Người lao động phải làm gì khi bị tinh giản biên chế sai đối tượng?

ANTD.VN -Thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện tinh giản biên chế mạnh mẽ, nhằm loại bỏ những công chức không đáp ứng yêu cầu của công việc để thu gọn bộ máy...

Tuy vậy, trong quá trình triển khai, một số cá nhân đã bị tinh giản “oan”, do áp dụng sai đối tượng.

Đối tượng nào thuộc diện tinh giản biên chế?

Theo Điều 3 Nghị định 108/2014/NĐ-CP, tinh giản biên chế là đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác và giải quyết chế độ, chính sách cho những đối tượng này.

Về đối tượng được tinh giản biên chế, Điều 6 Nghị định 108 được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 - Nghị định 113/2018/NĐ-CP quy định các đối tượng gồm:

- Cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp: Dôi dư do cơ cấu lại theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác;

Khi cơ quan, đơn vị bố trí việc làm khác do cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt chuẩn trình độ, có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhiệm…;

Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý…

Không ít cơ quan, đơn vị đã tinh giản biên chế sai đối tượng (ảnh minh họa)

- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ dôi dư do sắp xếp lại tổ chức;

Những người là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử tham gia quản lý hoặc đại diện theo ủy quyền với phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn Nhà nước mà dôi dư do cơ cấu lại doanh nghiệp…

Những người thuộc diện tinh giản biên chế sẽ được hưởng các chính sách về hưu trước tuổi, thôi việc, chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách Nhà nước…

Kỷ luật người đứng đầu đơn vị tinh giản biên chế sai quy định

Với những trường hợp thực hiện tinh giản biên chế không đúng đối tượng thì cả người được hưởng chính sách và cả cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý trực tiếp người đó đều có trách nhiệm.

Người hưởng chính sách tinh giản biên chế phải hoàn trả số tiền đã thực nhận khi thực hiện chính sách, chế độ tinh giản biên chế trừ trường hợp đã mất; Các quyết định giải quyết tinh giản biên chế sẽ bị thu hồi; Được bố trí quay trở lại làm việc.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người thực hiện tinh giản biên chế có trách nhiệm thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) dừng thanh toán chế độ BHXH cho những đối tượng này;

Bên cạnh đó, các cơ quan sẽ chuyển cho cơ quan BHXH số kinh phí đã chi trả cho người bị thực hiện sai chế độ tinh giản biên chế trong thời gian hưởng chế độ BHXH như lương hưu, trợ cấp BHXH; Chịu trách nhiệm thu hồi tiền hưởng chế độ, chính sách tinh giản biên chế đã cấp cho cán bộ, công chức, viên chức…

Đặc biệt, người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương... khi thực hiện không đúng quy định về tinh giản biên chế thì sẽ bị xem xét, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm theo quy định (khoản 18 Điều 1 Nghị định 113).

Về các trường hợp không bị xem xét tinh giản biên chế, theo quy định hiện hành, người đang trong thời gian ốm đau có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền; Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Những người đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự không thuộc diện tinh giản biên chế.