Người Hà Nội sinh ít nhưng vẫn thích con trai hơn

ANTD.VN - Gần 6 tháng đầu năm 2018, tổng số trẻ được sinh ra của Hà Nội giảm khá mạnh so với cùng kỳ 2017, cho thấy người dân đang có xu hướng sinh ít con hơn. Thế nhưng, số sinh con thứ ba trở lên vẫn tăng; mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức đáng lo ngại…

Tỷ lệ trẻ em nam vẫn đang ở mức cao hơn nhiều trên trẻ em nữ (ảnh minh họa)

Chia sẻ với báo chí về đặc điểm, tình hình dân số của Hà Nội 6 tháng đầu năm 2018, ông Nguyễn Đình Lân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ Hà Nội) cho biết, từ đầu năm đến nay, số sinh toàn thành phố là 46.727 trẻ, giảm 709 so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, số sinh con thứ ba trở lên là 3.107 trẻ (tăng 61 trẻ so với cùng kỳ). Đồng thời, tỷ số giới tính khi sinh (tổng số trẻ trai trên 100 trẻ gái khi sinh ra) là 113,2/100, vẫn cao hơn bình quân của cả nước và ở mức rất đáng lo ngại bởi tỷ số giới tính khi sinh đạt mức sinh học tự nhiên được khuyến cáo chỉ là 103-107 trẻ trai/100 trẻ gái.

Trả lời về vấn đề này, ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Hà Nội nửa đầu năm nay tuy có giảm nhẹ song kết quả thực hiện trong 6 tháng chưa phản ánh được điều gì. Thực tế, về chỉ tiêu tỷ số giới tính, Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội vẫn ước thực hiện cả năm 2018 là 113,5 trẻ trai/100 trẻ gái, tương đương với kết quả năm 2017.

“Yêu cầu là tốc độ gia tăng tỷ số giới tính không được tăng vượt quá 0,3%/ năm. Hiện Hà Nội đã kiểm soát được, không để gia tăng thêm và đang cố gắng tới đây sẽ giảm tỷ số giới tính xuống. Nhưng trước mắt, mục tiêu phấn đấu năm 2018, toàn thành phố phấn đấu đạt không quá 113,5 trẻ trai/ 100 trẻ gái, duy trì mức như năm 2017” – ông Huy nói.

Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, để kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh, từ năm 2016, Hà Nội đã ban hành kế hoạch 208 về kiểm soát và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn đến năm 2025. Trong đó, nêu rõ lộ trình đến năm 2020 phấn đấu tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 114 trẻ trai/100 trẻ gái.

Để có thể hoàn thành được mục tiêu này, ông Tạ Quang Huy nhấn mạnh, giải pháp quan trọng nhất vẫn là tuyên truyền vận động, thuyết phục để nâng cao bình đẳng giới trong cộng đồng, bởi cái gốc dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh chính là bình đẳng giới, là tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.

Hiện nay, Hà Nội đã xây dựng một số chương trình, nội dung biểu dương, khuyến khích những cặp vợ chồng sinh con một bề gái, triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi không có con trai. Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cũng đã phối hợp với Trường Cao đẳng Y Hà Nội tổ chức lồng ghép nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh vào các môn học.

Đặc biệt, giải pháp rất quan trọng nữa, theo ông Huy, tới đây, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Hiện nay, theo phân cấp, các quận/ huyện phải có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra các cơ sở siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi trên địa bàn, thành phố cũng sẽ có các đoàn kiểm tra đột xuất, phúc tra tại các quận/ huyện.