Người mang "vía nặng"

ANTĐ - Hoàn toàn là vô thức, chính bản thân họ cũng không hiểu tại sao có thể nhiều lần mang đến sự rủi ro, bệnh tật, thậm chí cả cái chết cho những người xung quanh, mặc dù trong thâm tâm họ không hề có ác ý, hay một hành động “tàn ác” nào.

Kẻ giấu mặt gieo rắc “tai bay vạ gió” 

Cách đây mấy năm về trước cho tới tận bây giờ, người dân Mexico vẫn rỉ tai nhau về câu chuyện lạ của một góa phụ trẻ có tên là Chista. Chỉ sau 3 ngày ân ái mặn nồng, người chồng bỗng dưng ốm, thuốc thang thế nào cũng không thể thuyên giảm. Nhiều năm trôi qua, người ta vẫn không thể tìm ra được căn bệnh “quái ác” đã cướp đi tính mạng của người đàn ông xấu số đó. Khi chơi vơi nỗi đau đớn mất chồng, Chista lại bị gia đình nhà chồng đổ cho tiếng ác. Họ cho rằng, chính Chista là người đàn bà triệt sự sống của chồng. 

Góa phụ Chista không lâu sau đó trở thành nỗi kinh hoàng, ám ảnh cho người dân địa phương. Họ đồn rằng, người đàn bà ấy có đôi mắt quỷ, cần phải tránh thật xa. Trong một lần đi trên phố, Chista trông thấy một bé gái xinh xắn và hồn nhiên khen “Cháu dễ thương quá”. Về nhà, bé gái lên cơn sốt cao không rõ nguyên nhân. Bé gái xấu số tử vong sau 3 ngày cấp cứu tại bệnh viện. Gia đình bé gái đổ lỗi cho Chista là đã gián tiếp gây ra cái chết. Họ xem Chista như “một mụ phù thủy”, chỉ có một cái xoa đầu và lời khen mà có đủ “sức” giết chết một đứa trẻ đáng thương.

Trong 2 năm kể từ sau cái chết của người chồng, Chista được cho là đã có liên quan đến cái chết của 3 người nữa; ngoài bé gái trên còn có bà chủ cửa hàng làm tóc và anh tài xế taxi. Những người này đều đổ bệnh rồi qua đời sau một lần có tiếp xúc với cô. Đau đớn, dằn vặt, nhưng bản thân Chista cũng không thể minh oan cho mình. Vì không muốn tiếp tục gây ra tai ương vạ gió cho người khác, Chista đã quyết định một cuộc sống ẩn dật ở một vùng núi hẻo lánh. 

Câu chuyện tương tự cũng từng xảy ra với một cô nuôi dạy trẻ sống ở thành phố Saint Peterburg (Nga). Trước đó, Galina làm nghề trông trẻ. Cô vốn là người rất yêu quý những đứa trẻ. Công việc này là niềm đam mê, sở thích từ khi Galina lên 10 tuổi. Ngay khi Galina nhận việc trong gia đình đầu tiên thì một tháng sau đã xảy ra chuyện không may. Đứa trẻ mà Galina chăm sóc bỗng chết vì bệnh viêm não. Vì niềm đam mê công việc này, nhưng vì không muốn có những ảnh hưởng xấu từ cái chết của cô bé trên, một thời gian ngắn sau, Galina quyết tâm chuyển đến thành phố khác. Đến nơi ở mới, Galina nhận trông 2 bé gái lên 3 tuổi. Không ngờ rằng, 2 cô bé mà chị vừa mới nhận trông đã đột ngột lên cơn co giật. Tại bệnh viện, 2 bé gái đã bình phục, nhưng người ta đuổi việc Galina. Hai tháng sau, khi kiếm được việc trong một gia đình khác thì cậu bé 9 tuổi của họ đã chết trên tay Galina vì bệnh tim. Galina cũng đã chứng kiến cái chết tương tự của một cậu bé nữa trong một gia đình khác chỉ vì đã trót chơi đùa với cậu bé. Cái chết cuối cùng mới xảy ra cách đây không lâu, với cô bé Galina chăm sóc, nó ra đi chỉ vài phút sau khi được tiêm chủng ngừa chứng ho gà. Sợ hãi, sau đó Galina gần như phát điên và đành phải từ bỏ công việc trông trẻ. 

Do hấp thụ nguồn năng lượng của người đối diện?

Đó chỉ là 2 trong số hàng trăm câu chuyện về những người có “vía nặng” được lưu truyền. Trong truyền thuyết ở các vùng Trung Đông, Hy Lạp, đến Mexico, Brazil và Ấn Độ, Trung Hoa... từ hàng nghìn năm nay đã xuất hiện nhiều câu chuyện về những người có đôi mắt của quỷ, có mệnh ác hay còn gọi là vía dữ chuyên gây ra những tai họa hàng loạt cho người khác theo một cách bí hiểm. Chỉ cần có sự gần gũi tiếp xúc với ai đó là tai họa đen đủi sẽ nhập vào người đó và lan đi, gây nên những căn bệnh giống như một thứ dịch không rõ căn nguyên. 

Đối với những nhà khoa học theo chủ nghĩa duy vật thì ở những người chuyên gây tai họa này có sự tồn tại của một nguồn lực từ rất mạnh nào đó, nguồn lực này có thể ngầm phá tan mọi thứ. Họ có thể “hút” được năng lượng từ những người xung quanh, làm giàu năng lượng “tích lũy” trong họ. Chính khả năng đó đã khiến cho những người có tiếp xúc với họ bị hao hụt phần lớn năng lượng của cơ thể. Đây có thể là một phần lý do vì sao những người có vía sát nhân thường chỉ “bắt” được những trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người có từ trường thấp. Thậm chí, kể cả những bệnh có sẵn trong cơ thể những người mà họ đã tiếp xúc có cơ hội phát tán, dẫn đến việc bệnh tật và cái chết đến gần. Nhưng chưa thể lý giải được tại sao, sau khi phát bệnh, chỉ trong vài ba ngày, các biện pháp trị liệu đều bó tay trước căn bệnh của bệnh nhân. Bệnh nhân bị trả về và chết. Đặc biệt, trước những người có khả năng hấp thụ năng lượng này, trẻ nhỏ hay người già ốm yếu thường bất lực bởi chúng không biết cách cũng như không đủ sức để bảo toàn năng lượng cho cơ thể, vì thế mà dễ dàng trở thành nạn nhân “bất đắc dĩ”. Giả thiết này nhận được nhiều sự tán đồng, vì bản thân các nhà khoa học đã và đang chú tâm nghiên cứu về những hiện tượng được gọi là “mệnh ác”, “mệnh nặng”.