Thông tin tiếp về vụ "cậu Thủy" bị bắt giữ:

Người làng Trác Bút phẫn nộ trước trò lừa tìm mộ của "cậu Thủy"

ANTĐ -Người dân Trác Bút, thị trấn Chờ, Yên Phong, không lạ gì bộ mặt của kẻ mang danh “nhà tìm mộ” có tên “cậu Thủy”. Thế nên họ rất phẫn nộ khi biết tin đây chính là kẻ lợi dụng lòng tin của người dân để lừa đảo.

“Tôi chỉ biết tin vào chiếc bình tông đào được”

“Từ hôm qua đến nay khi tôi biết tin Thúy bị bắt, tôi rất căm phẫn, chẳng biết thực hư thế nào, vì thế rất muốn cơ quan làm nhiệm vụ sớm cho ra ngô, ra khoai. Không thì gia đình tôi ăn không ngon, ngủ không yên được” –ông Mẫn Văn Tiện 53 tuổi, ở thôn Trác Bút, buồn bã.

Gia đình ông Tiện có người anh trai là liệt sỹ Mẫn Bá Phùng, hy sinh tại chiến trường miền Nam năm 1968. Khi bố mẹ ông Tiện nằm xuống đã căn dặn con trai, nếu có điều kiện thì tìm anh Phùng về quê hương. Bao nhiêu năm đau đáu trong tim can về người anh hy sinh chưa tìm thấy, về lời bố mẹ căn dặn nhưng anh Tiện chưa thực hiện được. Không phải không có điều kiện đi tìm, mà đã từng đi tìm nhiều lần nhưng vẫn chưa thấy hồi âm.

Chiếc bình tông ông Tiện mang về từ nơi đào tìm mộ liệt sỹ Mẫn Bá Phùng


Cuộc sống trôi theo thời gian, nhưng trong tâm can người em trai của liệt sỹ chưa một ngày nguôi ngoai về người anh còn nằm đâu đó. Bất ngờ, một ngày mùa đông năm 2012, tin vui ập đến với gia đình anh Tiện khi nhận được giấy thông báo của Ngân hàng chính sách hẹn ngày chuẩn bị đi tìm mộ cho liệt sỹ Mẫn Bá Phùng. Ngày đi hôm đó có nhiều gia đình có người thân là liệt sỹ ở các huyện trong tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

Chuyến xe đưa hàng chục con người của nhiều gia đình có người thân là liệt sỹ đi đến một tỉnh ở Tây Nguyên. Đến nơi, ông Tiện và anh em trong gia đình tất thảy có 5 người đã thấy “trong đó” chuẩn bị kỹ càng đồ đạc để đợi giờ khai quật. “Ở nhà trước khi đi thì tôi không hề tin, vì thực ra đi không mất tiền nên tôi ngẫm bụng cứ đi, biết đâu may mắn đến với gia đình mình thì sao. Đoàn chúng tôi đến một khu rừng thuộc tỉnh Đắc Lắc, họ chỉ đống đất và nói rằng mộ của anh tôi đây. Khu vực này hôm đó họ khai quật nhiều mộ liệt sỹ cho các gia đình đi cùng với tôi. Chuyện họ chỉ ngôi mộ anh trai tôi nằm đã khiến tôi rất bất ngờ rồi. Thế nhưng, từ bất ngờ đến nghi ngờ, khi sự xuất hiện của anh Thúy ("cậu Thủy”). Tôi đã rất hoài nghi kể từ lúc biết “cậu Thủy” làm “đạo diễn" vụ tìm kiếm này. Khi đào mô đất xuống được khoảng 80 cm thì họ bảo từ từ, rồi lấy bay hớt đất để lấy hài cốt, trong đó chỉ có đất màu đen và chiếc bình tông hơi cũ. Tất cả công việc hoàn tất theo quy định. Trên quãng đường dài từ Tây Nguyên về Bắc Ninh tôi bâng khuâng không biết thế nào. Vì tôi không lạ gì tay Thúy cả”- ông Tiện buồn bã.

Từ khi mang chiếc bình tông được cho về nhà, ông Tiện đặt niềm tin vào đó. Ông nghĩ, tất cả thứ đó là hài cốt liệt sỹ thật là tốt rồi, cho dù đó không phải chính xác anh trai mình thì cũng là đồng đội của người anh cả, mang được về hương đăng ngày lễ tết là cũng thấy thỏa nguyện.

“Tôi không biết nói sao, nhưng thực tâm tôi chỉ còn biết đặt lòng tin mình vào chiếc bình tông đào được ở mảnh đất xa lắc khi ấy. Thế nên tôi mong cơ quan chức năng sớm đưa ra ánh sáng sự thật, để người dân chúng tôi không bị những kẻ lợi dụng lòng tin mà đi lừa đảo”.

"Tôi chỉ biết đặt niềm tin vào chiếc bình tông đào được khi mang từ Đắc Lắc về"


Căn nhà “cậu Thủy” đặt mãnh thú gác cổng

“Anh ta là kẻ đi tù về thi ai cũng rõ, thế nhưng hoạt động như thế nào và làm nghề gì thì không ai biết rõ, vì anh này rất bí ẩn. Có điều lạ từ khi bị đi tù về, anh ta giàu có rất nhanh, đầu tiên là ngôi nhà cấp 4, sau đó xây cất ngôi nhà hoành tráng 4 tầng như hiện có”- anh Nguyễn Văn Thao, Phó CAX thị trấn Chờ, Yên Phong, cho biết.

Hiện tại ngôi nhà của kẻ tự xưng là “cậu Thủy” tại thôn Trác Bút đã bị cơ quan chức năng niêm phong để phục vụ công việc điều tra. Tuy nhiên chỉ cần quan sát từ bề ngoài ngôi nhà cũng nhận thấy đó là ngôi nhà được xây cất với khoản tiền rất lớn. Ngoài rồng phượng là họa tiết được trang trí trên tường, nóc cổng ra vào còn có rồng chầu cầu lửa. Bên trong kiến trúc nguy nga và bí hiểm ở ngôi nhà này còn có đôi sư tử cao lớn bằng đá trắng chầu gác hai bên cổng.

Cùng với “cậu Thủy” là bà vợ 2 của ông ta, bà khét tiếng thị trấn Chờ về cả tiền bạc lẫn độ ghê gớm có một không hai. Chỉ trong thời gian vài năm làm nghề, chủ yếu là “nghề tìm mộ”, vợ chồng “cậu Thủy” đã có bộn tiền. Theo người dân Trác Bút, ngoài ngôi nhà hoành tráng ở Trác Búc này, thì ngoài khu đô thị và thị trấn anh ta có vài cái nữa. Người dân vùng quê Yên Phong này cũng là làng giàu có và phát triển nhiều năm. Thế nhưng khi thấy “cậu Thủy” “phất” nhanh đến bất ngờ như thế, thì ai cũng đặt câu hỏi trong đầu mà không biết hỏi ai.

Ngôi nhà "cậu Thủy" tại thôn Trác Bút đã bị niêm phong phục vụ công tác điều tra


Vì quá nhiều tiền của, thế nên để giữ tài sản và sợ bà vợ “cậu Thủy” đã mua đôi sư tử đá xếp ngoài cổng, và sự tinh ranh ghê gớm của bà lộ ra từng chi tiết nhỏ với dân làng Trác Bút. Bà “bắn” tin rằng, đôi mãnh thú gác cổng và cây lộc vừng phong thủy đã được “yểm bùa” kỹ lưỡng. Thế nhưng, cho dù có đặt hổ báo hay sư tử gì đi nữa thì cũng không thể giấu mãi được sự thật tày trời đã làm với người đã sống và anh linh của những anh hùng liệt sỹ.

“Anh ta không phải tên “cậu Thủy” mà tên thật là Thúy. Ở trong ngoài thôn Trác Bút này, chẳng ai thèm quan hệ với kẻ ấy cả, nó đi đóng cửa, về khép cửa. Tôi thấy lạ lắm, anh ta trước đây có điện thờ trước cửa, ngày lễ tết người dân ở mãi đâu về nhảy múa ầm ĩ, chứ người dân ở đây thì biết tỏng anh ta là kẻ chả ra gì nên có ai thèm ngó ngàng đến đâu” - ông Mẫn Quốc Đạt, ở cạnh đình thôn Trác Bút, phẫn nộ.

Ông Tiện buồn vì bị chính người cùng làng làm láo, lừa đảo liên quan đến hài cốt liệt sĩ anh trai


Chính vì người dân làng không ưa, nên mọi động thái của “cậu Thủy” đều bị chú ý. “Có một thời, anh ta đi đâu cũng có đàn em đưa đi dắt về, hỏi ra thì bảo anh ta bị mù lòa. Thế nhưng, có lúc anh ta lại phóng xe máy vù vù trong thôn. Nực cười. Có lần đình làng Trác Bút tu bổ, anh ta bảo xin ủng hộ tiền cho một mái lớn, người dân không ai đồng ý cả” - ông Mẫn Văn Tiện, người dân Trác Bút bức xúc.

“Đình làng, chứ có phải cái gì đâu mà cậy có tiền làm gì thì làm. Đình làng là gốc gác văn hóa thôn làng, chứ thà thiếu 1 viên ngói còn hơn lợp đủ bằng tiền đóng góp của kẻ như ông ta”- cụ Mẫn Văn An, thôn Trác Bút búc xúc.