Người giúp việc ngã giá

ANTĐ - Hơn một tuần nay, chị Hoàng Hồng Hạnh, ở đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ đứng ngồi không yên, công việc cuối năm đã mệt mỏi, vậy mà người giúp việc lại “ăn vạ” nằng nặc đòi thưởng Tết hậu hĩnh, nếu không sẽ nghỉ việc.

Các trung tâm môi giới đông nghịt những người đến đăng ký thuê “ôsin” mỗi dịp cận Tết

Không thưởng Tết… thì nghỉ việc

Chị Hạnh than phiền, do thấy người giúp việc nhà hàng xóm cho hay Tết này họ được chủ nhà thưởng 2 tháng lương, thế là người giúp việc nhà chị cũng trở chứng đòi thưởng Tết. “Kinh tế năm nay khó khăn nên tiền thưởng Tết của cả hai vợ chồng cộng lại cũng không được là bao. Mặc dù vậy, tôi vẫn cố gắng trả cho người giúp việc thêm một tháng lương, vừa để động viên, vừa để họ có chút tiền mua quà về quê ăn Tết. Vậy mà cô ấy vẫn chê ít và bảo nếu tôi không thưởng Tết như nhà hàng xóm thì sẽ nghỉ việc, trong khi còn gần 2 tuần nữa mới đến Tết...”, chị Hạnh thở dài.

Do làm việc cho một công ty nước ngoài nên công việc của chị Nguyễn Thu Phương phải chịu khá nhiều áp lực và đòi hỏi nghiêm ngặt về thời gian. Vợ chồng chị ở chung với bố mẹ chồng, 2 ông bà tuổi cao, sức yếu, lại thêm 2 con nhỏ nên mọi việc trong nhà đều phải trông cậy vào người giúp việc. Năm trước, dù đã thưởng Tết cho người giúp việc 2 triệu đồng, cộng thêm một chuyến xe về quê miễn phí nhưng ra Tết họ vẫn “mất hút”, khiến vợ chồng chị vật vã xoay xở với hai đứa con nhỏ. Rút kinh nghiệm, năm nay, vợ chồng chị định bụng sẽ thưởng Tết cho người giúp việc kha khá để lấy lòng. Vậy mà chưa kịp thực hiện thì mấy hôm trước, người giúp việc đã đề nghị: “Tết này cô chú có thưởng Tết thì thưởng kha khá một chút. Tôi thấy cái tủ lạnh cũ trên phòng cô chú không dùng, Tết này cho tôi mang về quê luôn thể, coi như đó là một phần thưởng Tết…”. Nghe xong, vợ chồng chị Phương thở dài ngao ngán. Năm nào cũng vậy, Tết đến luôn đem theo “nỗi lo mang tên ôsin” cho nhiều gia đình.

Trước đây, dù chỉ được chủ nhà thưởng chút quà Tết, vài chục nghìn đồng tiền tàu xe là họ đã xúc động lắm rồi. Nhưng bây giờ chuyện người giúp việc đỏng đảnh tự đề nghị những khoản tiền thưởng cho mình... đã không còn quá xa lạ. Do gần Tết kiếm người giúp việc khó khăn nên nhiều chủ nhà đành làm ngơ, dùng đủ mọi cách để dỗ dành, năn nỉ. 

Chiều người giúp việc hơn chiều cha mẹ

Với tâm lý “kiểu gì cũng chiều, miễn sao được việc mình”, nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra những khoản tiền không nhỏ để thưởng Tết cho người giúp việc. Như gia đình chị Bùi Thanh Thảo, ở quận Long Biên. Để khiến người giúp việc tận tâm hơn với gia đình mình, chị Thảo đã mua tặng người giúp việc một chiếc bếp gas 2,5 triệu đồng. “Tuy công việc làm ăn không được suôn sẻ như mọi năm, nhưng ngoài hiện vật, gia đình tôi còn thưởng thêm cho chị giúp việc một tháng lương 3,5 triệu đồng, cộng thêm quà Tết như nước mắm, bánh kẹo, áo quần...”, chị Thảo cho biết. Cũng theo chị Thảo, chị phải cố gắng chiều chuộng người giúp việc, chứ nếu họ bỏ việc đầu năm thì mọi công việc trong gia đình chị sẽ đảo lộn. 

Lo lắng của chị Thảo cũng là nỗi lo của nhiều gia đình. Hiện nay, hầu hết các gia đình phải trả cho người giúp việc mức lương từ 2,5-3 triệu đồng/tháng, không tính tiền ăn, sinh hoạt cùng chủ. Thậm chí, lương tháng Tết tăng thêm 1 triệu đồng, trừ khoản lương vẫn nhận như bình thường, các khoản lì xì, mua vé tàu xe, quà biếu gia đình… nhưng nhiều chủ nhà vẫn không giữ nổi người giúp việc. Bà Nguyễn Thuý Lan - Giám đốc công ty đào tạo và tuyển dụng người giúp việc ở đường Quảng An, quận Tây Hồ có lời khuyên, để tránh tình trạng người giúp việc đưa ra những “yêu sách”, trước hết chủ nhà nên trả lương thử việc ở mức thấp hơn so với giá thị trường, sau đó nếu họ làm tốt sẽ tăng lương. Đây cũng là cách để người giúp việc cảm thấy vui và hứng thú nhiều hơn với công việc họ đang làm. Khi nhận họ vào làm việc, hai bên nên ký kết hợp đồng lao động, đảm bảo trong quá trình làm việc họ phải tuân theo những nguyên tắc, quy định đã ghi trong hợp đồng. Những việc giao thêm phải có trao đổi rõ ràng. Đặc biệt, một năm, người giúp việc chỉ được về quê 2 lần vào dịp Tết và một dịp tự chọn. 

Ngoài ra, theo nhiều gia đình có kinh nghiệm thuê người giúp việc lâu năm, thì dù cần người giúp việc nhưng chủ nhà cũng không nên để họ được tự do, hay chiều chuộng họ một cách thái quá. Một trong những nguyên tắc quan trọng đó là, tôn trọng và cư xử mềm mỏng nhưng cần có nguyên tắc rõ ràng trong công việc. Tuy nhiều chủ nhà đã đưa ra những cam kết trước khi nhận họ vào làm việc nhưng nhiều người giúp việc vẫn một đi không trở lại. Bởi, với họ giúp việc nhà chỉ là công việc mang tính thời vụ và đây cũng là lý do khiến nhiều gia đình méo mặt mỗi dịp Tết đến, xuân về.