Người giao hàng cần làm gì khi bị chủ hàng lừa?

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Tôi làm công việc giao hàng (shipper). Trong một lần nhận hàng để giao, tôi được người thuê đưa cho 1 hộp đồ bao gói rất đẹp, cầm lên thấy nặng. Người đó yêu cầu tôi ứng 1,5 triệu đồng để nhận hàng để vận chuyển nhưng không cho tôi bóc hộp để xem. Tuy nhiên, khi tôi giao đến địa chỉ được yêu cầu thì không gọi được cho người nhận, gọi lại cho người giao hàng cũng không liên lạc được. Hành vi của người giao hàng trong trường hợp này phải bị xử lý thế nào và tôi phải làm gì để lấy lại số tiền đã ứng trước? Nguyễn Ngọc Tuấn (Từ Liêm, Hà Nội)

Các shipper cần thận trọng với các đơn hàng không rõ nguồn gốc

Luật sư Đặng Thành Chung trả lời: Theo như những gì bạn nói thì hành vi của người giao hàng có dấu hiệu dùng thủ đoạn gian dối, đưa các thông tin giả làm cho bạn tin là thật và giao tiền ứng trước là 1.500.000 đồng. Hành vi này của người giao hành có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Điều 174, Bộ luật Hình sự quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ…..”

Căn cứ vào quy định này, để người giao hành bị truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 1.500.000 đồng của bạn thì người này phải thuộc một trong các trường hợp sau:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm: theo đó, người này đã bị xử phạt hành chính theo điểm c, khoản 1, Điều 15, Nghị định 167/2013/NĐ-CP về hành vi “Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác”.

- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Luật sư Đặng Thành Chung - Giám đốc Công ty luật TNHH An Ninh (Phòng 305 - Tòa nhà số 8 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội)

Trường hợp không có 1 trong 4 dấu hiệu như trên, người giao hành sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:

“Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Trộm cắp tài sản;

b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác;

c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;

d) Sử dụng trái phép tài sản của người khác”. 

Đối với trường hợp này, để có thể đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình, bạn nên làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an để được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.