Nhà Văn Ma Văn Kháng:

Người mang hai họ

ANTĐ - “Anh Ma Văn Nho là Phó Chủ tịch kiêm Phó Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng. Anh Nho năm đó trạc ba mươi tuổi. Người tầm thước, vóc to ngang, vạm vỡ như lực điền. Đầu trần, áo sơ mi trứng sáo bỏ ngoài quần, quần ống thấp ống cao, trên vai anh tòn ten cái túi vải xanh trong đựng xấp công văn tài liệu mà chẳng mấy khi thấy anh giở ra xem. Quan trọng trong ấy có lẽ chỉ là mấy cuốn sách giáo khoa toán lớp 5 đi đâu anh cũng mang theo để học. Anh học thật sự chứ không phải học vì phong trào, học lấy mẽ.  Anh đi tới thôn nào là ở đó người ta lao nhao gọi tên anh, rồi xán đến trò chuyện với anh. “Pú Nho! Pú Nho!”.

Đó là tiếng đồng bào gọi anh. Anh có khả năng trò chuyện rất thân mật giản dị với bà con. Trong các cuộc họp, anh thao thao về chủ trương chính sách, mà toàn là những lời ăn tiếng nói thông thường, chứ không phải câu chữ trong văn bản hành chính. Vậy mà, công việc vẫn đâu vào đấy.” Nhà văn Ma Văn Kháng đã mô tả về một cán bộ huyện miền núi như vậy. Và Anh Ma Văn Nho có phải là anh trai của nhà văn Ma Văn Kháng? 

Câu trả lời là: Không phải.  Ma Văn Nho là thần tượng sống động của nhà văn Ma Văn Kháng khi nhà văn về công tác tại miền núi. Một cán bộ xông pha trong phong trào, một con người khiêm nhường nhưng tiềm ẩn bên trong cái khí lực của cả khối quần chúng công nông, cái hơi thở mạnh mẽ, sâu bền của đời sống cần lao. Không những thế ông Ma Văn Nho còn là ân nhân của nhà văn Ma Văn Kháng - người đã từng cứu ông qua cơn sốt rét. Sau lần đó nhà văn Ma Văn Kháng kết nghĩa anh em với anh Ma Văn Nho và đổi sang họ Ma - Ma Văn Kháng. Cái tên Ma Văn Kháng có xuất xứ là thế.

 Họ tên thật của nhà văn Ma Văn Kháng là Đinh Trọng Đoàn. Khi tham gia Đội Văn nghệ truyền bá vệ sinh Cục Quân y năm 1948, ông lấy tên là Nguyễn Kháng. Kháng là Kháng chiến chống Pháp. Cái tên mang âm hưởng hào hùng lãng mạn của một thời đoạn người đi công tác thoát ly là lên chiến khu, hoạt động đầy màu sắc bí mật. Như các chiến sĩ cách mạng trước 1945, ai cũng có một bí danh. 

Cũng chính từ cái bút danh Ma Văn Kháng mà đã có giai thoại “đi tìm dòng tộc” hết sức cảm động.

Năm 1996, đột ngột ông nhận được một lá thư từ Nghệ An gửi ra. Nguyên văn thư như sau:

“Nghệ An ngày 1-3-1996

Kính gửi chú Ma Văn Kháng

Chú Ma Văn Kháng kính mến!

Khi chú nhận được lá thư này chắc chú ngạc nhiên lắm. Nhưng xin chú khoan đã để cháu sẽ trình bày sau. Với tấm lòng tôn kính gửi tới chú và gia đình mạnh khỏe và có nhiều thuận lợi trong công tác.

Chú Kháng kính mến.

Tôi xin báo cáo với chú một số vấn đề về dòng dõi họ Ma để chú nghiên cứu xem sao? Trước và sau thế kỷ XVII có ông tổ: Tiến sĩ Ma Tướng Công, tức là Ma Văn Lâm. Mẹ của ngài: Lê Thị Quyền, người Đa Phúc thôn, Tổng Cao Xá, con của một nhà gia thế hóa chồng. Sinh ra ngài được mẹ nuôi nấng và học giỏi thi đậu tiến sĩ.

Vợ của ngài: Đào Thị Thuế, ở Thừa Thiên (Huế). Ngài sinh được 3 trai:

1. Ma Văn Thông, ở tại làng Linh Kiệt, xã Cao Xá, tổng Cao Xá, Phủ Diễn, Nghệ An. Nay là Xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Sinh thành được 47 hộ và trăm con cháu (khoảng 10 đến 13 đời chú ạ).

Vì tài liệu bị bom đạn Mỹ đánh tan cả, nhà thờ ngày nay chỉ có lăng mộ và có đề Tiến sĩ Ma Tướng Công (Ma Văn Lâm). Xây dựng vào lúc nào không rõ, chỉ đề Mậu Thìn niên. Tỉnh và huyện về nghiên cứu nhưng không được trả lời.

2. Người con của ngài thứ 2: Ma Văn Thung được biết ở Thừa Thiên (Huế) là vì có chú Ma Văn Giáp làm trợ lý ở Phủ Diên 1945 về nhận họ - vì điều kiện chưa cho phép đi tìm hiểu chú ạ.

3. Người  thứ 3: Ma Văn Mông được tin ở Tuyên Quang có chú: Ma Văn Vui trước đấy ở bộ đội chống Pháp có về nhận họ. Chú Ma Văn Đức - Phó Giám đốc xưởng chè Tuyên Quang đã về dự ngày giỗ tổ 12-2-1994.

Thôi tình hình tạm cung cấp để chú nghiên cứu giúp đỡ. Đề nghị chú nhờ Quốc Tử Giám (Văn Miếu) và bộ phận Hán Nôm giúp đỡ.

Khoảng 20 đến 25-2 Âm lịch tôi sẽ ra chú và tìm hiểu thêm để có gia sử chú ạ.

Kính chào

Ma Văn Hiệp.

Địa chỉ: xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An”

Kèm theo thư còn có 2 tấm ảnh chụp Lăng ông Tiến sĩ tổ họ Ma.

Đọc thư xong, ông toát cả mồ hôi. Tấm lòng tha thiết với huyết thống dòng tộc những người họ Ma ở Diễn Thịnh thật là tự nhiên, thiêng liêng và quý giá, không thể để nó rơi vào bẽ bàng được, nhưng phải xử lý thế nào đây? Suy nghĩ hồi lâu, ông thấy không gì hơn là phải thành thật.

 Ông vội viết thư trả lời ngay. Thư như sau:

“Hà Nội ngày 20-3-1996

Kính gửi anh Ma Văn Hiệp

Anh Hiệp kính mến.

Tôi đã nhận được thư anh. Rất cảm động trước tình cảm thân tộc tự nhiên, chân thành của anh, tôi càng bối rối. Vì thật tình là lỗi ở tôi, tôi đã vô tình tạo ra tình huống này. Số là tôi gốc không phải họ Ma. Đi kháng chiến, một lần nhận ơn cứu mệnh của một người họ Ma (ông Ma Văn Nho, Phó Chủ tịch huyện Bảo Thắng - Lao Cai) tôi kết nghĩa anh em và đổi sang họ ông.

Từ đó, tôi lấy luôn Ma Văn Kháng làm bút danh khi viết báo, viết văn.

Tôi vô cùng cảm ơn thịnh tình và sự chu đáo của anh và họ hàng ta. Việc này thực tình cũng là may mắn.  Vì biết được dòng họ ta có những trang sử đẹp như thế, tôi sẽ chuyển ngay tới anh Ma Văn Nho và con cháu anh hiện đang ở Hà Nội. Tôi cũng sẽ chuyển ngay hai bức ảnh anh đã gửi cho họ, anh nhé.

Cho tôi hỏi thăm gia đình và các cụ, các ông bà, anh chị, các cháu trong dòng họ. Có dịp tôi xin vào kính thăm.

Kính thư. Ma Văn Kháng”

 Thư gửi đi rồi, ông càng áy náy. Vì không hiểu, khi đọc thư, biết sự thật là như thế, bà con họ Ma trong đó sẽ nghĩ gì, sẽ có thái độ thế nào.  Sợ nhất là làm bẽ bàng, buồn tủi cho bà con. Rất may điều đó đã không xảy ra. Ông đã thở phào khi nhận được lá thư phúc đáp ngay sau đó đề ngày 2-4-1996 của Ma Văn Hiệp.

Thư cho biết, đã nhận được thư ông đúng ngày giỗ tổ, 12 tháng 2 âm, cả họ đều vui mừng. Tiếp đó thư viết:

“Tôi thay mặt dòng họ cảm ơn chú, mong chú khỏe. Và tôi xin lỗi đã làm phiền chú. Nhưng dù sao đi nữa chú cũng đã mang dòng họ Ma rồi”.

Nhưng dù sao đi nữa chú cũng đã mang dòng họ Ma rồi! Câu trả lời mới đẹp làm sao!   Và ông  hiểu, thế là từ nay ông  là người có hai họ, ông phải có trách nhiệm với cả dòng họ Ma, chứ không phải chỉ là với họ Đinh.

 Có ông thầy bói chuyên nghề chiết tự bảo: “Ông Đinh Trọng Đoàn đổi sang tên Ma Văn Kháng là hợp cách. Tên Đinh Trọng Đoàn có 2 chữ O,  rất yếu ớt. Còn tên Ma Văn Kháng, từ nào cũng có một chữ A, trông vững vàng một khối vững chắc như Kim tự tháp, biểu hiện sức tráng cường, oai vệ. Chẳng hiểu có đúng như thế không? Chỉ thấy rằng, cái tên Ma Văn Kháng in ở trang bìa những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông, như Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn, Côi cút giữa cảnh đời, Ngược dòng nước lũ, Một mình một ngựa… của ông, trông cũng vững vàng và bắt mắt thật!