“Người lớn cũng thích... rối!”

(ANTĐ) - Lần đầu tiên nghệ thuật rối nước Việt Nam đến với khán giả Phần Lan. Chuyến lưu diễn sẽ diễn ra vào mùa thu tới theo lời mời của Bộ ngoại giao Phần Lan và Nhà hát Hevosenkeka. Phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với bà Kirsi Aropaltio - Giám đốc Nghệ thuật Nhà hát Hevosenkeka, Phần Lan xung quanh sự kiện văn hóa đặc sắc này.

“Người lớn cũng thích... rối!”

(ANTĐ) - Lần đầu tiên nghệ thuật rối nước Việt Nam đến với khán giả Phần Lan. Chuyến lưu diễn sẽ diễn ra vào mùa thu tới theo lời mời của Bộ ngoại giao Phần Lan và Nhà hát Hevosenkeka. Phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với bà Kirsi Aropaltio - Giám đốc Nghệ thuật Nhà hát Hevosenkeka, Phần Lan xung quanh sự kiện văn hóa đặc sắc này.

- PV: Công chúng Phần Lan biết gì về loại hình nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam, thưa bà?

- Bà Kirsi Aropaltio: Quả thực rối nước Việt Nam là hình thức nghệ thuật dân gian độc đáo và nổi tiếng thế giới song vẫn còn rất mới lạ với người dân Phần Lan. Mặc dù ở đất nước chúng tôi có tới trên 200.000 hồ lớn, nhỏ khác nhau nhưng lại chưa hề biết tới loại hình rối nước.

Khán giả chủ yếu tiếp cận với 3 loại hình rối cạn là: rối dây, một nghệ sỹ biểu diễn nhiều con rối hoặc một nghệ sỹ điều khiển một con rối và đôi khi là “người đội lốt rối”. Cách đây vài ngày, tôi đã xem buổi trình diễn múa rối nước của các bạn và cảm thấy rất thích thú. Sự kết hợp hài hòa giữa âm thanh, ánh sáng, mặt nước với yếu tố hài hước của con rối tạo cảm giác thật vui vẻ và thoải mái!

- PV: Vậy việc đón tiếp đoàn nghệ thuật rối nước Việt Nam sang trình diễn của Nhà hát Hevosenkeka chắc hẳn sẽ có không ít bỡ ngỡ?

- Bà Kirsi Aropaltio: Điều đầu tiên chúng tôi băn khoăn là sân khấu trong nhà của Nhà hát không đủ sức chứa được 50 tấn nước để phục vụ tiết mục của các bạn. Bởi thế phương án biểu diễn ngoài trời được xem là khả thi nhất, vừa đủ không gian để các nghệ sỹ thỏa sức sáng tạo, vừa tạo điều kiện cho khán giả chiêm ngưỡng sự hòa quyện tuyệt vời giữa thiên nhiên và rối nước.

Sau khi tính toán quyết định chọn cuối tháng 8 - thời điểm ấm áp nhất trong năm để thực hiện chuyến lưu diễn này, chúng tôi lại e ngại nhiệt độ này vẫn chưa đủ để làm nước ấm lên. Rất may các nghệ sỹ Việt Nam cho biết họ sẽ chuẩn bị quần áo cao su và việc ngâm mình trong nước lạnh sẽ không ảnh hưởng nhiều đến màn trình diễn của họ.

Đoàn nghệ sỹ của Nhà hát múa rối Việt Nam sẽ biểu diễn từ 29-8 đến 2-9 tại Trung tâm Văn hóa Espoo ở Tapiola (Phần Lan) với 16 trò rối nước truyền thống đặc sắc: Tễu, múa rồng, múa lân, múa phượng, nông nghiệp, đánh bắt cá, đánh cáo bắt vịt, bát tiên, bát âm... Các nhạc công với những hình ảnh sống động cũng sẽ được sử dụng để minh họa cho các buổi trình diễn.

- PV: Các vở rối nước của Việt Nam sẽ chủ yếu phục vụ đối tượng nào, thưa bà?

- Bà Kirsi Aropaltio: ở Nhà hát Hevosenkeka, các tiết mục múa rối chủ yếu hướng đến đối tượng trẻ em từ 3-12 tuổi, chỉ có một đến hai vở diễn mỗi năm phục vụ cho người lớn và người cao tuổi.

Tuy nhiên đối với các vở rối nước lần này của các bạn, chúng tôi dự định sẽ mở cửa rộng rãi cho mọi đối tượng.

Theo đó, các buổi diễn sẽ được phân ra thành 3 buổi/ngày: buổi sáng dành cho các bé trong độ tuổi đi học, buổi chiều dành cho khán giả nào có nhu cầu xem, còn buổi tối dành cho tầng lớp thanh thiếu niên. Tôi tin không chỉ trẻ em mà cả người lớn sẽ thích xem màn trình diễn đặc sắc của các bạn.

Tiết mục “Đánh cáo bắt vịt” sẽ được trình diễn tại Phần Lan
Tiết mục “Đánh cáo bắt vịt” sẽ được trình diễn tại Phần Lan

- PV: Được biết song song với chuyến lưu diễn này còn có một hoạt động giao lưu học tập và trao đổi kinh nghiệm khác giữa nghệ thuật múa rối hai nước?

- Bà Kirsi Aropaltio: Đúng vậy, sẽ có một nhóm nghệ sỹ múa rối của Nhà hát múa rối Việt Nam gồm 11 người sẽ tham gia khóa đào tạo về nghệ thuật múa rối tại Phần Lan từ 25-8 đến 10-10. Đây cũng đồng thời là hoạt động hợp tác trao đổi văn hóa đầu tiên giữa hai Nhà hát. Hai bên sẽ cùng tập diễn với nhau, cùng suy nghĩ và đưa ra những ý tưởng giải pháp mới để phát triển nghệ thuật rối.

Sự hợp tác sẽ tạo ra thách thức mới để chúng ta cùng tìm ra những cái hay, cái đẹp. Đặc biệt, hoạt động này còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi nhóm nghệ sỹ này cũng sẽ giúp 3 nghệ sỹ Phần Lan hoàn tất việc dàn dựng tiết mục để sang biểu diễn tại đất nước các bạn vào năm 2009 theo lời mời của Đại sứ quán Việt Nam.

- PV: Sau chuyến lưu diễn này, bà có ý tưởng phát triển loại hình rối nước Việt Nam tại đất nước của mình không?

- Bà Kirsi Aropaltio: Có thể lắm chứ, đó là một ý tưởng rất hay mà tôi cũng đã nghĩ tới. Hiện Nhà hát Hevosenkeka đã có khá đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, có thể dựng một sân khấu nước nhỏ ngay trong Nhà hát, thậm chí trong khuôn viên xinh đẹp của mình còn có rất nhiều không gian có thể dành cho những dự án mới như xây dựng sân khấu rối nước.

Vậy nên tại sao lại không làm cơ chứ. Trước mắt nếu làm chúng tôi dự kiến sẽ biểu diễn một số vở rối nước với quy mô nhỏ cho các bé xem. Điều này chắc chắn sẽ giúp các em nhỏ Phần Lan hiểu biết rộng hơn về cuộc sống sinh hoạt của đất nước khác trên thế giới như thế nào.

Bích Hậu (Thực hiện)