Người ghi lại khoảnh khắc của văn nhân

ANTĐ - Hẹn mãi, rốt cuộc ông cũng nhận lời trò chuyện cùng tôi. Chẳng phải ông khó tính hay kiêu căng gì, mà là ông ngại ồn ào. Tính nết của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán xưa nay thế nào, dân báo chí, làng văn nghệ đều rõ cả. Ông dễ tính nhưng cũng kỹ tính, xuề xòa đấy nhưng cũng chỉn chu.

Nhiếp ảnh gia mê sách

 Ông hẹn gặp tôi ở một quán cà phê nhỏ trên phố Quán Sứ. Ông đến với nụ cười tươi rói, xuýt xoa vì lạnh rồi mở đầu câu chuyện về cuộc đời, về cái nghề mấy chục năm gắn bó, nói theo chữ của ông là “không gọi là nghề mà tự nhiên thành nghề”.  Ngẫm ra mới thấy, ở đời trăm sự tùy duyên. Có khi là nghề chọn ta, chứ không hẳn phải là ta chọn nghề. Thuở nhỏ, ông mê chụp ảnh, đằng đẵng bao nhiêu năm trời, trong hành trang của ông thứ đầu tiên không thể thiếu là máy ảnh. Ông đi đến đâu là lập buồng tối ở đó, tự tráng phim, rửa ảnh. Nguyễn Đình Toán sinh ra trong một gia đình có tới 7 anh em. Anh cả của ông vốn là người mê sách. Làm  được bao nhiêu tiền đều dành mua sách. Cứ tích góp cả đời như thế, nhà biến thành kho sách. Trong mỗi trang sách, những nhân vật hiện ra lừng lững, và cũng từ những trang sách ấy, đã làm dày thêm tình yêu của ông dành cho những thế hệ nhà văn. Rồi từ sự say mê đó, ông đem cả vào ảnh. 

Trong giới văn chương, hễ cần ảnh ai cứ hỏi Nguyễn Đình Toán là có. Báo chí cũng vậy, cần dùng đến ảnh văn nghệ sĩ nào là lại gọi đến ông. Lần nào gọi, ông nhiệt tình giúp. Nhiều khi một vài tấm ảnh người ta cũng quên đề tên tác giả, quên cả việc phải trả tiền bản quyền cho ông. Tìm trên google tên những  người nổi tiếng như Văn Cao, Hoàng Cầm rồi Hoàng Ngọc Hiến…sẽ cho ra vô số ảnh đẹp. Đa phần là do Nguyễn Đình Toán chụp, ban đầu đăng trên một vài báo, rồi các trang mạng cứ lấy lẫn của nhau, “quên” ghi tên tác giả, mãi rồi thành… khuyết danh. 

Hỏi Nguyễn Đình Toán về chuyện bản quyền, ông cười, kệ thôi, một vài tấm có đáng bao nhiêu đâu. Mình mà đi đòi lại chả hóa ra người hẹp hòi hay sao? Chính cái tính nhường nhịn kia mà nhiều tay máy trẻ trân trọng và yêu kính ông gọi ông là “bố Toán”. Hơn 60 tuổi, 30 năm cầm máy ảnh, ngay chính bản thân ông cũng không biết và không thể đếm được mình đã chụp tổng cộng bao nhiêu bức chân dung của bao nhiêu nhân vật- những người mà ông quý tính cách, ông trọng tài năng, rồi còn cả những người mà “thấy hay hay thì chụp chứ có biết là văn nhân hay nghệ sĩ gì đâu”. Hỏi ông sao chỉ mãi chụp chân dung, sao không đổi gió, ông cười và bảo, khi ông còn công tác ở trong ngành giao thông vận tải, con ông khi đó đứa lớn chỉ 7-8 tuổi, đứa nhỏ 3-4 tuổi. Điều kiện gia đình không cho phép ông ngao du sơn thủy. Năm 1992, dù chưa đến tuổi hưu, nhưng đủ năm công tác, ông xin nghỉ chế độ. Từ đó cho đến nay ông đầu quân cho Tạp chí Xưa và Nay, một tạp chí chuyên về nghiên cứu lịch sử. Cũng có vài tờ báo lớn, đánh tiếng mời ông, nhưng ông đều từ chối bởi đơn giản, ông thấy ông hợp với vai trò người chép sử bằng ảnh chân dung. Tất nhiên, công việc không mang lại cho ông tiền bạc, nhưng mang lại cho ông bạn bè và thêm nhiều người yêu quý ông. 


Một cách tri ân cuộc đời

Hơn 60 tuổi, 30 năm cầm máy ảnh, lần đầu tiên ông có triễn lãm riêng về nhạc sĩ Văn Cao. Có được triển lãm là bởi bạn bè giục giã và xúm tay vào giúp đỡ, chứ nếu không một mình ông không lo nổi. Khi tôi gặp ông, cũng chính là lúc triển lãm vừa kết thúc, ông lặng lẽ ngồi nhẩm lại cái được của triển lãm đầu tiên trong cuộc đời cầm máy của mình. Được là bởi, triển lãm như là một cách tri ân của riêng ông đối với Văn Cao, người nghệ sĩ tài năng suốt đời ông kính trọng. Được còn là bởi, nói theo lời ông là: “Để tôi thấy, những việc tôi làm không phải là vô nghĩa, vô tích sự”. Trò chuyện với tôi, ông thường tránh những câu hỏi cuộc sống riêng, nhấp ngụm cà phê đen nóng, mắt ông hướng qua cửa kính và buông cái nhìn vào khoảng không vô định: “Tôi thấy mình có tội với vợ con”. Chỉ vì mê ảnh, ông đã lựa chọn cho mình một công việc, một nghề nghiệp và một đam mê không có tính kinh tế hay nói thẳng ra không mang lại cho ông tiền bạc. Trong mỗi kỳ cuộc, một sự kiện,  khi tất cả máy ảnh, ống kính máy quay thường hướng lên sân khấu, hướng lên bàn chủ tọa, nơi có những chính khách thì một mình Nguyễn Đình Toán, hướng ống kính về phía ngược lại. Năm 2009, ông bị tai nạn giao thông, gẫy chân, phải bó bột. Ông nằm ở nhà được dăm bữa nửa tháng là đã lại nhớ bạn bè, muốn đi. Thế là vừa chống nạng, vừa ôm máy ảnh đi chụp, ông cứ lặng lẽ ghi lại những khoảnh khắc tự nhiên đó rồi cất giữ chúng, như những thứ quý giá của cuộc đời.

Chuyến đi bộ có một không hai

Giờ mỗi khi nhắc đến Nguyễn Đình Toán, người ta vẫn nhắc về cuộc đi bộ có một không hai trong làng văn của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc, nhà văn Hòa Vang, nhà thơ Hoàng Cầm và nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình  Toán. Đó hẳn là một ký ức đẹp mà đời người may mắn được trải qua. Hỏi chuyện Nguyễn Đình Toán về chuyến đi 20 năm về trước, Nguyễn Đình Toán cứ vừa kể vừa cười, rồi lại lấy khăn khẽ chấm nước mắt. 3 trong số 4 người tham gia chuyến đi ấy đã về nơi chín suối. Khi đó, biết Nguyễn Lương Ngọc và Hòa Vang chuẩn bị cho chuyến đi này, Nguyễn Đình Toán rủ thêm Hoàng Cầm, nhà thơ “Bên kia sông Đuống” khi đó đã 71 tuổi, nhưng cũng hào hứng gật luôn mà chẳng cần suy nghĩ. Chuyến đi bộ khởi hành đúng ngày Cá tháng tư. (1-4-1993) tại Báo Văn nghệ.

Trước khi lên đường nhà văn Hòa Vang ngắn gọn tuyên bố: “Hôm nay ngày “cá tháng tư” chúng tôi không nói mà chỉ đi”. Hoàng Cầm thì bảo, đây là chuyến đi của bốn con chó, chó già là ông, chó lớn là Hòa Vang (tuổi Tuất sinh năm 1946) chó con là Nguyễn Lương Ngọc (1958) và chó săn là Nguyễn Đình Toán (chuyên săn ảnh). Hòa Vang và Nguyễn Lương Ngọc thì đi bộ. Nguyễn Đình Toán mang theo xe máy, đoạn nào Hoàng Cầm mệt thì… lên xe máy nghỉ chân. Đi đến Phú Xuyên thì Hoàng Cầm và Nguyễn Đình Toán phải về dự đám tang vợ họa sĩ Hoàng Lập Ngôn. Hai hôm sau, nhẩm tính bạn văn mới chỉ đi bộ đến Ninh Bình là cùng. Hoàng Cầm và Nguyễn Đình Toán đi xe máy vào Ninh Bình thì mới hay tin, hai người kia đã vào tới tận… Thanh Hóa. Hồi đó đi là đi thôi, chứ số tiền mang theo cũng không nhiều, đành phải chọn khách sạn rẻ nhất để nghỉ qua đêm. Sáng hôm sau, Nguyễn Đình Toán tiếp tục chở Hoàng Cầm vào Thanh Hóa, gặp Nguyễn Lương Ngọc và Hòa Vang. Gặp nhau rồi Nguyễn Đình Toán lại phải đưa Hoàng Cầm về Hà Nội vì sức khỏe nhà thơ không được tốt. Hoàng  Cầm về Hà Nội được mấy ngày thì… lại muốn đi. Thế là cả hai lại tiếp tục đáp tàu hỏa vào Huế. Hỏi thăm thì mới biết, hai người kia đang ở Quảng Trị. Thế là lại ngược ra Quảng Trị gặp nhau. Hỏi Nguyễn Đình Toán, rằng nhà văn Nguyễn Quang Lập từng bảo rằng, chả hiểu ông Hòa Vang và Nguyễn Lương Ngọc đi bộ kiểu gì mà có lúc đi nhanh hơn… ô tô. Nguyễn Đình Toán cứ cười ngất mà không trả lời rồi trích lời Nguyễn Quang Lập khi viết về chuyến đi bộ này: “Mấy ông này đi mà không đi, không đi mà đi, ấy là đi vậy!”.