Người kinh doanh nhỏ chật vật trong đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngoài những cửa hàng kinh doanh hàng hóa thiết yếu, các dịch vụ kinh doanh khác đều đóng cửa để phòng dịch. Khoảng cách giữa các đợt dịch ngày càng dày, thời gian diễn ra của một đợt dịch bệnh ngày càng kéo dài, những người kinh doanh nhỏ chật vật trong đại dịch.
Nhiều cửa hàng kinh doanh đóng cửa, cho thuê nhà vì vắng khách

Nhiều cửa hàng kinh doanh đóng cửa, cho thuê nhà vì vắng khách

Đầu tháng 4 vừa qua, chị Hồng Mai (Ba Đình - Hà Nội) chính thức mở cửa kinh doanh dịch vụ làm đẹp dưỡng sinh (spa). Nhưng chưa được lâu, đợt dịch lần thứ tư ập đến, spa của chị Hồng Mai chỉ hoạt động cầm chừng sau đó đóng cửa.

“Đây là cửa hàng đầu tiên với rất nhiều tâm huyết của tôi. Riêng tiền đầu tư mua trang thiết bị, tiền thuê nhà nửa năm, tiền công nhân viên… đã mất hàng tỷ đồng. Tôi mạnh dạn mở cửa hàng vì nghĩ dịch đã dần được kiểm soát, tỷ lệ người dân được tiêm vaccine ngày càng cao nhưng dịch bệnh quá khó lường. Những đợt khách đầu tiên chỉ là bạn bè, người thân tới ủng hộ, giá dịch vụ vẫn khuyến mại mà cửa hàng đã phải dừng. Giờ mỗi ngày tôi vẫn mất hàng triệu đồng để “nuôi” spa đóng cửa, hoàn toàn không có doanh thu”- chị Hồng Mai chia sẻ.

Không có quy mô thật lớn đến vài trăm tỷ đồng hay có hàng trăm, hàng nghìn nhân viên, những người kinh doanh nhỏ với hệ thống một vài cửa hàng, thậm chí chỉ một địa điểm kinh doanh với rất ít người lao động chịu nhiều tổn thương bởi dịch bệnh. Họ có thể là doanh nghiệp siêu nhỏ, có thể là hộ kinh doanh, cửa hàng dịch vụ nhỏ… nhưng toàn bộ nguồn thu của họ trông cậy vào hoạt động kinh doanh này.

Dễ dàng thấy các cửa hàng kinh doanh này ở các lĩnh vực: thời trang, làm đẹp, kinh doanh hàng hóa không thiết yếu, dịch vụ vui chơi, dịch vụ ăn uống tại chỗ… Tại Hà Nội, từ ngày 19-7 tới nay, các cửa hàng này đều “cửa đóng then cài”. Mặc dù một số cửa hàng kinh doanh chuyển sang bán hàng trực tuyến, nhưng lượng đơn hàng không nhiều.

Đại diện hệ thống cửa hàng quần áo thời trang P với 5 cửa hàng tại Hà Nội cho biết: “Cuối tháng 2 năm nay, sau khi hết đợt dịch thứ ba, chúng tôi mở cửa hoạt động trở lại. Dù vậy, chúng tôi cũng chỉ dám ra mắt vài mẫu thời trang mới cho mùa hè năm nay vì dự báo sức mua vẫn chưa cao. Nhưng chưa bán hết hàng cũ, hàng mới chỉ bán được ít thì đợt dịch thứ tư ập đến.

Thậm chí chương trình khuyến mại giảm giá chúng tôi còn đang chạy dở, chưa kết thúc đã phải đột ngột dừng lại. Hàng bán online ít khách vì dịch tới, chị em công sở cũng làm việc tại nhà, hạn chế gặp gỡ, thu nhập giảm nên nhu cầu mua sắm rất thấp”.

Cũng theo vị đại diện này, cửa hàng nào trong hệ thống cũng thuê địa điểm kinh doanh to đẹp, mặt phố lớn nên chi phí thuê nhà rất lớn.

Vô cùng chật vật đối mặt với các đợt dịch, chị Minh Nguyệt (chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống) tại Vincom Phạm Ngọc Thạch cho hay: “Hơn 2 năm nay, chúng tôi quá vất vả. Cứ vừa hào hứng mở cửa lại chưa được mấy ngày thì lại đóng cửa. Mỗi đợt mở lại lại tìm nhân viên, dọn dẹp… Tôi đang tính phải đóng cửa hoàn toàn vì không kham được nữa, dù chúng tôi rất tâm huyết”.

Ghi nhận tại các trung tâm thương mại lớn cũng cho thấy, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu đều đã dừng hoạt động. Tầng 1 của Trung tâm thương mại Big C Thăng Long- khu vực bán hàng cao cấp và hàng ăn, dịch vụ, mấy ngày qua, các gian hàng đều trùm bạt kín mít. Kéo theo việc ngừng hoạt động này, rất nhiều người lao động là nhân viên làm thuê, bán hàng… mất việc.

Tại buổi tọa đàm về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch diễn ra sáng nay (23-7), ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết: “Đến đợt dịch thứ tư này thì hầu hết doanh nghiệp đã “ngấm đòn”, doanh số giảm 90-95%”.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Chính phủ đang có rất nhiều hoạt động hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp vượt qua đại dịch, nhưng các biện pháp hỗ trợ này nên được thực hiện trực tiếp, không kèm theo điều kiện khó khăn, chẳng hạn như cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi không nên kèm các điều kiện khắt khe.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%. Trong số này có rất nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ.

Theo các chuyên gia kinh tế, thực tế các hộ kinh doanh nhỏ, các doanh nghiệp siêu nhỏ như trên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch nhưng họ ít tham gia các hiệp hội, cũng ít được thống kê trong các báo cáo chính thức định kỳ nên các chính sách hỗ trợ cho họ còn hạn chế, thậm chí còn không có gì. Do đó, họ chật vật gấp nhiều lần các doanh nghiệp, những người kinh doanh khác.