Người lao động đồng ý làm thêm vượt trần để cải thiện thu nhập

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khi tổ chức này lấy ý kiến khảo sát, hơn 80% công nhân đồng ý làm vượt trần quá 40 giờ/tháng và đồng ý làm thêm từ 200 - 300 giờ/năm.

Để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 theo Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng tờ trình về việc ban hành Nghị quyết cho phép không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm trong 01 tháng và được tổ chức làm thêm đến 300 giờ trong 01 năm.

Nhận được đề nghị góp ý xây dựng dự thảo đề xuất điều chỉnh số giờ làm thêm trong tháng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đơn vị này đã tổ chức khảo sát trực tuyến ý kiến người lao động.

Theo đó, trong tổng số 17.876 người lao động cho ý kiến, có tới 80% người được hỏi đồng ý làm vượt trần quá 40 giờ/tháng và đồng ý làm thêm từ 200 - 300 giờ/năm. Lý do chính mà công nhân chấp nhận làm thêm giờ nhiều là do không có tích lũy, cuộc sống quá khó khăn, lương thấp.

Tuy nhiên, phần lớn người lao động đề nghị việc làm thêm giờ vượt mức trần không thể kéo dài và chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn.

Nói về vấn đề này, Phó ban Chính sách Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho hay, làm thêm giờ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, nguy cơ tai nạn lao động, năng suất lao động và các vấn đề xã hội khác như học tập, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề. Quốc hội đã thảo luận rất kỹ và được quy định trong Bộ luật Lao động.

Việc đề xuất áp dụng quy định mới chỉ mang tính chất tạm thời trong bối cảnh dịch của dịch COVID-19. Vì vậy, đề xuất bỏ trần làm thêm 40 giờ mỗi tháng chỉ nên có thời hạn ngắn, tạm thời. Và trong tương lai phải có giải pháp tốt hơn, đó là nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động chứ không phải kéo dài thời gian lao động bằng cách bỏ trần số giờ làm thêm.

Cũng theo ông Lê Đình Quảng, khi huy động công nhân làm thêm giờ, doanh nghiệp phải có các chính sách chăm lo cho người lao động, để họ có sức khỏe lâu dài, có chính sách đãi ngộ, chăm sóc sức khỏe trực tiếp. Về lâu dài, phải tính toán yếu tố nâng cao năng suất lao động bằng khoa học công nghệ, quản trị một cách khoa học.