Người lao động mượn hồ sơ tư pháp, tham gia bảo hiểm xã hội xử lý thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc người lao động mượn hồ sơ của người khác để đi làm, tham gia đóng - hưởng bảo hiểm xã hội là vi phạm pháp luật; tuỳ theo tính chất mức độ có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự...
Mượn hồ sơ tư pháp của người khác để tham gia bảo hiểm xã hội là vi phạm pháp luật

Mượn hồ sơ tư pháp của người khác để tham gia bảo hiểm xã hội là vi phạm pháp luật

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có công văn hướng dẫn xử lý việc người lao động mượn hồ sơ tư pháp của người khác để tham gia đóng - hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội TP. HCM đã phát hiện một số trường hợp người lao động mượn hồ sơ tư pháp của người khác để tham gia bảo hiểm xã hội. Đây là hành vi vi phạm khoản 4 Điều 17, Luật Bảo hiểm xã hội "Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp".

Trong khi đó, tại khoản 2, Điều 122, Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định "Cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật".

Để xử lý trường hợp, người lao động mượn hồ sơ của người khác tham gia bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội TP. HCM cần chuyển hồ sơ của người lao động đó sang Sở LĐ-TB&XH TP. HCM để đối chiếu hồ sơ, xác định mức độ vi phạm hành chính và xử lý trong lĩnh vực lao động.

Sau khi có kết luận của Sở LĐ-TB&XH TP. HCM, cơ quan bảo hiểm xã hội cần hướng dẫn đơn vị sử dụng lao động và người lao động làm thủ tục cấp lại sổ bảo hiểm xã hội, quản lý sổ thẻ theo quy định tại văn bản hợp nhất số 2098/VBHN-BHXH của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.