Người lính Trường Sa lên sân khấu

ANTĐ - Sân khấu kịch phía Bắc vừa ghi nhận sự “chào đời” tiếp theo của vở kịch tiền tỷ “Vòng tay bất tử”, tác giả kịch bản: Lê Quý Hiền, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang do Nhà hát Kịch nói Quân đội dàn dựng. Vở kịch không chỉ khiến dư luận bất ngờ về khoản đầu tư khổng lồ mà còn đánh dấu vở kịch đầu tiên làm về những người lính hải quân Trường Sa.

Người lính biển không cô đơn bởi đất mẹ luôn bên cạnh để nối thành một vòng tay bất tử


Sân khấu kèm điện ảnh

“Vòng tay bất tử” có sự tập hợp của đủ mặt anh tài như nhạc sĩ Đức Trịnh, NSND Doãn Hoàng Giang, đạo diễn Phạm Việt Thanh. Thêm nữa, đã từ lâu, sân khấu phía Bắc thiếu những vở diễn được đầu tư kỹ lưỡng về mặt hậu kỳ. Trau chuốt đến từng chi tiết nhỏ. Ngay như ở phần giới thiệu, với các vở kịch khác, tên diễn viên chỉ “giản dị” được ghi trên tờ poster hoặc tờ rơi thì với vở kịch tiền tỷ này, êkíp làm việc đã chiếu trực tiếp hình ảnh gương mặt diễn viên lên màn hình cùng với lời minh họa tên nhân vật để khán giả tiện theo dõi. Đặc biệt, về ngôn ngữ biểu hiện, kịch có sự kết hợp của nghệ thuật sân khấu kịch nói và điện ảnh. Vì thế, khán giả tuy đi xem kịch nhưng thực ra còn được xem cả… phim. Các đoạn phim ngắn đã được chiếu xen kẽ nhằm truyền tải đến khán giả những nội dung nhất định.

Thế nhưng, cho dù tiêu tốn nhiều tiền vào việc dựng phim nhưng hiệu ứng nghệ thuật này lại được các nhà phê bình sân khấu không mấy tán đồng. Ngôn ngữ điện ảnh không thể khoả lấp và thay thế ngôn ngữ sân khấu vốn nhiều ước lệ. Phim chỉ được đưa vào kịch với điều kiện nhân vật xem phim để thể hiện tâm trạng chứ không phải để cả người xem và diễn viên đều ngồi yên… xem phim. Trong vở kịch này, đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã chọn cách làm thứ 2 và tất yếu của hiệu ứng này là làm công chúng có cảm giác vở diễn bị cắt rời, tạo ra những khoảng nghỉ ngơi không mong muốn. Trong khi đó, Vòng tay bất tử lại thể hiện một đề tài xuyên suốt về người lính Trường Sa.

Theo một số nhà phê bình, cách xử lý này chưa thật khéo và có thể khắc phục bằng việc tạo ra thêm những lớp cảnh khác ngay trên sân khấu để khán giả theo dõi một cách liền mạch. Đưa điện ảnh vào sấn khấu không phải là một cách làm mới và sân khấu Việt đã từng chứng kiến những vở kịch có lối dàn dựng như vậy. Ví như vở kịch “Đại đội trưởng của tôi” do nghệ sỹ Đình Quang làm đạo diễn đã sử dụng đoạn phim ngắn khi sư trưởng chuẩn bị kỷ luật con miêu tả về những ngày còn nhỏ 2 bố con đã từng chơi đùa với nhau. Ông đã rất đau khổ và đắn đo trước quyết định của mình, còn khán giả nhờ vào hiệu ứng nghệ thuật này mà hiểu hơn về nhân vật đang theo dõi.

Không cô đơn giữa muôn trùng sóng

Mới thoạt nghe vở kịch nói về những người lính Trường Sa, khán giả đều có cảm giác vở diễn sẽ nặng nề với phong cách nghệ thuật chính luận. Thế nhưng, khi đến với rạp hát, khán giả đã nghĩ lại. Người lính ở nơi hải đảo xa xôi ấy vẫn tạo ra cho mình niềm vui cuộc sống và khán giả đã không thể không cười khi hoà mình cùng không khí vui nhộn của những anh lính trẻ. Và cũng đã phải lén lau nước mắt trước những nỗi hy sinh và gian khổ của người lính Trường Sa. Sự hy sinh đó đã trở thành bất tử bởi đổi lại là niềm hạnh phúc và sự bình yên ở nơi đất liền... Càng về cuối cái “mác” tiền tỷ của vở diễn đã không còn được khán giả quan tâm bởi đọng lại trong lòng công chúng là chất trữ tình và vui tươi về tình yêu với biển cả của những người lính biển. Họ không bao giờ cô đơn giữa muôn trùng sóng gió bởi đất mẹ luôn bên cạnh để nối thành một vòng tay bất tử.  Vở diễn ra mắt nhằm kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển và hiện đang được Nhà hát kịch quân đội lưu diễn tại nhiều sân khấu trên toàn quốc.