Người Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ: Sẽ phải khám sức khỏe định kỳ?

ANTĐ - Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo Thông tư “Quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước”. Trong đó có quy định, chủ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ phải có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh định kỳ, ít nhất 1 lần/năm tại các cơ sở y tế cấp quận hoặc huyện trở lên.
Người Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ: Sẽ phải khám sức khỏe định kỳ? ảnh 1

Quán ăn vỉa hè tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSTP

Phải khám sức khỏe 1 lần/năm

Theo dự thảo Thông tư này, hồ sơ theo dõi sức khoẻ của chủ cơ sở và người sản xuất, kinh doanh trực tiếp của cơ sở phải được lưu trữ đầy đủ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Thông tư yêu cầu cả chủ cơ sở và người sản xuất, kinh doanh trực tiếp phải có Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm còn hiệu lực. Giấy phép này do Bộ Công Thương hoặc Sở Công Thương; các cơ quan được Bộ Công Thương chỉ định thực hiện. Ngoài ra, chủ cơ sở cũng phải ban hành các quy định riêng về an toàn thực phẩm cho người lao động tại đây biết. 

Đáng chú ý, những quy định trên được thực hiện song song với quy định tại Thông tư 15/2012/TT-BYT ngày 12-9- 2012 của Bộ Y tế, quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Nguyên lãnh đạo Sở Thương mại Hà Nội (nay là Sở Công Thương) cho rằng: “Việc áp dụng các quy định nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm là cần thiết.

Tuy nhiên, ngay ở phạm vi áp dụng đã thấy, dự thảo này dường như chia nhỏ thêm đối tượng áp dụng trong Thông tư 15 của Bộ Y tế, tức là đề cập cụ thể đối tượng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Từ đó sẽ dẫn đến chồng chéo trong quy định, trong kiểm tra, và chưa biết hiệu lực thực hiện sẽ đến đâu?”.

Thêm “giấy phép con”?

Luật Đầu tư sửa đổi quy định, các điều kiện kinh doanh không được quy định ở Thông tư, mà phải từ Nghị định trở lên. Với những điều kiện còn đang tồn tại thì từ ngày 1-7-2016 sẽ hết hiệu lực. “Như vậy, về mặt pháp lý Thông tư này ra đời không có căn cứ vững chắc” - một chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật đầu tư cho hay. 

Về từng nội dung cụ thể, vị chuyên gia này đánh giá có nhiều điểm khó khả thi. Chẳng hạn, chủ cơ sở phải khám sức khỏe, nhưng nếu họ không trực tiếp sản xuất, mà thuê người làm thì việc khám sức khỏe không có hiệu quả cho việc đảm bảo an toàn thực phẩm. “Và một khi, các quy định không thuyết phục, khó thực hiện sẽ dẫn đến “xin-cho”, mua giấy khám sức khỏe, mua giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm”, vị chuyên gia nói.

Trên thực tế, nhiều quy định đặt ra buộc người sản xuất kinh doanh phải thực hiện và họ cũng phải đi đăng ký, kê khai, khám, nộp đủ các giấy tờ cần thiết, nhưng chỉ để cho có. Trong khi đó, cơ quan quản lý lại kiểm tra rất ít do không đủ nhân lực và nhiều lý do khác nên không biết để xử lý. “Theo tôi, quy định này mang tính tiền kiểm, mà để đạt hiệu quả thì hậu kiểm là quan trọng nhất. Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để quản lý hiệu quả, thực tế hơn” - chuyên gia này nhấn mạnh.

Hiện, cả nước có hàng nghìn hộ kinh doanh cá thể. Nếu các hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ này đều phải có Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm và Giấy khám sức khỏe định kỳ thì việc kiểm tra chấp hành quy định đối với lực lượng chức năng cũng không đơn giản.