Người lính luôn thấm nhuần trong trái tim "Tổ quốc gọi, chúng tôi lên đường"

ANTD.VN - Đại tá - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện 354 cho rằng, là người lính, ai cũng hiểu rằng “Tổ quốc gọi chúng tôi lên đường” trong bất kỳ tình huống, nhiệm vụ nào cũng sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện 354

Hướng tới kỷ niệm kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019), phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với Đại tá - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện 354.

-PV: Ông nhìn nhận như thế nào về hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong thời đại hôm nay?

- Đại tá Nguyễn Tiến Dũng: Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong suốt các cuộc kháng chiến giữ nước, chống quân xâm lược giành độc lập cho đất nước đều rất đẹp. Những anh giải phóng quân, anh bộ đội Cụ Hồ luôn hiên ngang bất khuất, là chỗ dựa cho nhân dân, đồng bào cả nước.

Bước vào thời bình, những anh bộ đội Cụ Hồ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện để giữ vững được phẩm chất mà Đảng, Bác Hồ đã dạy, rèn giũa trở thành người lính trong quân đội cách mạng chính quy, là biểu tượng cho ý chí, lòng yêu nước, nguyện hy sinh dâng hiến máu xương, trái tim, nhiệt huyết, trí tuệ, tuổi trẻ cống hiến xây dựng Tổ quốc!

- Trách nhiệm và vai trò của người lính thời bình là gì thưa ông?

- Ngày xưa, các cụ đã có câu “Thời loạn nhớ đọc sách, thời bình phải nhớ mài gươm”. Có nghĩa là chính trong thời bình, người lính cũng luôn phải xác định nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của mình.

Là người lính, chúng tôi hiểu rằng “Tổ quốc gọi chúng tôi lên đường” trong bất kỳ tình huống, nhiệm vụ nào cũng sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Cái này không nói bằng khẩu hiệu, bằng lời mà phải được thấm nhuần vào trái tim, trí óc của mỗi người lính và bằng công việc hàng ngày.

Nhân dân ta đều yêu nước, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc. Những người lính - lực lượng trực tiếp nhận lấy nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc phải thấm nhuần sâu sắc tư tưởng ấy.

Trong thời bình, người lính có điều kiện để thể hiện rất nhiều vai trò của mình. Nhiều việc có thể làm ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu! Đó có thể là tiên phong trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học hay nghệ thuật… Như ở đơn vị chúng tôi- Bệnh viện 354, những người lính trong màu áo bờ-lu trắng luôn không ngừng học tập, trau dồi kiến thức y khoa, đào tạo chuyên môn, hậu cần vững mạnh, cải tiến kỹ thuật tiên phong trong lĩnh vực y học, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bộ đội và cả người dân.

- Phải chăng người lính thời bình không được đứng ngoài sự phát triển kinh tế đất nước?

- Thực tế khách quan là sự chứng minh rõ nét nhất. Có thể nói Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) từ khi mới ra đời, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu, làm công tác vận động quần chúng, đã tranh thủ tham gia sản xuất.

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, hàng trăm nông trường, công trường ở những vùng xa xôi, gian khó nhất của Tổ quốc đã được ra đời nhờ bàn tay, khối óc của Bộ đội Cụ Hồ. 

Sau ngày đất nước thống nhất, lực lượng quân đội làm kinh tế được tổ chức lại chặt chẽ và khoa học hơn, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, được sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, các đơn vị quân đội xây dựng kinh tế đã có mặt tại những công trình lớn của đất nước như khôi phục đường sắt Thống Nhất, xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhiệt điện Phả Lại, Thủy điện Trị An, đường điện 500KV Bắc - Nam, các công trình dầu khí…

Việc “khai sơn phá thạch” xây dựng các vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ… cũng được giao cho bộ đội. Đặc biệt trong chục năm trở lại đây, quân đội đã phát huy tốt vai trò nòng cốt xây dựng hệ thống các bệnh viện nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, góp phần tô thắm hình ảnh “Người thầy thuốc Quân y-Bộ đội Cụ Hồ”.

- Xin cảm ơn ông!