Người mua dâm bị phạt nặng hơn người bán dâm

ANTĐ - Nghị định 167/2013/NĐ-CP về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” mà Chính phủ có hiệu lực từ 28-12 đã lược bỏ khá nhiều nội dung.

Người mua dâm sẽ bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng

Vợ chồng chửi nhau nơi công cộng phạt tới 1 triệu đồng

Theo đó, điều 51 quy định: “Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên trong gia đình”. Ngoài ra, hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý như cấm các thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc không cho tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh, không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng; phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục; có hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình mà thành viên đó không phải là vợ, chồng (Điều 52). 

Đáng chú ý, các quy định xử phạt “vợ kiểm soát tiền chồng”, “dọa ma trẻ con” đã được bỏ ra khỏi Nghị định. Thay vào đó, Nghị định đưa ra mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng đối với người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hoá, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật… hoặc ở nơi công cộng khác.

Ngoài ra, điều 50 quy định về hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên trong gia đình quy định người mang “tội bất hiếu” sẽ bị xử phạt đến 2 triệu đồng có nêu rõ: Phạt tiền từ trên 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi: Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ; đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân”. 

Người mua dâm bị phạt 1 triệu đồng

Bên cạnh đó, Điều 60 của Nghị định quy định về hành vi cố ý không ngăn chặn, báo tin hành vi bạo lực gia đình và cản trở việc ngăn chặn, báo tin, xử lý hành vi bạo lực gia đình sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Theo đó, người nào biết hành vi bạo lực gia đình, có điều kiện ngăn chặn mà không ngăn chặn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng; biết hành vi bạo lực gia đình mà không báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền; cản trở người khác phát hiện, khai báo hành vi bạo lực gia đình.  Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi cản trở việc xử lý hành vi bạo lực gia đình.

Điển hình nhất là việc xử phạt đối với hành vi “mua dâm đồi trụy” được quy định tại các điều 22, 23, 24, 25. Theo đó, người bán dâm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Còn người mua dâm sẽ bị phạt nặng hơn, từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, đặc biệt, hành vi lôi kéo người khác mua dâm sẽ bị phạt 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Phạt tiền 15-20 triệu đồng đối với người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ do thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra hoạt động mua dâm, bán dâm ở cơ sở do mình quản lý; phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh…

Điểm nổi bật của Nghị định 167 là quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 - 200.000 đồng đối với không mặc quần áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các điểm hoạt động văn hóa, tín ngưỡng từng gây xôn xao dư luận đã được đưa ra khỏi Nghị định. Tuy nhiên, tại điều 7 quy định về giữ gìn vệ sinh chung, hành vi hành vi tiểu tiện, đại tiện ở đường phố sẽ bị xử phạt 300.000 đồng, cụ thể: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung ở khu công cộng và khu dân cư. Ngoài ra, Nghị định còn quy định mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không xuất trình chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền,...

Bao quát những vấn đề bất cập trong xã hội


Nghị định 167/2013/NĐ-CP ban hành lần này quy định tương đối đầy đủ, bao quát những vấn đề xã hội đang tồn tại mà đại bộ phận người dân quan tâm hiện nay. Cụ thể, từ những hành vi gây mất trật tự công cộng như: say rượu, có lời nói khiêu khích, sách nhiễu (Điều 5)…đến việc tiểu tiện (Điều 7)… đều sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Những vấn đề về quản lý cư trú, ngành nghề kinh doanh, sử dụng con dấu, bí mật nhà nước cũng được đưa vào với những hành vi vi phạm rõ ràng. Mối quan ngại quanh công tác phòng cháy chữa cháy, hay nạn bạo lực gia đình đều được Nghị định nêu rõ về đối tượng vi phạm, hành vi xử lý và mức phạt tương xứng. Theo đó, mức phạt tiền thấp nhất là 100.000 đồng, cao nhất lên đến 50.000.000 đồng. Đây là mức xử phạt hợp lý, đủ sức răn đe, dựa theo mức độ nghiêm trọng của hành vi. Hầu hết người dân đều mong mỏi quy định đưa ra sẽ được thực hiện một cách nghiêm minh nhất. Tuy vậy, để thực hiện được điều này, Chính phủ cần đưa ra văn bản hướng dẫn thực hiện nghị định trên, nhằm tránh trường hợp mỗi người dân, cán bộ địa phương hiểu một cách, theo đó thực hiện cũng sẽ không đồng nhất, gây khó khăn khi áp dụng vào thực tế đời sống. Luật sư Nguyễn Tiến Hoà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội