan Hải quan.

Từ phân tích trên, Bộ KH-CN cho rằng, hiện nay, việc quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong sản xuất, nhập khẩu chưa được quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP và các văn bản khác. Thực tế này dẫn tới việc doanh nghiệp, cá nhân được nhập khẩu loại hàng hóa đặc biệt này mà không cần kiểm soát chất lượng, chỉ phải nộp thuế theo quy định. 

Tới lượt mình, các cửa hàng kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ cho rằng, họ chỉ biết bán hàng lấy từ các cơ sở nhập khẩu, sản xuất, chế tác được Ngân hàng Nhà nước cho phép và khẳng định chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ do các cơ sở này quyết định.

Như vậy, với cách quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ như hiện nay, Nhà nước chỉ tập trung quản lý phần ngọn (khâu lưu thông) mà không quản lý từ gốc (khâu sản xuất, nhập khẩu) trong khi nguyên tắc của quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa là phải bắt đầu từ gốc.

Do đó, Bộ KH-CN kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, trong đó, cần bổ sung quy định quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ trong quá trình sản xuất, nhập khẩu.