Người giữ lại tiền từ thiện sẽ bị xử lý hình sự trong trường hợp nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến việc Bộ Công an xác minh, thu thập chứng cứ liên quan hoạt động từ thiện của Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng và một số nghệ sỹ..., dư luận đặt câu hỏi: Người giữ lại tiền từ thiện sẽ bị xử lý hình sự trong trường hợp nào?

Làm rõ nội dung trên, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, pháp luật hiện hành không cấm cá nhân hoạt động từ thiện, song trên thực tế, quan hệ giữa người ủng hộ và người làm từ thiện là mối quan hệ dân sự. Người ủng hộ ủy quyền, trao tài sản cho người làm từ thiện để thực hiện điều họ muốn làm.

Theo Nghị định 64/NĐ-CP, thời hạn để các tổ chức nhận và giao tiền, hàng cứu trợ tới người dân là 20 ngày, nhưng với cá nhân thì chưa có quy định về thời hạn này. Song khi đã nhận tiền, tài sản của các “mạnh thường quân” để làm từ thiện, họ phải có trách nhiệm giao hàng tới người dân sớm nhất và công khai, minh bạch thông tin này để mọi người được biết.

Trường hợp người hoạt động từ thiện không giao hoặc giao tiền, quà quá chậm, không đúng thời điểm là họ không thực hiện đúng ý nguyện của bên ủng hộ.

Do vậy, những người đã chuyển tiền có quyền đòi lại số tiền đã ủng hộ cùng tiền lãi phát sinh (nếu có).

Người làm từ thiện cần công khai minh bạch hoạt động thiện nguyện của mình

Người làm từ thiện cần công khai minh bạch hoạt động thiện nguyện của mình

Cũng theo Luật sư Thu, nếu thấy người làm từ thiện lợi dụng lòng tin của mình để kêu gọi từ thiện rồi không sử dụng, hoặc sử dụng không hết số tiền người dân có quyền làm đơn tố giác gửi cơ quan công an.

Với những trường hợp chưa có đơn thư nhưng nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan điều tra vẫn có thể vào cuộc xác minh và khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ việc có hay không hành vi ăn chặn tiền từ thiện, động cơ và mục đích của hành vi giữ tiền từ thiện.

Nếu có đủ căn cứ chứng minh, cá nhân vi phạm trong hoạt động từ thiện sẽ bị xử lý về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hoặc tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trả lời câu hỏi “nghệ sĩ làm từ thiện có buộc phải công khai sao kê khi bị tố giác thiếu minh bạch”, Luật sư Thu cho rằng, chủ tài khoản là người có quyền trực tiếp yêu cầu thực hiện sao kê. Khi cơ quan điều tra yêu cầu, chủ tài khoản sẽ phải cung cấp chi tiết những tài liệu này nhằm phục vụ quá trình điều tra.

Việc sao kê không nhất thiết phải có sự tham gia của các bên như luật sư, kiểm toán hay công chứng.

Chủ tài khoản cũng không có nghĩa vụ phải công khai tài liệu này với người dân. Song khi có nhiều người thắc mắc về tính minh bạch của những hoạt động, các nghệ sĩ nên công khai số tiền đã thu, chi để lấy lại lòng tin của công chúng.

Khi phát hiện bị đánh cắp thông tin, chủ tài khoản có quyền truy trách nhiệm của ngân hàng về những lỗ hổng bảo mật và nguyên nhân tại sao những thông tin đó bị rò rỉ ra ngoài.

Bên cạnh đó, họ cần phối hợp với ngân hàng và cơ quan công an để xác minh làm rõ, đồng thời đảm bảo bí mật an toàn thông tin cá nhân.

Luật sư Thu cũng cho rằng, trên thực tế, việc tố giác nghệ sĩ ăn chặn tiền từ thiện không phải lúc nào cũng có cơ sở.

Cá nhân đưa ra thông tin sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính về hành vi đưa thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân lên mạng xã hội theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống, hoặc Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân…