Người lính hình sự và những chuyên án "nóng"

ANTĐ - “Bảo vệ bình yên và mang lại hạnh phúc cho nhân dân” - đó là lý do khiến quyết tâm của Đại úy Nguyễn Thành Hưng, Phó Đội trưởng Đội trinh sát, Phòng phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an trở thành một người lính cảnh sát hình sự. Đại úy Nguyễn Thành Hưng đã “mang” nguyên mong muốn ấy đến với Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. khi được hỏi để nói về bản thân mình, anh rất khiêm tốn và không coi thành tích đã đạt được là chiến công, mà chỉ đơn giản chỉ là những nhiệm vụ cần phải hoàn thành. 

Người lính hình sự và những chuyên án "nóng" ảnh 1
TỪ CÂU CHUYỆN VÀ LỜI DẶN CỦA BỐ

Chiều ngày 6-12-2015, không khí Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam như lắng lại, nhiều đại biểu đã xúc động rơi nước mắt khi tham dự chương trình Giao lưu với chủ đề “Quạt cho phong trào lớn mạnh”. Trong số những gương mặt điển hình thi đua yêu nước, Đại úy Nguyễn Thành Hưng - một trong những đại diện tiêu biểu của lực lượng Công an nhân dân giao lưu tại Đại hội đã gây ấn tượng mạnh bởi vẻ mặt cương nghị, tác phong rắn rỏi. Qua câu chuyện của anh, sự bản lĩnh, gan dạ, mưu trí, sáng tạo trong phá án càng được đặc tả rõ nét. Vì muốn nghe thêm những câu chuyện “đánh” án của người lính cảnh sát hình sự này và để thấm thía hết những hy sinh mà anh và đồng đội đã trải qua để giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân, tôi đã đến Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an tìm gặp anh. 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố từng gắn bó với lực lượng cảnh sát hình sự hơn 20 năm, đây chính là nền tảng để Nguyễn Thành Hưng luôn mang trong mình một niềm tự hào, ngưỡng mộ và yêu thích công việc mà mình đang theo đuổi. Nhưng theo anh, để có được những giá trị đầu tiên của ngày hôm nay lại được bắt nguồn tự sự nghiêm khắc của bố - “Chị em chúng tôi được bố “huấn luyện” rất khắt khe từ ăn-ngủ-nghỉ-học-chơi đều phải có tính kỷ luật. Tôi gặp bố không nhiều vì công việc của bố phải vậy, thường xuyên xa nhà, nhưng cứ kỷ luật bố đưa ra mà áp dụng trong cuộc sống thường nhật. Mỗi lần trở về, công việc của bố lại được tái hiện trong những câu chuyện mà ở đó tuy khó khăn, vất vả nhưng cũng đầy niềm tự hào của người lính hình sự”, Đại úy Nguyễn Thành Hưng tâm sự.

Thế rồi quay ngoắt một cái, cũng chuẩn bị sang năm thứ 16 Đại úy Nguyễn Thành Hưng vinh dự đứng trong hàng ngũ của lực lượng Công an nhân dân, lại là người lính cảnh sát hình sự như mong muốn thuở nhỏ. Đại úy Nguyễn Thành Hưng kể, bố tôi nói rằng đã quyết gắn bó với cái nghề này thì phải xác định rõ ràng rằng luôn phải đối mặt với tội phạm, đối mặt với cái ác để gìn giữ, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, dù khó khăn, gian khổ, hy sinh đến nhường nào cũng phải vững vàng vượt qua, không để hổ thẹn với lực lượng, với truyền thống gia đình bao năm vun đắp. Cứ như vậy mà tôi bước đi, từ việc nhỏ đến việc lớn, theo lời dặn của bố mà sống và làm việc. 

…ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CHUYÊN ÁN

Xã hội ngày càng phát triển, tội phạm ngày càng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và rất manh động khiến cho những người chiến sỹ công an, trong đó có người lính hình sự phải trực tiếp đối mặt với hiểm nguy, với những cuộc chiến sinh tử. Đại úy Nguyễn Thành Hưng cũng đã bước qua những thời khắc như vậy khi đã tham gia hơn 20 chuyên án lớn, đấu tranh với hàng trăm đối tượng hình sự, trong đó có không ít đối tượng giang hồ manh động, có vũ khí “nóng”. Anh cho biết người lính hình sự là những người “giàu” tình yêu với nghề và “đặc sản” giữ làm kỷ niệm hay để kể lại chắc chỉ là những vụ án. Khi hỏi Đại úy Nguyễn Thành Hưng rằng vụ án nào khiến anh nhớ nhất thì được đáp lại: “Thật sự là khó để trả lời vụ việc nào là nhớ nhất bởi “đánh” nhiều vụ án quá, mà lúc làm chỉ nghĩ làm sao cho hiệu quả, sớm đưa đối tượng ra xử lý trước pháp luật mà thôi”. 

Trước khi chuyển công tác về Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, Đại úy Nguyễn Thành Hưng đã có quãng thời gian 11 năm công tác tại Đội Cảnh sát hình sự, CAH Đông Anh, Công an TP Hà Nội. “…Chuyên án 0214.VK để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất bởi đó là chuyên án đấu tranh với trùm buôn bán vũ khí Lý Mạnh Lực (SN 1976), ở bản Bãi Nát, xã Tam Tiến, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Thời điểm đó tôi mới chuyển công tác về Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an nên không tránh khỏi nhưng bỡ ngỡ dù đã có nhiều năm làm cảnh sát hình sự. Chuyên án lớn, yêu cầu cao, cũng vì thế áp lực đè nặng với suy nghĩ mình có làm tốt được hay không (?!) Rồi phải nhanh chóng gạt suy nghĩ đó ngay, lấy lại sự tự tin để bắt tay vào phá án nhanh nhất có thể.

Ngày 28-1-2014, tôi nhận được nguồn tin cung cấp về đối tượng Lý Mạnh Lực có biểu hiện hoạt động tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng. Sau khi báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, tôi đã trực tiếp tiến hành thâm nhập vào băng nhóm tội phạm này. Qua kiểm tra, xác minh nguồn tin xác định Lực là đối tượng chuyên mua bán vũ khí, nằm trong đường dây của đối tượng Cường “tóc dài” ở Thái Nguyên. Các loại súng mà đối tượng này giao bán đều thuộc dạng súng quân dụng như súng tiểu liên PPS-43, súng AK, lựu đạn…

Sau một thời gian mật phục, vào hồi 3h30’ ngày 21-2-2014, tôi cùng tổ công tác phát hiện Lý Mạnh Lực cùng 3 đối tượng khác đang vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ trên chiếc xe ôtô taxi di chuyển trên tuyến đường thuộc địa bàn xã Vân Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Khi các đối tượng đi đến trục đường thuộc địa bàn thôn Cổ Châu, xã Vân Hà, tổ công tác đã tiến hành bắt giữ 4 đối tượng thu giữ 3 khẩu súng, 1 vỏ hộp tiếp đạn, 1 số loại đạn cùng các đồ vật liên quan. Mở rộng điều tra, Cục Cảnh sát Hình sự đã ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối tượng Nguyễn Thái Việt (SN 1958, tên tường gọi là Cường “tóc dài”), ở tổ 8, thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên thu giữ thêm 4 súng dài, 2 súng ngắn, 10 báng súng, 1 máy tiện nòng súng, 2 quả lựu đạn và hơn 200 viên đạn các loại”…  

Gần đây nhất, ngày 2-7-2015, trên địa bàn khu C5 Cành Tạ, bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An xảy ra vụ án giết người gây chấn động dư luận. Nạn nhân gồm 4 người là bà Viêng Thị Dương (SN 1952), anh Lo Văn Thọ (SN 1987), chị Lê Thị Yến (SN 1989) và cháu Lo Việt Chung (SN 2014). Đại úy Nguyễn Thành Hưng kể lại: “Hiện trường vụ án nằm trong khu vực rừng núi, đi lại vô cùng khó khăn, tổ công tác đã phải trực tiếp đến từng hộ dân trong khu vực C5 Dọt Det, C5 Cành Tạ, C5 Tằng Chớ, C5 Bản Nóng thuộc Bản Phồng để rà soát, kiểm tra từng đối tượng, xác minh từng chi tiết nhỏ nhất để “dựng” các đối tượng hiềm nghi của vụ án.

Đến 16h30’ ngày 19-7-2015, tổ công tác đã xác định được đối tượng Vi Văn Hai (SN 1995, tên gọi khác là Mặn), ở C5 Dọt Det - cách hiện trường vụ án khoảng 20 phút đi bộ - là đối tượng có nhiều biểu hiện nghi vấn. Sau khi bị triệu tập, qua quá trình đấu tranh khai thác, Vi Văn Hai đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Trong chuyên án này, địa bàn điều tra là một huyện miền núi rộng lớn nằm ở phía Tây tỉnh Nghệ An, địa điểm xảy ra vụ án lại cách trung tâm bản Phồng hơn 5km, tuy nhiên với ý chí, tinh thần quyết tâm cao trong việc điều tra tìm ra hung thủ của vụ án, xử lý nghiêm minh trước pháp luật và trấn an dư luận quần chúng nhân dân.

Bản thân tôi cùng tổ công tác do đồng chí Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến - Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, trong nhiều ngày liền đi bộ qua nhiều quả đồi, lội qua nhiều con suối để có thể tiếp cận, nghiên cứu tỉ mỉ hiện trường vụ án cũng như thu thập các lời khai nhân chứng, đặc biệt là phát động phong trào quần chúng nhân dân tố giác tội phạm”. 

PHÍA SAU NHỮNG CHIẾN CÔNG

Nhiều năm trong nghề, tham gia khám phá hàng chục chuyên án, bắt giữ hàng trăm đối tượng hình sự, trong đó có những đối tượng đặc biệt nguy hiểm - chiến công đấy, nhưng không phải ai cũng biết để có được nó trong quá trình công tác Đại úy Nguyễn Thành Hưng đã từng phải điều trị phơi nhiễm HIV.

Không muốn gợi lại bởi khi tâm sự với chúng tôi về kỷ niệm phá vụ án sát hại 4 người trong một gia đình tại bản Phồng, sự rắn rỏi, bản lĩnh của Đại úy Nguyễn Thành Hưng một lần nữa được thể hiện qua lời khẳng định: “Đó không phải là chiến công, mà là hoàn thành nhiệm vụ” như lời Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát vẫn căn dặn các anh, để rồi tâm thế thật nhẹ nhõm, vững tâm tham gia đấu tranh với những chuyên án mới. “Từ nhỏ tôi đã hy vọng có thể góp sức nhỏ bé của mình đối với lực lượng Công an nhân dân. Là trinh sát hình sự, công việc của tôi và đồng đội là đấu tranh với các băng nhóm, tổ chức tội phạm xã hội đen. Chính vì vậy tôi luôn giữ một tâm thế sẵn sàng đối diện với những vụ trọng án, đối mặt với tội phạm, với mọi khó khăn, nguy hiểm. Tôi thường xuyên phải giữ bí mật và công tác độc lập, những lúc đó tôi không mang theo điện thoại và đồ dùng các nhân, cuộc sống của mỗi chiến sỹ cảnh sát hình sự như của một con người khác hoàn toàn. Trong quá trình đấu tranh với tội phạm nếu không khéo léo xử lý các tình huống sẽ làm ảnh hưởng đến tính mạng của đồng đội và cả chính bản thân mình”, Đại úy Nguyễn Thành Hưng tâm sự. 

Mỗi đại biểu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX là một tấm gương với những đóng góp hết mình cho sự nghiệp thi đua, phát triển đất nước; mỗi điển hình là một câu chuyện, cuộc đời, hoàn cảnh khác nhau song cùng có chung nghị lực vượt khó, thể hiện sự thầm lặng của bản thân, miệt mài cống hiến có ích cho xã hội, cho đất nước - Đại úy Nguyễn Thành Hưng vinh dự là một điển hình tiêu biểu ấy.

Trước toàn thể đại biểu, Đại úy Nguyễn Thành Hưng xúc động nói: “Khi tiến hành điều tra các vụ trọng án, những lúc xuống hiện trường, chúng tôi không cầm lòng được trước hoàn cảnh của gia đình nạn nhân. Và tự nhủ phải bằng mọi cách tìm ra thủ phạm. Bản thân chúng tôi tự hứa với nhau là sẽ cố gắng bắt được hung thủ, trả lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Với tôi, những gì đạt được hay thành công của mỗi chuyên án không phải là chiến công mà là nhiệm vụ phải hoàn thành. Tôi tự nhủ với lòng mình, phải bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân”.