Người mẹ 90 tuổi mong một lần được thấy mộ con

ANTĐ - Chiến tranh đi qua đã lâu so với một đời người, nhưng không lúc nào bà không trông ngóng đến ngày được tìm thấy phần mộ của con trai mình.

Mỏi mòn chờ đợi với trang giấy báo tử mà không biết thi thể của con đang nằm nơi đất lạnh nào và điều duy nhất những lúc nhớ con bà lại ra nghĩa trang liệt sĩ của xã để thắp nén hương cho đồng đội của con... rồi nước mắt bà lại lăn dài, cầu nguyện. Đó là câu chuyện của bà Nguyễn Thị Chí (90 tuổi) ở thôn Nam Lân, xã Ba Động, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi.

Con nói sẽ về mà...   

Một buổi chiều gần cuối tháng 4, theo con hẻm nhỏ ở thôn Nam Lân, xã Ba Động, chúng tôi đến ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Chí. Ngôi nhà nhỏ hẹp bên dòng sông như bị nhòe đi trong mắt bà khi chúng tôi hỏi về người con của bà - liệt sĩ Bùi Văn Sơn.

Bà Chí bên di ảnh liệt sĩ Bùi Văn Sơn

Bà kể: năm 1954, ba nó tập kết ra Bắc, khi ấy nó mới 4 tuổi, chưa biết rõ mặt cha như thế nào. Rồi đến năm 19 tuổi, nó đòi đi theo bộ đội, để tìm ba nó. Khi ấy bà sợ lắm, vì chiến tranh mà, nhà có mình nó là con trai, ba nó không biết sống chết ra sao, giờ cho nó đi lỡ có bề gì thì tội lắm... Thế rồi, nó năn nỉ hết ngày này đến này kia, năm 1969, bà quyết định cho nó đi. Bà còn nhớ như in ngày nó đi theo cán bộ ra Bắc theo diện học sinh miền Nam, bà gói cho nó 2 bộ đồ, nhưng khoảng 5 tháng sau bà mới nhận thư, nó bảo "... đồ mất hết rồi má à, vì qua sông bị nước cuốn trôi”. Nó còn nói “con chưa tìm được ba, khi nào hoàn thành nghĩa vụ con về với má, ngoài này lạnh lắm không như trong mình đâu má à, nhưng má yên tâm có anh em ngoài này cho con đồ để mặc tạm rồi..."

Đến năm 1970, bà nhận tin Sơn nhập ngũ, "cái gì... Binh nhì C2, D3, Quân khu Tả Ngạn đấy". Mãi đến năm 1974 bà lại nhận thư Sơn bảo đang là "...Trung sĩ B trưởng trinh sát, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, Quân khu II".

Thế rồi, ngày 30/3/1975, tin dữ lại ập đến: Sơn đã hy sinh. Nghe nói hy sinh ở tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Rồi ngày đất nước thống nhất, bà nhận giấy gia đình liệt sĩ...

Mỏi mòn hy vọng từ bức thư...

Ngày Sơn hy sinh, bà nhận thư của đồng đội Sơn, bảo khi nào bà tìm thì đến cổng Lăng Cô - Thừa Thiên Huế hỏi nhà bà Đỗ Thị Phụ, bà ấy sẽ chỉ nơi chôn cất Sơn.  Vì điều kiện lúc đó còn quá khó khăn, bà chỉ biết lấy di ảnh nó lập bàn thờ, chờ khi nào có điều kiện sẽ đi tìm. Năm 2010, người thân trong gia đình trở lại Lăng Cô, nhưng Lăng Cô bây giờ khác quá, tìm lại người trong bức thư không ai biết cả!

Cuối năm 2011, nghe mấy chú trong đoàn tham quan của huyện nói mộ của Sơn đang nằm ở Nghĩa trang Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị, thế là đứa cháu của bà lại gói ghém đồ đạc ra ngoài Quảng Trị, nhưng cũng không tìm được, bởi ngôi mộ tên Sơn trong nghĩa trang đã có chủ.

Trở về lần này, bà thất vọng hơn bao giờ hết, bà lại thắp nén hương cho con, dàn dụa nước mắt. Theo nhiều người dân ở địa phương, 37 năm qua, tuần nào cũng vậy, sau bữa bán bánh tráng ngoài chợ, bà lại đến nghĩa trang liệt sĩ xã Ba Động thắp hương. Bà cầu nguyện đồng đội của con chỉ đường cho bà được tìm thấy mộ Sơn trước lúc bà trở về nơi chín suối.

Khi chúng tôi hỏi sao bà không liên lạc với đồng đội của anh Sơn ngày ấy, bà buồn rượi, đồng đội nó ở đâu bà làm mà sao biết được... lúc viết thư chúng nó nói tiếp tục hành quân chứ có địa chỉ cụ thể đâu!

Trước khi ra về, chúng tôi đến thắm nén hương tri ân anh Sơn, mong sao nơi anh đang nằm không còn lạnh như cái đêm rét ở miền Bắc năm nào.

Chiến tranh đã đi qua, máu xương của các anh đã ngã xuống vì sự bình yên của Tổ quốc, nhưng nghiệt ngã hơn, chiến tranh cũng đã dày xéo nhiều mảnh đời. Khi chúng tôi viết lên nỗi lòng của một người mẹ, bà Chí chỉ mơ ước một điều duy nhất, nếu ai đó có biết phần mộ của Sơn thì cho bà biết, khi ấy bà chết cũng an lòng. Số điện thoại để báo tin cho bà Chí: 0914925577.