Người lưu lại "ký ức thời gian" ở cái nôi nhiếp ảnh Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nói đến nhiếp ảnh, không thể không nhắc tới Lai Xá (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội). Những câu chuyện về nghề nhiếp ảnh ở Lai Xá như phác họa biểu tượng phòng chụp ảnh, ông tổ nghề nhiếp ảnh của làng, các hiệu ảnh, ảnh chân dung, nghệ thuật chiếu sáng - tất cả đều xưa cũ - được lưu truyền đến ngày nay thông qua Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. Những năm qua, ông Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá vẫn thầm lặng tình nguyện cống hiến hết lòng để gìn giữ và quảng bá cái nôi của nghề nhiếp ảnh Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Quản lý Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá

Ông Nguyễn Văn Thắng - Quản lý Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá

Lịch sử làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá

Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Làng có 5 xóm và có một phố dài chưa đầy 1km, mang tên phố Lai. Đây là làng nghề truyền thống lâu đời với trên 120 năm tuổi và được biết đến là cái nôi của nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam.

Theo lịch sử làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, cụ Đặng Huy Trứ là người đầu tiên du nhập nghề nhiếp ảnh vào Việt Nam sau một lần đi sứ sang Trung Quốc vào năm Ất Sửu (1865). Tại đây, do thích thú với nhiếp ảnh, ông đã thuê một người Hoa mua dụng cụ rồi học nhiếp ảnh. Về nước năm 1869, ông Trứ mở hiệu ảnh mang tên Cảm Hiếu Đường - hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam tại phố Thanh Hà (nay là phố Ngõ Gạch - Hà Nội). Tuy nhiên, Cảm Hiếu Đường chỉ tồn tại được 4 năm và phải đóng cửa vào năm 1873 bởi chiến tranh.

Phải đến năm 1890, cụ Nguyễn Đình Khánh (sinh năm Giáp Tuất 1874, người thôn Lai Xá) được người chú ruột đưa ra Hà Nội học nghề ảnh tại cửa hiệu Chu Dương của người Hoa thì nghề nhiếp ảnh Việt Nam kể từ lúc đó mới đứng trước cơ hội phát triển. Sau 2 năm theo học ở hiệu ảnh người Hoa, ông Khánh đã tìm tòi, học hỏi được những ngón nghề, kỹ thuật chụp ảnh, kỹ thuật “buồng tối” để mở hiệu ảnh Khánh Ký tại phố Hàng Da vào năm 1892 khi mới tròn 18 tuổi. Không chỉ mưu sinh bằng nghề ảnh, ông Nguyễn Đình Khánh đã về quê truyền nghề cho cả làng và được người dân Lai Xá suy tôn thành ông tổ làng nghề.

Từ đây, nghề nhiếp ảnh phát triển ra khắp Hà Nội và toàn cõi Việt Nam. Lai Xá cũng là làng nghề nhiếp ảnh truyền thống duy nhất ở Việt Nam. Khánh Ký trở thành một trong 4 danh nhân nhiếp ảnh có tên trong Bách khoa thư Việt Nam (gồm Đặng Huy Trứ, Khánh Ký, Võ An Ninh và Đinh Đăng Định).

Du khách tham quan Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá

Du khách tham quan Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá

Thầm lặng giữ gìn kỷ vật

Đúng vào dịp kỷ niệm 125 năm làng nghề (1892 - 2017), Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá được thành lập. Đây là bảo tàng đầu tiên do cộng đồng đầu tư xây dựng để trưng bày, giới thiệu về truyền thống của một làng nghề nhiếp ảnh với tổng diện tích trưng bày gần 300m2. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh, quản lý Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá cho biết: “Chúng tôi có ý định xây dựng bảo tàng từ năm 2006, nhưng khi đó còn nhiều ý định cần thực hiện trước như trường học, nhà truyền thống nên đến năm 2014 mới quyết định khởi công bảo tàng”.

Bất chấp cái lạnh dưới 10 độ C của Hà Nội, nhiều du khách vẫn đến đây tham quan, tìm hiểu về những kỷ vật nhiếp ảnh. Những hiện vật tại đây đều là đồ cổ, bây giờ muốn tìm kiếm không dễ. Để có những kỷ vật này, ông Thắng còn phải trực tiếp liên hệ và đến tận nhà từng người dân mong muốn được hiến tặng kỷ vật quý cho bảo tàng. Hành trình tìm kiếm tư liệu đã giúp ông đến được nhiều mảnh đất và gặp gỡ với những con người có chung niềm đam mê nhiếp ảnh.

Cuối tháng 2-2020, ông Nguyễn Văn Thắng đã gặp vợ chồng chủ hiệu ảnh Mỹ Lai ở TP.HCM để đón nhận 2 máy ảnh gỗ cổ mang về trưng bày tại bảo tàng. “Việc ủng hộ kỷ vật cho bảo tàng là một hoạt động hết sức ý nghĩa. Nhìn thấy mọi người tình nguyện ủng hộ, tôi cảm thấy rất mừng” - ông Thắng nói.

Giá trị của bảo tàng này cũng rất đa dạng và quý với khoảng 150 tấm ảnh, 25 pano bài viết dẫn dắt trưng bày; 15 tủ kính, bàn trưng bày với trên 100 hiện vật. Ông Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: Cũng nhờ các mối quan hệ rồi sau chúng tôi cũng được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội quan tâm giúp đỡ. Qua đó chúng tôi được quen biết một số công ty du lịch, được giao lưu với khách, đặc biệt là những người yêu nhiếp ảnh, những nhà nhiếp ảnh nổi tiếng, kể cả các giáo sư, tiến sĩ trong nước và nước ngoài, nhất là Mỹ, Pháp, Anh. Ở các nước châu Á có Singapore và Hàn Quốc đến tham quan. Chúng tôi tự hào vì góp phần vào nhiếp ảnh Việt Nam.

Suốt 3 năm cần mẫn, hoạt động hết mình vì bảo tàng nhiếp ảnh, ông Nguyễn Văn Thắng không quản ngại bất cứ công việc nào từ tìm kiếm tư liệu, hiện vật, trưng bày và giới thiệu cho khách du lịch, ông đều bắt tay cùng làm với mọi người, điểm đặc biệt ở ông, trong suốt thời gian hoạt động, không nhận một lợi ích nào cho riêng mình. “Tôi phụ trách làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá - Câu lạc bộ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh, hiện nay phụ trách thêm cả bảo tàng, tất cả đều là tự nguyện. Vì tình yêu nhiếp ảnh quê hương và mình muốn đóng góp. Bản thân tôi là người phụ trách chung nên mình phải có sự đam mê và tình yêu với nhiếp ảnh”.

Ông Nguyễn Ngọc Phúc, làng nghề Lai Xá, huyện Hoài Đức cho biết: “Ông Thắng là người rất đam mê nhiếp ảnh, lặn lội mò mẫm đêm hôm, chỗ nào cũng xông xáo cầm máy ghi lại những khoảnh khắc. Tôi phải thừa nhận ông có sự đam mê đặc biệt. Ở làng này không ai có được sự đam mê, cần mẫn và dám bỏ nhiều công sức như ông Thắng”. Ở tuổi ngoài 70, đáng lẽ ông Thắng phải được nghỉ ngơi và dành thời gian cho bản thân, gia đình, nhưng ông vẫn tiếp tục cống hiến thầm lặng cho Bảo tàng Nhiếp ảnh, và luôn nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình, với ông Thắng những việc làm của mình như một lời tri ân với tổ tiên, với quê hương đã nuôi mình khôn lớn.