Người mẹ kế độc ác và bản di chúc kỳ lạ

ANTĐ - Không làm gì được cô con riêng của chồng, người mẹ kế đã thuê người phá tan hoang ngôi nhà để cô không còn chỗ tá túc.

Sau khi ông bố cô qua đời được một năm, người mẹ kế bỗng xuất hiện với tấm sổ đỏ và bản di chúc, khẳng định ngôi nhà cô vẫn ở từ khi mới lọt lòng cho đến thời điểm ấy là thuộc sở hữu của bà ta. Bà ta ra tối hậu thư, trong vòng một tháng, nếu cô không dọn đi khỏi nơi ấy và trả lại nhà cho bà, bà ta sẽ cho những người đã đi tù đến thuê nhà, ở chung với cô. Cô trả lời rằng cô sẽ báo công an nếu như bà làm như vậy. Không làm gì được cô con riêng của chồng, người mẹ kế đã thuê người phá tan hoang ngôi nhà để cô không còn chỗ tá túc.

PHÁ NHÀ ĐỂ ĐUỔI CON RIÊNG CỦA CHỒNG

Khu tập thể giáo viên trường ĐH T. vốn yên bình bỗng xôn xao vì một việc lạ. Ngôi nhà cũ của cố giáo sư T., một vị giáo sư nổi tiếng của khoa Toán Tin, bỗng nhiên bị người vợ kế thuê người đến cắt đôi. Cả khu tập thể tìm đến, hỏi han. Không ai thấy cô Q.A, con gái của giáo sư T đâu cả. Bà H., vợ kế của giáo sư đang chỉ đạo thợ phá dỡ, đạp tường, rạch đôi trần nhà một đường dài chạy từ trước ra sau, rộng tới 60cm và khoét nhiều lỗ trên trần nhà. Bà H. giải thích với mọi người rằng đây là nhà của bà, bà ta muốn làm “giếng trời” trên mái nhà để lấy ánh sáng. Sau một ngày ầm ĩ tiếng máy, người ta nghe thấy tiếng cãi cọ lớn tiếng từ phía ngôi nhà. Một vài người chạy sang nghe ngóng. Bà H. lúc đó đã lớn tiếng mắng nhiếc người thợ “làm không đúng ý đồ” của bà ta. Bà ta tuyên bố không trả tiền công thợ. Họ ầm ĩ thêm một lúc nữa thì đường ai nấy đi.

Khi Q.A trở về nhà, thấy ngôi nhà bị rách nát, không còn chỗ ở, đồ đạc bị xáo tung lên. Người chủ đã mua một phần nhà của cố giáo sư T trước đây cho biết, chính mẹ kế của Q.A yêu cầu thợ phải cắt trần thật rộng, khoét lam nham để Q.A không thể sửa chữa lại nhà được nữa. Còn phần vách chung của hai nhà, bà ta cũng cho người phá ra và nói rằng bà ta sẽ tự tay sửa chữa. Bởi vậy, người hàng xóm không đứng ra thuê thợ xây lại. Hiểu rằng người mẹ kế dã tâm muốn đuổi mình đi bằng được, Q.A đã thu dọn ít đồ đạc rồi đến nhà họ hàng, bạn bè ở nhờ. Nhưng dù bạn bè tốt đến đâu cũng không thể cho Q.A ở nhờ mãi. Cô đành phải quay về nhà làm đơn kêu cứu chính quyền địa phương và gọi thợ đến sửa chữa vá víu tạm để ở.

Khi chúng tôi đến tìm hiểu thực tế, được chứng kiến tận mắt những bức xúc mà Q.A phản ánh. Ngôi nhà thoạt nhìn như vừa bị một cỗ máy khổng lồ xẻ đôi, nham nhở, tang thương. Trước nhà, có dòng chữ ngệch ngoạc bằng gạch non “Nhà đang tranh chấp, miễn giao dịch”. Toàn bộ tầng hai của ngôi nhà đã bị dỡ hết mái, tấm lợp, khung sắt vứt ngổn ngang. Nhà vệ sinh, bếp, cầu thang ở tầng một không còn gì che đậy, trống hoác bốn phía.

Ở phòng ngoài, nơi trần nhà bị phá to gần bằng chiếc chiếu đã được cô vá lại bằng bê tông. Vết vữa mới màu đen loang lổ giữa những mảng tường trắng. Q.A kê một chiếc giường gỗ nhỏ, vừa đủ một người nằm. Đồ đạc trong phòng chỉ có chiếc bàn cũ, một chiếc ti vi có lẽ đã gần 20 năm tuổi. Một trận mưa trút xuống, nước chảy từ cầu thang, đổ ồ ồ như thác xuống nhà. Ở nơi mảng trần mới vá lại, nước ngấm qua, nhỏ tí tách xuống giường cô nằm.

Q.A thở dài: “Tôi đi làm nhà nước, đồng lương nuôi sống mình còn chật vật, chỉ khắc phục được đến thế. Không biết bà ấy còn giở tiếp những trò gì nữa”.

BẢN DI CHÚC KỲ LẠ

Năm 1988, trường ĐH T. đã có quyết định phân đất cho giáo sư T và vợ. Năm 1996, do không hợp nhau về tính cách, lối sống, hai người đã ly hôn. Q.A được giao cho bố nuôi dưỡng. Mẹ cô có trách nhiệm cấp dưỡng. Tài sản chung hai người tự thỏa thuận chia nhau Q.A không được biết. Ngôi nhà được ngăn đôi, mẹ Q.A ở nửa nhỏ hơn. Đến năm 1999, giáo sư T được giới thiệu, mai mối lấy bà Hoàng Thị H., một giáo viên trường cấp II T.S, quận Hai Bà Trưng. Bà H. lúc đó đã xấp xỉ 40 tuổi, và chưa có gia đình. Q.A và bà H. không hợp nhau. Giữa họ ít khi trò chuyện với nhau.

Năm 2000, sau vài lần va chạm với mẹ Q.A ở nhà bên cạnh, bà mẹ kế và giáo sư T. chuyển đi nơi khác, làm nhà ở. Q.A ở lại ngôi nhà đó cho đến thời điểm này. Q.A chỉ thỉnh thoảng đến thăm bố. Năm 2005, mẹ Q.A bán ngôi nhà bên cạnh, yêu cầu cô ký vào giấy tờ chuyển nhượng. Mẹ cô đã dùng phần lớn số tiền bán nhà để trả món nợ lãi mà bà không còn khả năng thanh toán. Số tiền còn lại, bà mua một ngôi nhà nhỏ ở Kim Sơn, Ninh Bình để về quê dưỡng già. Sau đó, bà uống thuốc ngủ tự vẫn. May nhờ có Q.A phát hiện kịp thời, cứu bà thoát chết. Nhưng từ khi ra viện, bà đã bị trầm cảm nặng, hiện không có khả năng giao tiếp bình thường.

Năm 2007, Q.A định kết hôn. Giáo sư T. cho cô 15 triệu để cô chuẩn bị đám cưới. Đến năm 2008, giáo sư T. ốm nặng và được chẩn đoán là bị ung thư não. Biết mình không sống được bao lâu, ông đã bảo Q.A gọi luật sư đến để làm di chúc chia đôi căn nhà Q.A đang ở làm hai phần. Q.A sẽ được hưởng một nửa. Nửa còn lại thuộc về con trai riêng của ông và bà Hoàng Thị H.. Tuy nhiên, yêu cầu lập di chúc của ông đã không thực hiện được vì bà H. ngăn cản quyết liệt. Vừa ngăn cản, bà vừa dụ dỗ, nói rằng ông rất khỏe mạnh, ông không sao cả, làm di chúc tức là ông đang gây ra điều xui xẻo cho chính mình... Vốn hiền lành, yếu đuối, giáo sư đã không thể thực hiện được nguyện vọng của mình. Chỉ một thời gian ngắn sau, khối u ác tính di căn, vị giáo sư đã bị liệt và không thể nói được. Khi ông ra đi, Q.A vẫn ở bên, nhưng không thấy ông nhắc nhở trăn trối gì về bản di chúc.

Cuối năm 2010, một năm sau khi ông mất, bà H., trước đó không bao giờ đến ngôi nhà Q.A đang ở, bỗng xuất hiện và chìa ra tấm sổ đỏ, trong đó ghi chủ sở hữu là bà Hoàng Thị H. và ông Trần Văn T.. Sau đó, bà ta lại đưa tiếp ra bản di chúc, trong đó, tài sản của ông T chỉ gồm ngôi nhà trên. Bản di chúc cho biết, phần của Q.A đã được nhập vào phần của mẹ đẻ, và đã bán đi rồi. Phần còn lại là ngôi nhà 32.3m2, bà Hoàng Thị H. đương nhiên được hưởng 16m2. Phần còn lại, ông giáo sư giữ lại 6m2 để chữa bệnh. 10m2 còn lại, ông ta chia đều làm 3 phần, 1/3 cho con trai, 1/3 cho bà H.; 1/3 cuối cùng, nếu bà H. đồng ý, sẽ chia cho Q.A.

Một điều lạ lùng nữa là bản di chúc được đánh máy, không hề có chữ ký của giáo sư, chỉ có một dấu mực màu đỏ được cho là dấu điểm chỉ, chữ ký và tên của hai người làm chứng. Lý lẽ “tác giả” đưa ra là lúc này ông ta đang bị liệt, không tự tay viết được. Lời lẽ trong di chúc rất rõ ràng, hành văn chặt chẽ chứng tỏ người soạn ra di chúc này đang ở trạng thái rất tỉnh táo, minh mẫn, khỏe mạnh. Thời điểm ghi ở bản di chúc trước thời điểm giáo sư mất là gần 3 tháng.

Theo Q.A, lúc đó, tình trạng sức khỏe của giáo sư rất kém, thường xuyên hôn mê, không thể nói được nữa. Ông không thể soạn được bản di chúc rành mạch, chi tiết đến như vậy. Và thời điểm công bố di chúc cũng không xuất hiện ngay sau khi ông vừa mất như thông lệ. Phải một năm sau, bà H. mới đem đến. Còn nữa, trong di chúc không hề đả động đến việc phân chia những tài sản khác của ông T. và bà H. như ngôi nhà họ đang ở, sổ tiết kiệm, xe... cùng nhiều tài sản có giá trị khác.

“Ngôi nhà này vốn là tài sản chung của bố mẹ tôi, trong đó có một phần của tôi. Vậy mà bà H., người không hề có quyền lợi gì ở đây từ trước đến nay, bỗng trở thành chủ nhà, được tự mình định đoạt mua bán ngôi nhà. Còn tôi thì hoàn toàn phụ thuộc vào bà ta, không được phép có ý kiến gì hết. Tôi hiểu bố tôi, ông ấy không bao giờ đẩy đứa con dứt ruột đẻ ra đến đường cùng như vậy. Đây chỉ có thể là chúc thư giả”, Q.A cho biết.

Theo Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Hội Luật Gia TP Hà Nội, trong sự việc này, nguyên đơn có thể thực hiện ba việc sau:

Thứ nhất, cô Trần Q.A cần gửi bản di chúc thư yêu cầu Tòa án các cấp thẩm định. Ông nhận định đây là di chúc giả, không có hiệu lực pháp luật. Bởi theo quy định mới nhất, bản di chúc hợp pháp phải tự tay người cho tài sản viết và có đầy đủ chữ ký, được cơ quan công chứng nhà nước xác nhận, đóng dấu. Nếu người làm di chúc không thể ký thì phải có ít nhất hai người làm chứng và chữ ký, dấu đỏ của nhân viên công chứng nhà nước.

Thứ hai, mảnh đất cô Q.A đang ở được cấp trong thời kỳ hôn nhân của giáo sư T. và người vợ trước. Cô Q.A cũng ở đó từ trước thời gian được cấp đất. Do đó, cô Q.A là người có quyền lợi liên quan. Việc cấp sổ đỏ phải có ý kiến của người có quyền lợi liên quan. Tuy nhiên, trong việc cấp mới “sổ đỏ”, chỉ có hai “sổ đỏ” đứng tên của giáo sư T.  bà Hoàng Thị H., vợ sau và một sổ đỏ mang tên bà vợ trước. Vậy việc cấp mới sổ đỏ chưa thể hiện quyền lợi của Q.A. Như vậy, rất có thể, người cấp sổ đã không tuân thủ đúng qui định của pháp luật. Rất có thể, việc cấp sổ đỏ này là trái qui định của pháp luật.

Thứ ba, cá nhân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Cô Q.A có quyền yêu cầu công an sở tại can thiệp vì bị bà Hoàng Thị H. xâm phạm chỗ ở trái phép. Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng phân định theo đúng trình tự pháp luật, nếu chưa được sự đồng ý của cô Q.A, không ai được tự ý xâm phạm, phá dỡ chỗ ở của cô. Hành động của bà Hoàng Thị H. là hành động theo kiểu xã hội đen, vi phạm pháp luật, cần phải được ngăn chặn.