Người lao động lao đao vì thất nghiệp và thiếu việc làm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tổng cục Thống kê cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm quý III-2021. Lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.
Lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề trong dịch bệnh

Lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề trong dịch bệnh

Mặc dù chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 ít hơn người lao động ở các tỉnh phía Nam song nhiều lao động tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cũng mất việc hoặc thiếu việc làm vì dịch bệnh.

Hơn 2 tháng nay, Nguyễn Xuân Quang, nhân viên kinh doanh công ty tư nhân chuyên cung cấp thiết bị máy đếm tiền trong tình trạng thiếu việc làm.

“Thời gian đầu Hà Nội giãn cách xã hội, mỗi tuần tôi đi làm 2 ngày thay vì 6 ngày như trước. Sau đó, việc ít dần, 1 tuần tôi đi làm nửa ngày, rồi cả tháng chỉ đi làm 2 buổi. Lương cứng công ty hiện đã cắt giảm hơn 50%, tôi chỉ còn lĩnh chưa đầy 5 triệu đồng/tháng”- Xuân Quang cho biết.

Hiện nay, mặc dù Hà Nội đã nới lỏng phòng dịch, song hoạt động đi lại với các địa phương vẫn nhiều vướng mắc; các tỉnh, thành phố vẫn áp dụng biện pháp phòng dịch với người từ Hà Nội đến nên Xuân Quang vẫn buộc phải nghỉ ở nhà. Doanh thu hoàn toàn không có nên Xuân Quang chỉ sống bằng đồng lương ít ỏi.

Áp lực cuộc sống đối với Quang không nhỏ, bởi lẽ vợ Quang cũng là nhân viên công ty bất động sản nhỏ, đã nghỉ ở nhà nhiều tháng nay. Hai con nhỏ đang học trung học cơ sở và tiểu học vừa bước vào năm học mới.

Quang cho biết, gia đình nội ngoại phải hỗ trợ rất nhiều cho vợ chồng Quang những ngày qua. "Không có dịch bệnh thì 2 vợ chồng tôi làm chỉ đủ chi tiêu, không có tích lũy. Giờ dịch bệnh khó khăn, ngay sau khi gửi được đồ xuống Hà Nội, gia đình nội ngoại đã phải "tiếp tế" gạo, thịt, trứng và cả vài triệu để mua sắm sách vở cho các cháu đầu năm học mới. Năm nay tôi 40 tuổi, nhìn dịch bệnh như vậy mà thấy lo".

Tình trạng thiếu việc làm do dịch bệnh như trên hiện không hiếm. Thậm chí, nhiều người còn không may mắn bằng Quang, đã bị buộc thôi việc từ khi dịch mới bắt đầu. Tuổi cũng không còn trẻ, những người lao động này khó có cơ hội xin việc làm.

Tố Quyên, nhân viên kế toán một công ty nội thất lớn đã bị buộc thôi việc đã hơn 3 tháng nay do công ty thu hẹp phạm vi kinh doanh. Trong căn nhà cấp 4 đã cũ chỉ hơn 30m2, Quyên vừa xúc cho con ăn, vừa cáu gắt.

"Sau khi thôi việc, tôi được nhận bảo hiểm thất nghiệp 24 triệu đồng, chi tiêu tằn tiện từ đó đến nay, không biết bao giờ mới xin được việc khác”- Tố Quyên buồn rầu nói.

Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tình hình lao động và việc làm, bởi thị trường bị thu hẹp, sản xuất có lúc ngưng trệ. Trong đó, người lao động tự do, nhân viên tại các doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng nhiều hơn cả.

Làm chủ một nhóm thợ chuyên thi công, sửa chữa công trình dân dụng, Lê Tuấn cũng buộc phải nghỉ ở nhà mấy tháng nay vì dịch. Không chỉ không kiếm được tiền trong những ngày qua, “ông chủ nhỏ” này vẫn phải đảm đương chi tiêu giữ chân nhóm thợ. “Tôi chỉ hỗ trợ tiền thuê phòng 1,5 triệu đồng/tháng/phòng, phần vì giữ chân họ, phần vì họ không thể về quê, còn lại tiền ăn thợ phải tự lo. Chính bản thân tôi không có việc làm, không có nguồn thu nên cũng khó khăn, không thể làm khác được. Chỉ mong dịch mau qua, các công trình gọi lại làm để chuẩn bị đến Tết”- Lê Tuấn nói.

Theo Lê Tuấn, mỗi đợt phường có gói "cứu trợ" lương thực, thực phẩm, những người làm thuê cho anh đều đến nhận để cầm cự qua ngày.

Theo Tổng cục thống kê, quý III vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất kể từ quý I năm ngoái. Dịch bệnh Covid-19 lây lan mạnh, đặc biệt từ cuối tháng 4-2021 là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này.

Thống kê mới nhất cho thấy, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý III-2021 ước tính là 49,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý trước và giảm 2,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 50,4 triệu người, giảm 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý III-2021 ước tính là 43,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý trước và giảm 3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 44,5 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước, tương đương 2,4%.

Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý III-2021 ước tính là 47,5 triệu người.

Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 9 tháng năm 2021 là 2,67%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 3,04%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 3,0%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 3,07%.

Từ khi dịch bệnh bắt đầu đến nay, Chính phủ đã có nhiều gói hỗ trợ lao động bị tác động bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, những gói hỗ trợ này chỉ giúp giải quyết một phần khó khăn của người lao động và mang tính ngắn hạn.

Theo Tổng cục thống kê, tính đến ngày 21-9, tổng kinh phí đã hỗ trợ là gần 13,8 nghìn tỷ đồng cho gần 17,6 triệu đối tượng, trong đó có 11,4 nghìn tỷ đồng được chi cho 23 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh; Xuất cấp 136.349,6 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho hơn 2,4 triệu hộ gia đình với gần 9,1 triệu nhân khẩu gặp khó khăn do dịch trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện nay, nhiều địa phương lại đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động phổ thông do sự dịch chuyển lao động trong lúc dịch bệnh.