Người giúp việc phạm tội: Chủ nhà cũng có trách nhiệm

ANTĐ - Mới đây, chuyện về bà Nguyễn Thị Hiền, con gái cả của nhà văn Kim Lân gửi đơn đến các cơ quan chức năng và báo chí trình bày về việc bị người giúp việc ăn trộm nhiều bức tranh sơn mài và những cổ vật quý khiến cho nhiều người quan tâm. Sự việc không chỉ dừng lại ở những giá trị tài sản khá lớn bị mất trộm mà dư luận còn bàn tán nhiều đến việc quản lý những người giúp việc được thuê trong gia đình. Những câu chuyện về sự chủ quan, mất cảnh giác của chủ nhà dẫn đến động cơ phạm tội của người giúp việc là bài học cảnh giác cho rất nhiều người.

Rước... trộm về nhà

Chiều 4-10, chị Nguyễn Phương Anh (P.Phố Huế, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) dẫn Lê Thị Thảo (SN 1982, Yên Thành, Nghệ An) đến CAP Phố Huế tố cáo Thảo đã lấy trộm tài sản của gia đình. Theo tường trình của chị Phương Anh, trước đó 1 tuần, chị thuê Thảo thông qua một trung tâm môi giới. Tuy nhiên, chỉ làm việc được 1 ngày thì Thảo đã bỏ đi. Kiểm tra lại tài sản, chị Phương Anh phát hiện bị mất 1 chiếc ví bên trong có 7,5 triệu đồng.

Sau khi truy tìm, chị phát hiện Thảo tại một trung tâm môi giới việc làm ở phố Khâm Thiên và đưa đến cơ quan công an. Sau khi biết tin Thảo bị bắt, một nạn nhân khác của nữ quái ô sin này là anh Lê Khắc Việt (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã đến cơ quan công an trình báo. Cũng giống như chị Phương Anh, người này thuê Thảo thông qua một trung tâm môi giới giúp việc. Chừng 10 ngày sau, khi đi tập thể dục về, anh Việt phát hiện Thảo đã biến mất cùng 2 chiếc điện thoại và 3,2 triệu đồng. Qua đấu tranh, Thảo đã phải thừa nhận, cô ta chuẩn bị sẵn nhiều bộ hồ sơ xin việc để nộp vào các trung tâm môi giới, lợi dụng nhu cầu thuê giúp việc để trộm cắp. Mỗi gia đình, Thảo chỉ ở hôm trước, đến hôm sau là ra tay. Nhà nào lâu nhất Thảo cũng chỉ ở không quá 10 ngày, cho đến khi tăm tia được sự sơ hở của chủ hộ. Trước đó, Thảo đã từng có 1 tiền án về tội trộm cắp tài sản.

Tương tự như trường hợp của chị Phương Anh, chị Nguyễn Quỳnh Trang (SN 1980, P. Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) nhận được điện thoại của người giúp việc là Nguyễn Thị Soa ( SN 1976, Diễn Châu, Nghệ An) xin về quê gấp vì lý do con bị ốm. Linh cảm thấy điều chẳng lành, chị Trang từ cơ quan về nhà, kiểm tra đồ đạc thì phát hiện mất 2 chỉ vàng trong tủ nên đã cùng chồng ra bến xe Mỹ Đình để tìm gặp Soa. Gặp người giúp việc đang ngồi chờ xe ở đây chị Trang hỏi về việc tại sao tủ để trang sức bị mở thì chị ta lớn tiếng cãi lại chủ nhà. Thậm chí Soa còn thách thức chị Trang lục soát người mình, nếu không tìm được 2 chỉ vàng thì phải trả lại sự trong sáng cho Soa. Không còn cách nào khác chị Trang đã đưa Soa về Công an phường Dịch Vọng. Tại đây, công an phường Dịch Vọng đã chứng minh được Soa giấu tang vật ở đằng sau búi tóc. Lúc này Soa mới cúi đầu nhận tội. Tuy nhiên, điều khiến chị Trang bất ngờ nhất, theo tài liệu của cơ quan công an người mà chị thuê làm giúp việc đang trong thời gian thụ án 15 tháng tù treo do TAND huyện Diễn Châu xử vì tội trộm cắp. Chỉ 2 tháng sau khi bị tòa tuyên án Soa đã xin đi làm ô sin để tìm cơ hội tiếp tục phạm tội. 

Biến thành kẻ cắp vì lòng tham

Chưa từng dính líu tới pháp luật như những trường hợp trên, tuy nhiên có rất nhiều vụ việc người giúp việc thực hiện các hành vi trộm cắp vì không thể “cầm lòng” với tài sản lớn của gia chủ. Một vụ ô sin trộm cắp “vô tiền khoáng hậu” vừa xảy ra vào ngày 2-11 vừa tại ngôi biệt thự số 92 Nguyễn Hữu Cảnh, P22, Q. Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) là một trong những trường hợp như vậy. Một người giúp việc được chủ nhà thuê thông qua một trung tâm môi giới việc làm, sau khi làm việc mới được 2 tháng đã gây ra một vụ trộm cắp hết sức táo tợn. Tổng số tài sản của chủ nhà bị nữ quái này ăn trộm lên tới hơn 6 tỷ đồng bao gồm 600 USD, 100 triệu đồng tiền mặt cùng một bộ nữ trang (gồm 2 đôi hoa tai có gắn hột xoàn, một sợi dây chuyền gắn mặt đá quý, 1 lắc tay, 1 nhẫn vàng) với tổng trị giá lên tới 300.000 USD. Đối tượng này bị phát hiện khi chủ nhà xem lại hệ thống camera trong nhà.

Sau khi bị bắt, nguyên nhân phạm tội được ô sin này lý giải do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thấy gia chủ giàu có nên muốn mượn tạm một ít đồ để… cưới chồng. Trước đó không lâu vào khoảng tháng 7-2012 Công an quận 3 TP.HCM mới truy bắt được Nguyễn Thị Ánh (33 tuổi, HKTT tại Đắc Lắc) với hành vi trộm cắp tài sản. Ánh được một gia đình tại quận 3 (TP Hồ Chí Minh) nhận vào làm giúp việc. Do được người quen giới thiệu, và tỏ vẻ ngoan ngoãn nên Ánh rất được chủ nhà tin tưởng và xem như con cháu trong nhà. Tuy nhiên lợi dụng điều đó Anh “cuỗm” 120 lượng vàng cùng 40.000 USD của chủ nhà rồi bỏ trốn.

Phải “thẩm định” người giúp việc

Người giúp việc phạm tội: Chủ nhà cũng có trách nhiệm  ảnh 3

Theo một cán bộ của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về trật tự xã hội - Công an TP Hà Nội, một trong những lý do chính biến người giúp việc nhà trở thành kẻ trộm xuất phát từ phía những người chủ nhà. Đại bộ phận người thuê thường không coi những người giúp việc như những người lạ mà coi họ như những người trong nhà. Điều này tuy mang lại tâm lý thoải mái cho gia chủ khi sử dụng người giúp việc nhưng mặt khác sẽ dẫn tới việc người giúp việc nảy lòng tham ngoài ý muốn. Nhiều gia đình khi thuê giúp việc chỉ quan tâm tới việc họ có làm được việc hay không mà quên mất rằng mình đang giao những thứ quý giá nhất (nhà cửa, con cái…) cho một người hoàn toàn xa lạ, và nhiều hậu quả như trên đã xảy ra là điều không quá khó hiểu.

Thêm vào đó, hiện nay giúp việc chưa phải là một nghề đã được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. Đa phần người giúp việc đều xuất thân ở nông thôn khi tiếp xúc với cuộc sống đầy đủ, hiện đại của gia chủ, khi chủ nhà lơ là, mất cảnh giác người giúp việc rất dễ bị nảy sinh lòng tham. Còn đối với trường hợp những người giúp việc có ý đồ xấu, họ thường tìm cách tiếp cận với những gia đình khá giả ngay từ đầu, hơn nữa thái độ luôn úp mở mập mờ khó hiểu quanh co, không thật thà về hoàn cảnh gia đình, hay đem chuyện gia đình ra kể lể để lấy lòng thương hại của chủ nhà, hay quanh quẩn bên cạnh khi gia đình chủ nhà trò chuyện, vào phòng của chủ nhà một cách tự tiện dù phòng đó đã được yêu cầu không được ra vào. 

Những vụ án do người giúp việc gây ra như trên thường gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan công an, nguyên nhân là bởi chủ nhà thường biết rất ít thông tin về người giúp việc của mình. Có một thực tế là không ít các gia đình thường phó mặc niềm tin vào các trung tâm giới thiệu mà quên mất việc “thẩm định” lại lý lịch của người giúp việc. Thượng tá Trần Văn Quảng, Phó trưởng phòng 4, C45, Bộ Công an cho rằng: Các trung tâm giới thiệu việc làm thường không có đầy đủ giấy tờ, không xác minh được lý lịch của người lao động cần việc nhưng “ăn” phí giới thiệu của cả 2 bên. Sau đó, trung tâm chỉ viết giấy giới thiệu có ghi địa chỉ gia đình cần thuê để người giúp việc tự tìm đến và coi như… hết trách nhiệm. Chủ nhà cũng không xác minh, vô tư giao con, giao nhà cho người lạ. Đây là sơ hở lớn của các trung tâm giúp việc cũng như chủ nhà, tạo điều kiện cho kẻ gian dễ dàng thực hiện âm mưu. Khi xảy ra sự cố, hầu hết các trung tâm này đều phủi tay và phớt lờ, để mặc cho chủ nhà tự giải quyết mà không có bất kỳ sự hỗ trợ bồi thường nào.

Để hạn chế tình trạng xảy ra trộm cắp khi thuê người giúp việc, các gia đình có nhu cầu cần tìm người giúp việc nên yêu cầu người tìm việc có sơ yếu lý lịch đầy đủ, qua đó tìm hiểu, xem xét lai lịch, hoàn cảnh gia đình, công việc người giúp việc trước kia ra sao.  Chủ nhà nên giữ giấy tờ tùy thân, soạn hợp đồng ký kết đàng hoàng giữa chủ sử dụng và người giúp việc. Sau đó, các gia đình phải ra công an phường đăng ký tạm trú cho người giúp việc. Ngoài ra cũng cần tìm hiểu kỹ cơ sở pháp lý, uy tín, thời gian hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm để hạn chế những trường hợp đáng tiếc. Đối với các cơ quan chức năng cần thanh kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động giới thiệu việc làm của các trung tâm giới thiệu việc làm cũng như xóa các trung tâm không có giấy phép. Một điều quan trọng là gia chủ không được chủ quan giao toàn bộ công việc cũng như nhà cửa cho người giúp việc trông nom, như vậy sẽ tạo điều kiện cho họ dễ dàng phạm tội. Trước khi giao những công việc cụ thể cho người giúp việc, các gia đình nên có những buổi nói chuyện thẳng thắn với người giúp việc để nắm bắt tâm tư, tìm hiểu về gia cảnh nhằm loại ngay những trường hợp nghi vấn.