Người Hà Nội chơi đá bóng và nghe... bóng đá

ANTD.VN - Cách đây hơn 100 năm, người Hà Nội đã thích xem đá bóng, dù đó là những đội nghiệp dư của quân đội Pháp đá chơi trên bãi Mangin (sau trở thành sân Cột Cờ). Có lẽ vì lạ bởi lần đầu tiên họ thấy mấy chục con người xông vào nhau tranh giành nhau một quả bóng tròn như quả bưởi.

Người Hà Nội chơi đá bóng và nghe... bóng đá ảnh 1Một trận đấu trên sân Hàng Đẫy xưa được xây dựng năm 1956 và khánh thành ngày 24-8-1958

Tháng 2-1912, Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội (Stade Hanôien) ra đời, đội bóng không có lính Pháp và lê dương, chỉ có Tây làm ở các công sở và người Việt Nam yêu thích môn thể thao này. Họ đá tập trên bãi Mangin, tuy  đá tập nhưng thu hút rất đông người đến xem. Lúc này, họ đã có đôi chút hiểu biết về luật chơi nhưng còn một lý do khác, họ nhận thấy bóng đá là trò chơi có tính đối kháng tập thể rất hấp dẫn. Đồng thời, họ cũng nhận thấy muốn chơi môn này cần phải có sức khỏe, sự dẻo dai và khéo léo. 

Trận cầu đầu tiên giữa đội Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội và đội Nhà binh 9eRIC diễn ra ngày 1-11-1913 tại bãi Mangin đã lôi cuốn gần 3.000 khán giả người Việt. Trong hồi ký, Đốc lý Hà Nội Logerot (từ tháng 9-1912 đến tháng 2-1915) viết: “Không thể tưởng tượng được dân An Nam đến xem quá đông. Họ không hiểu luật chơi nhưng mỗi lần cầu thủ An Nam có bóng dẫn về phía cầu môn đội 9eRIC, họ reo hò ầm ĩ. Tuy nhiên, sức mạnh của Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội vẫn phải nhờ đến các cầu thủ người Pháp là Menin, Megy, Bernard, Bonardi...”. Khán giả reo hò mỗi khi cầu thủ người Việt có bóng, không chỉ cổ động cầu thủ mà nó còn biểu lộ ngầm tinh thần chống kẻ xâm lược ngoại bang khi đó. Và những trận đấu của Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội với sự góp mặt của cầu thủ người Việt đã truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên Hà Nội đến với trái bóng tròn.

Thấy bóng đá dễ chơi, khỏe người lại không tốn tiền như đua xe đạp, quần vợt, cũng không cần phải có phòng rộng có bàn như bóng bàn nên thiếu niên, công chức các công sở, thanh niên, công nhân các hãng đã bắt chước nhiệt tình tham gia môn thể thao này. Đến những năm cuối thập niên đầu tiên thế kỷ XX, Hà Nội xuất hiện khá nhiều câu lạc bộ mà cầu thủ hoàn toàn là người Việt như: Tia Chớp (Eclair); Ngọn Giáo (La Lance); Ngôi sao Hà Nội (Stade Hanoien)… Cầu thủ phải tự sắm áo, giầy, đóng tiền hàng tháng để mua bóng. Để cổ vũ bóng đá, một số Mạnh Thường Quân đã chi thêm tiền cho các đội, trong đó có ông Trần Văn Quý ở Sở Lục lộ. Chính trên bãi Mangin, một giải vô địch bóng đá riêng cho Bắc Kỳ đã được tổ chức lần đầu vào cuối năm 1918 đầu năm 1919. Lúc đầu, khán giả vào xem không mất tiền nhưng sau thấy quá đông nên ban tổ chức kê bàn ngăn 4 đường vào sân, bán mỗi vé 1 hào.

Để có sân luyện tập và thi đấu, chủ các đội bóng đã kết hợp với nhau xin chính quyền thành phố các bãi đất rộng làm sân. Ðội Tia Chớp và Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội lập ra sân Nhà Dầu (gần kho xăng hãng Shell, sát cầu Long Biên); Racing Club thì xin bãi Bắc Qua, họ cho lập hàng rào và đặt tên là Stade Lepage. Từ năm 1936 đến 1938, bãi Hàng Đẫy được Septo tiến hành xây dựng thành sân đá, có tường bao quanh. Khán đài A bằng gỗ, có 400 chỗ ngồi. Mặt sân được san phẳng, tuy nhiên sau mỗi trận mưa, mặt sân lại bị lồi lõm. Trong sân không có khu vệ sinh, không có nhà tắm cho cầu thủ. Khi xuất hiện phong trào vui vẻ trẻ trung, bóng đá Hà Nội càng phát triển, nhiều người cho rằng thực dân Pháp khuyến khích bóng đá để người dân quên đi nỗi đau mất nước, điều đó cũng đúng nhưng môn thể thao này, tự thân nó cũng có sức hấp dẫn riêng.  

Ngày 8-3-1946 là mốc thời gian đáng nhớ với ngành Thể dục thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá Hà Nội nói riêng. Chiều hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến sân Septo dự buổi khai mạc hội khỏe và xem trận đấu bóng đá giữa đội Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu và đội Vệ Quốc đoàn. Khi hai đội xếp hàng ngang trên sân chào khán giả, Ban tổ chức và trọng tài đã mời Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống đá quả bóng danh dự, thay tiếng còi khai mạc trận đấu. Trận đọ sức trên sân giữa hai lực lượng tuyên truyền và vũ trang tại Thủ đô Hà Nội này được ghi nhận là trận bóng đầu tiên sau khi  nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. 

Vì sân không đạt tiêu chuẩn, thiếu các công trình phù trợ nên năm 1956, ngay sau ngày thành lập Ban Thể dục thể thao Trung ương, Nhà nước  đã cho xây dựng lại sân Hàng Đẫy. Công trình được khởi công ngày 16-2-1957 và hoàn thành sau 18 tháng thi công. Chiều 24-8-1958, Ủy ban Hành chính TP Hà Nội long trọng làm lễ khánh thành sân vận động mới.

Sau năm 1954, nhiều câu lạc bộ bóng đá giải thể, thay vào đó là các đội bóng của các cơ quan, đơn vị Nhà nước. Hầu như chủ nhật nào cũng có trận đấu trên sân Hàng Đẫy thu hút hàng vạn khán giả. Vé mỗi trận được phân phối về cơ quan xí nghiệp. Vì sân Hàng Đẫy chỉ chứa được hơn 2 vạn khán giả nên nhiều người không có vé, chỉ còn cách nghe tường thuật trực tiếp qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam được Đài Truyền thanh Hà Nội tiếp sóng. Khán giả đứng dưới các loa truyền thanh tại các góc phố, nơi công cộng chăm chú lắng nghe, cũng xuýt xoa, cũng ồ à theo nhịp trận đấu trên sân. Mùa đông, gió Đông Bắc thổi mạnh nghe không rõ, có người trèo lên cột điện nghe cho rõ. Có hôm trời mưa thì trùm áo mưa nghe hết trận mới về. Và ngày hôm sau, tại các quán nước chè trên phố, các “bình luận viên” bàn tán cứ như mình xem trong sân.

Từ đầu những năm 1960 kéo dài đến thập niên 80 chắc chắn là thời kỳ đáng ghi nhớ của lịch sử bóng đá Việt Nam, các đội đá cống hiến, còn khán giả luôn luôn cổ vũ cho đội yếu hơn. Đó chính là tinh thần nhân văn dù xem hay nghe… đá bóng.