- Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2025): Tôn vinh chiến thắng và giá trị hòa bình, hợp tác và phát triển
- Nhiều lãnh đạo, đại biểu quốc tế sẽ dự Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Người chiến sỹ Công an Hà Nội giấu gia đình đăng ký đi chi viện chiến trường miền Nam đã hy sinh anh dũng khi vừa nhận quyết định Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, kiêm Trưởng phân khu 23…
![]() |
Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền - Phó Giám đốc CATP Hà Nội và đoàn công tác CATP thăm hỏi, tặng quà gia đình Liệt sĩ Nguyễn Thái Lang nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước |
Giấu gia đình ra trận
Liệt sỹ Nguyễn Thái Lang (tên thật là Nguyễn Tài Dạ) quê ở Quảng Ngãi. Ông theo cách mạng và tham gia lực lượng an ninh, sau đó cùng bà Nguyễn Thị Tý (du kích Ba Tơ) nên duyên chồng vợ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, ông cùng gia đình tập kết ra Bắc, rồi lần lượt được giao trọng trách chỉ huy lực lượng cứu hỏa, Trưởng Công an quận Hàng Cỏ, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm.
Năm 1959, chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành luật 10/59 biến nửa nước Việt thành nhà tù, trại giam, trại tập trung, cách mạng miền Nam bị dìm trong biển máu. Trước tình thế này, Đảng có Nghị quyết Trung ương 15, chủ trương chuyển cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Nghị quyết 15 đã làm dấy lên cao trào Đồng khởi (1959-1960), xoay chuyển tình thế cách mạng miền Nam, mở đầu những thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cách mạng miền Nam lúc này rất cần cán bộ vì trước đó để thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, Đảng chủ trương đưa hết cán bộ tập kết ra Bắc đào tạo bồi dưỡng, sau này về xây dựng quê hương.
Người Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm khi đó, sau 6 năm tập kết đã có thêm 3 đứa con, đứa nhỏ nhất mới chỉ 3 tháng tuổi, sau nhiều đêm trăn trở quyết định tình nguyện tham gia chi viện chiến trường miền Nam. Ông giấu cả vợ mình - người phụ nữ cùng chung chiến hào năm nào ở Quảng Ngãi, giờ là đồng đội ở Công an quận Hoàn Kiếm - lặng lẽ tham gia khóa huấn luyện ở trường C500 (nay là Học viện An ninh nhân dân). Đêm cuối cùng ở nhà, ông mới nói: “Ngày mai anh lên đường vào Nam chiến đấu, em ở nhà cố gắng nuôi dạy các con và công tác tốt”. Bất ngờ, hụt hẫng, chống chếnh, nhưng bản lĩnh của một chiến sỹ công an đã khiến bà Nguyễn Thị Tý nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt, nhưng bà nắm chặt tay ông: “Anh cứ an lòng đi làm nhiệm vụ, không phải lo gì cho mẹ con em”. Không ai ngờ, đó là cái nắm tay cuối cùng của ông bà. Ông đi biền biệt hơn 10 năm không về thăm nhà dù chỉ một lần. Cuối cùng, tờ giấy báo tử đến với gia đình như một lưỡi dao sắc nhọn cứa vào tim người ở lại.
![]() |
Bức ảnh chụp gia đình Liệt sỹ Nguyễn Thái Lang trước ngày ông đi B (Liệt sỹ cao nhất đứng hàng sau. Đại tá Nguyễn Minh Nguyệt là người nhỏ nhất đứng giữa hàng trước) |
Trở về sau 30 năm
Ngôi nhà số 46 phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm trông bình thường như bao ngôi nhà khác ở khu phố cổ Hà Nội. Cánh cửa xếp hoen màu thời gian, sàn nhà lát gạch hoa từ những năm 80 của thế kỷ trước, đó là chốn đi về của các con liệt sỹ Nguyễn Thái Lang. Bước vào phòng khách nằm trên tầng 2, một không gian cổ xưa, tấm bằng Tổ quốc ghi công Liệt sỹ Công an nhân dân Nguyễn Thái Lang (Nguyễn Tài Dạ) được treo chính diện. Đại tá Nguyễn Minh Nguyệt - nguyên Trưởng phòng Hồ sơ nghiệp vụ CATP Hà Nội là con thứ 4 của liệt sỹ đang lặng lẽ lau tấm ảnh chụp gia đình chị trước ngày cha lên đường vào Nam chiến đấu. Chị kể, khi ba đi chị mới 3 tuổi, không biết gì về chuyện chia xa. Những câu chuyện về ba khi còn công tác ở miền Bắc rồi vào Nam chiến đấu chị chỉ được nghe kể lại khi lớn.
Ngày chiến thắng 30-4-1975, non sông nối liền một dải, Hà Nội ngập cờ hoa, chị và gia đình mừng vui khôn xiết với niềm vui chung của dân tộc. Vậy là chiến tranh kết thúc, chị có thể gặp cha sau nhiều năm xa cách. Nhưng rồi chờ mãi, chờ mãi, điều bình thường ấy… không đến. Mẹ chị quyết định gửi các con cho đồng nghiệp chăm sóc, một mình lặn lội vào miền Nam hỏi thăm tin tức của chồng. Chuyến đi ấy, bà trở về với nỗi đau xé tâm can vì chồng đã hy sinh từ năm 1972 tại vùng ven đô TP.HCM.
Ông là cán bộ cốt cán ở Ban An ninh T4, lấy bí danh là Tám Phong (tên người con trai đầu và ông là người con thứ 8 trong gia đình), Tám Thắng để hoạt động. Vóc dáng thư sinh, cao ráo, điển trai, ông được tổ chức phân công hoạt động bí mật trong thành. Người Trưởng Công an quận luôn nỗ lực hết mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, sau đó được phân công làm Bí thư Huyện ủy Bình Chánh kiêm Trưởng phân khu 23. Đại tá Trần Thanh Phụng (tức Út, là giao liên của Liệt sỹ Nguyễn Thái Lang, sau này giữ chức Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An) kể lại, sau khi nhận quyết định làm Bí thư Huyện ủy, đồng chí Nguyễn Thái Lang trở về huyện Bình Chánh để thực hiện nhiệm vụ. Tổ chức khi đó cử một đồng chí giao liên khác biết bơi đi theo để “hộ tống”. Trên đường đi, cả hai đồng chí đã sa vào ổ phục kích của địch và anh dũng hy sinh.
Đại tá Nguyễn Minh Nguyệt kể, khi cha chị hy sinh, địch phán đoán có thể đây là cán bộ cốt cán của Việt Cộng vì ông có nước da trắng, do đó chúng treo thi thể lên, tuyên bố trao thưởng cho ai biết lai lịch người cán bộ này. Không xác định được nhân thân của Nguyễn Thái Lang, cuối cùng chúng bỏ mặc và người dân địa phương đã mang ông về vùi giấu dưới cát cạnh bờ sông… Suốt nhiều năm, bà Nguyễn Thị Tý đã đau đáu đi tìm hài cốt của chồng. Nhưng rồi bà gặp tai nạn bất ngờ và ra đi khi tâm nguyện chưa thành hiện thực. Các con của nữ chiến sỹ du kích Ba Tơ năm nào lại tiếp tục hành trình của mẹ và 1 năm sau ngày bà Nguyễn Thị Tý qua đời thì Liệt sỹ Nguyễn Thái Lang đã được tìm thấy. Gần 40 năm tạm biệt Thủ đô, 27 nằm lại huyện Bình Chánh (TP.HCM), cuối cùng ông bà đã được ở bên nhau tại nghĩa trang xã Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Năm 2010, công trình Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ Công an Hà Nội tại địa chỉ 67 phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm sau 4 tháng thi công đã được khánh thành. Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh (khi đó là Giám đốc CATP Hà Nội) đã nói với Đại tá Nguyễn Minh Nguyệt - đại diện thân nhân liệt sỹ dự buổi lễ: “Ban Giám đốc đã “thỉnh” hơn 300 chiến sỹ Công an Hà Nội ngã xuống trên khắp mọi miền của Tổ quốc về đây. Cha đồng chí cũng đã về đây và đang nhìn chúng ta đó”. Câu nói của người đứng đầu CATP khiến Đại tá Nguyễn Minh Nguyệt “nổi da gà”. Chị nén nỗi xúc động, thay mặt cho thân nhân liệt sỹ Công an Thủ đô bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đối với Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP vì nghĩa cử cao đẹp này. Bài phát biểu của chị khiến nhiều người khóc. Ngước lên bầu trời xanh hòa bình, chị thầm gọi “cha ơi” và trong khoảnh khắc ấy, dường như cha chị đang dang rộng đôi tay, ôm chị vào lòng…
![]() |
Đại tá Nguyễn Minh Nguyệt lau tấm ảnh gia đình đặc biệt |
Tiếp bước cha anh
Cha lên đường vào Nam chiến đấu, mẹ con Đại tá Nguyễn Minh Nguyệt sống trong sự đùm bọc, tình yêu thương của cán bộ, chiến sỹ Công an quận Hoàn Kiếm. Gia đình chị được bố trí sinh hoạt tại một căn phòng nhỏ ngay trong trụ sở đơn vị. Năm 1975, khi đất nước thống nhất, Công an quận có chủ trương đưa các gia đình cán bộ ra sinh hoạt bên ngoài trụ sở. Đại tá Nguyễn Minh Nguyệt kể lại: “Bố mẹ vốn là cán bộ tập kết nên tôi cùng anh trai Nguyễn Thu Phong được bố trí học tập tại trường nuôi dạy con em cán bộ miền Nam. Nếu không có tấm ảnh gia đình chụp trước ngày cha lên đường đi B thì có lẽ ký ức của tôi về cha rất mờ nhạt”. Nhưng chính chị chia sẻ, dẫu vậy, cha cũng là người có ảnh hưởng đến suy nghĩ trở thành cán bộ công an của chị và các anh em trong gia đình.
Tốt nghiệp lớp 10, chị Minh Nguyệt là người đầu tiên trong gia đình thi Đại học Cảnh sát (nay là Học viện Cảnh sát nhân dân), trở thành sinh viên khóa đầu tiên của trường. Kế đó là cậu út theo chân chị thi Đại học An ninh (nay là Học viện An ninh nhân dân). Chị cả Nguyễn Kim Loan học Đại học Ngoại ngữ, sau đó được gửi đi đào tạo ở nước ngoài. Về nước, chị Kim Loan xin được phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân rồi trở thành Đại tá, Trưởng phòng của một Cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an. Tiếp đó, người con trai Nguyễn Thu Phong tốt nghiệp Đại học Bách khoa và cũng công tác tại Tổng cục An ninh, khi về hưu giữ quân hàm Đại tá. Người con út và con gái thứ 2 của Liệt sỹ Nguyễn Thái Lang đều công tác tại Công an Hà Nội. Không chỉ 5 người con mà sau này 2 người con rể, 1 người con dâu của gia đình cũng nhận nhiệm vụ tại Bộ Công an và Công an Hà Nội. “Gia đình tôi luôn tự hào vì đến thế hệ thứ 3 vẫn có 2 người đang phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân” - Đại tá Nguyễn Minh Nguyệt chia sẻ.
Tự hào về người cha, người ông, các thành viên trong gia đình Đại tá Nguyễn Minh Nguyệt luôn nỗ lực trong học tập, công tác. Năm 1980, tốt nghiệp khóa I Đại học Cảnh sát, học viên Nguyễn Minh Nguyệt được phân công về Phòng Kỹ thuật hình sự (CATP Hà Nội) với nhiệm vụ giám định tàng thư vân tay. Năm 1988, Phòng Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát ra đời, chị được điều động về đơn vị mới, sau đó được bổ nhiệm chức danh Đội trưởng. Qua quá trình phấn đấu với nhiều sáng kiến, ý tưởng táo bạo, vững vàng về nghiệp vụ, chị được bổ nhiệm Phó phòng rồi Trưởng phòng. Đại tá Nguyễn Minh Nguyệt đã có 21 năm làm Trưởng phòng Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát, là nữ chỉ huy duy nhất trong số các trưởng đơn vị nghiệp vụ thuộc CATP. Xa gia đình từ nhỏ, chị bảo: “Cả cuộc đời tôi chỉ được sống với mẹ khoảng 5 năm, sau đó là đi học biền biệt nên đã tạo cho tôi bản lĩnh và tính độc lập”.
Đi qua những nỗi đau riêng, Đại tá Nguyễn Minh Nguyệt luôn đồng cảm với cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị, tạo điều kiện cho chị em phấn đấu. Chỉ huy một đơn vị đông chiến sỹ nữ với người khác sẽ rất khó khăn, nhưng với quan điểm của chị, đó chính là gia đình. Chị kể, trong một lần đồng chí Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ (Bộ Công an) về kiểm tra Phòng Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát của CATP Hà Nội, ông nói: “Chúng tôi không kiểm tra hồ sơ mà kiểm tra sự nắm bắt của Trưởng phòng về từng cá nhân trong đơn vị”. Thế là chị đọc vanh vách lý lịch của từng cán bộ, chiến sỹ, khiến đồng chí Cục trưởng vô cùng ngạc nhiên. Ông bảo, chỉ huy mà nắm rõ lính như thế thì công việc chuyên môn không cần phải hỏi, vì sẽ chẳng có gì “thoát” được người tinh thông đến từng việc chi ly như vậy.
Đất nước thống nhất đã 50 năm, để có được ngày vui này, biết bao thế hệ đã anh dũng chiến đấu, đánh đổi cả máu xương của mình, trong đó có những cán bộ Công an Hà Nội chi viện chiến trường miền Nam như Liệt sỹ Nguyễn Thái Lang. Trong vòng tay yêu thương của gia đình, của lực lượng Công an nhân dân, những lá thư, những kỷ vật của liệt sỹ đã nuôi dưỡng thế hệ sau trưởng thành để tiếp bước con đường mà cha anh đã vì Tổ quốc mà hy sinh, “Vì nhân dân phục vụ”.
Pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên - kíp xe tăng 390 húc đổ cổng dinh Độc lập: Vinh dự được lịch sử lựa chọn
![]() |
“Tôi và đồng đội là những người may mắn, được lịch sử ưu ái chọn là chiếc xe tăng đầu tiên húc tung cánh cổng dinh Độc Lập. Hình ảnh này đại diện cho sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, đại diện cho khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Tôi không bao giờ quên được giây phút xe tăng ta tiến vào dinh Độc Lập, chứng kiến lá cờ của Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay phấp phới trên nóc dinh. Từ đây, non sông đất nước nối liền một dải, chấm dứt 21 năm kháng chiến chống Mỹ. Hình ảnh đường phố Sài Gòn rực rỡ cờ hoa, những đoàn người hò reo chào mừng bộ đội ngày đó luôn in đậm trong tâm trí tôi.
Tôi và các đồng đội trên chiếc xe tăng 390 mỗi người một quê, nhưng chúng tôi đã có thể giỗ cùng một ngày. Trải qua nhiều trận chiến đấu ác liệt, 50 năm qua chúng tôi luôn vui buồn có nhau, gắn bó khăng khít dù trong thời chiến hay thời bình. Tiếc là đồng chí Lê Văn Phượng - pháo thủ số 2 của chúng tôi trên chiếc xe tăng năm ấy - đã không còn nữa. Anh mất năm 2016, trước dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, để lại trong chúng tôi một khoảng trống hẫng hụt”.
Đạo diễn Phạm Việt Tùng: May mắn được chứng kiến thời điểm Sài Gòn giải phóng
![]() |
“Năm 1975, cả Đài Tiếng nói Việt Nam có 3 đoàn phóng viên, biên tập viên vào miền Nam. Tôi đi với anh Huỳnh Văn Tiểng - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam theo Quốc lộ 1 vào Nam. Lúc ấy, chúng tôi đi mà không biết ngày về, nhưng ai cũng tự hào “mình là con cháu Cụ Hồ”, đã quyết tâm đi thì phải làm được một cái gì đó. Chúng tôi đi ngày đi đêm, vì địch đã đánh phá ác liệt, không còn ngôi nhà nào trên mặt đất nên chúng tôi phải ngủ hầm. Nhiệm vụ của chúng tôi là ghi lại hình ảnh, sự thật. Theo bước chân của đoàn quân giải phóng, chúng tôi đến dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. Tôi xúc động vô cùng vì lúc đó đã nghĩ, cha ông mình đóng góp bao sức lực cho cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, biết bao lớp người đã hy sinh mà chưa kịp thấy độc lập, tự do, vậy mà tôi đã được chạm vào hạnh phúc đó. Tôi được chứng kiến sự kiện lịch sử oanh liệt của dân tộc: Miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Chúng tôi sung sướng lắm vì biết đời con cháu mình không phải khổ nữa, các cháu sẽ được học hành mà không còn bom đạn giặc. Trong thời khắc lịch sử đó, người dân hai miền Nam - Bắc ôm chầm lấy nhau. Có người cười nhưng cũng có người khóc. Đặc biệt, trên gương mặt những sinh viên Sài Gòn - Gia Định ánh lên niềm sung sướng, tự hào. Những cảm xúc đó được gói gọn trong những thước phim tôi thực hiện. Lúc đó, để quay được những thước phim có màu rất khó và đắt tiền. Tuy nhiên, tôi được tài trợ để quay và đến bây giờ những thước phim có màu đó vẫn rất đẹp, không bị bạc màu. Không khí ở dinh Độc lập trưa 30-4-1975 cũng khác lắm, người dân trong Sài Gòn ùa ra, vui sướng. Họ muốn xem gương mặt của những anh Bộ đội Cụ Hồ”.
Thanh Xuân (Ghi)