Người lao động yên tâm hơn

ANTD.VN - Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ tiếp tục đánh giá các tác động để khuyến nghị với Chính phủ mức điều chỉnh lương đối thiếu hàng năm cho phù hợp. Trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đang lấy ý kiến đóng góp cũng điều chỉnh theo hướng đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Đây là điều được hàng triệu người lao động chờ đợi trước thềm năm mới 2017.

Đến lúc nào thì lương tối thiểu đáp ứng được 100% nhu cầu của người lao động và gia đình họ? Câu hỏi này được đặt ra từ lâu, nhưng tới nay vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Thực tế, ngay cả việc định nghĩa thế nào là nhu cầu sống tối thiểu cũng là một khái niệm khá trừu tượng, không dễ định lượng, bởi nhu cầu sống bao hàm cả nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần.

Theo khảo sát gần đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay lương tối thiểu chỉ đảm bảo 60-70% nhu cầu tối thiểu của người lao động và một phần gia đình. Con số này trùng với nhiều ý kiến trong các cuộc thảo luận cho rằng, mức lương tối thiểu chưa đáp ứng được đầy đủ mức sống tối thiểu.

Để giải tỏa tình trạng bất hợp lý này không chỉ dựa vào một vài giải pháp trước mắt, mà phải thay đổi hẳn định nghĩa về lương tối thiểu theo hướng đảm bảo “mức sống tối thiểu”, chứ không phải “nhu cầu tối thiểu” của người lao động và gia đình họ như trước đây. Bộ luật Lao động sửa đổi lần này còn đề xuất bổ sung các yếu tố xác định mức lương tối thiểu vùng để làm căn cứ cho Hội đồng tiền lương quốc gia nghiên cứu đề xuất. Một vấn đề đặt ra khiến người lao động hết sức băn khoăn là, khi điều chỉnh mức lương tối thiểu sẽ kéo mức đóng bảo hiểm xã hội tăng theo.

Nỗi lo này hoàn toàn có cơ sở, bởi hiện nay so với các nước trong khu vực, tỷ lệ đóng bảo hiểm của Việt Nam ở mức khá cao. Cụ thể, tỷ lệ tham gia BHXH đối với cả người lao động lẫn chủ lao động tổng cộng là 32,5%. Trong đó, tỷ lệ đóng BHXH hưu trí là 22%.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH trấn an rằng, đây là một tỷ lệ khá cao, gần như đã kịch trần nên không tăng thêm. Vì thế, Bộ này sẽ nghiên cứu xem xét quy định tỷ lệ đóng phù hợp khi mặt bằng tiền lương tăng dần.

Thực tế ở nhiều doanh nghiệp hiện nay, mức để tính đóng BHXH cho người lao động chỉ chiếm 30-50% thu nhập thực tế. Do đó, khi nhận lương hưu trí, người lao động sẽ bị thiệt thòi. Vì vậy, trách nhiệm của người sử dụng lao động phải tăng dần mức đóng BHXH cho người lao động đạt 60-70% thu nhập thực tế.

Người lao động có thể yên tâm, không phải lo lắng vì phải tăng tỷ lệ đóng BHXH. Hơn thế, Bộ LĐ-TB&XH đang gấp rút xem xét giảm mức đóng BHXH thất nghiệp và tai nạn lao động xuống 1%. Đây là tin vui trong khi mức thưởng tết Dương lịch và Âm lịch năm nay không hơn năm 2016.