Người duy nhất sở hữu chiếc túi đựng bụi Mặt trăng

ANTD.VN - Hôm 28-2, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã buộc phải trả lại một phụ nữ ở Chicago chiếc túi được nhà du hành sử dụng trong chuyến thám hiểm Mặt trăng đầu tiên năm 1969. Đến giờ Nancy Lee Carlson mới trở thành người sở hữu hợp pháp chiếc túi vô giá này.

Năm 2015, Nancy Lee Carlson để ý đến một hiện vật bất thường được trưng bày  tại cuộc bán đấu giá trên website của lực lượng Cảnh sát Tư pháp www.forfeiture.gov.

Đó là một chiếc túi màu trắng đựng chút bụi và có vết rách bên trong, được giới thiệu là chiếc túi khử trùng được phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin dùng để lưu trữ các mẫu đá trong sứ mệnh chinh phục Mặt trăng đầu tiên của nhân loại năm 1969.

Là người đam mê tìm hiểu về không gian, Carlson nhanh chóng trở thành người trả giá cao nhất cho chiếc túi, đem về cho mình một phần vô giá của lịch sử với mức giá hời - 995 USD. 

Người duy nhất sở hữu chiếc túi đựng bụi Mặt trăng ảnh 1Bà Nancy Lee Carlson ký nhận lại chiếc túi đựng bụi Mặt trăng tại Houston hôm 27-2

“Cuộc chiến” pháp lý với NASA

Bước tiếp theo là xác minh tính xác thực của chiếc túi, vì vậy bà Carlson đã gửi nó đến NASA. Cơ quan này sớm khẳng định chiếc túi từng được sử dụng trên tàu không gian Apollo 11, rằng bụi bên trong thực sự bụi Mặt trăng. Cho rằng chiếc túi có giá trị lịch sử như vậy không bao giờ được phép bán ra, NASA từ chối gửi lại cho bà Carlson. 

Khi bà Carlson, một luật sư về bất động sản khởi kiện, một cuộc chiến pháp lý căng thẳng diễn ra. “Hiện vật này không bao giờ thuộc sở hữu của một cá nhân. Chúng tôi cho rằng nó thuộc về nhân dân Mỹ và cần được trưng bày cho công chúng, thực tế nó từng thuộc về nơi mà trước khi những sự việc đáng tiếc xảy ra”, NASA ra thông cáo vào thời điểm vụ kiện đang diễn ra.

“Có cả một “chợ đen” về đá Mặt trăng và các mặt hàng tương tự. Mỹ đã trao tặng hơn 270 viên đá Mặt trăng cho các quốc gia và cá nhân hàng chục năm qua, nhưng nhiều vật phẩm đã bị bán ra bất hợp pháp và Chính phủ Mỹ đã nhiều lần phải mua lại. Tuy nhiên, hiện còn khoảng 158 hiện vật liên quan đến Mặt trăng không tìm thấy tung tích”.

Luật sư Joseph Gutheinz, cựu điều tra viên đặc biệt của NASA

Tuy vậy, một thẩm phán liên bang Mỹ ra phán quyết NASA buộc phải trả lại chiếc túi cho bà Carlson. Ngày 27-2, chiếc túi đã được trả về cho chủ nhân của nó. Cuối cùng, người phụ nữ Chicago này đã trở thành công dân duy nhất trên toàn cầu sở hữu hợp pháp một hiện vật từ Mặt trăng do Chính phủ Mỹ bán ra.

 Câu hỏi đặt ra là tại sao chiếc túi lại được đưa ra đấu giá? Câu chuyện khởi đầu từ một cuộc điều tra đối với Max Ary, cựu Giám đốc Bảo tàng Trung tâm không gian và vũ trụ Kansas. Năm 2005, ông Ary đã bị kết tội ăn cắp và tuồn ra thị trường “chợ đen” cũng như bán đấu giá hàng trăm hiện vật từ bộ sưu tập của bảo tàng, trong đó có cả hiện vật mượn từ NASA. Trong số các hiện vật bị đánh cắp có 2 chiếc túi từng sử dụng trên Mặt trăng, một của tàu Apollo 11 và một từ Apollo 17. Nhưng trong quá trình điều tra, một lỗi văn thư dẫn đến cả 2 hiện vật được đánh cùng mã số hàng tồn kho, vì thế túi của tàu Apollo 11 đã vô tình bị đưa ra bán đấu giá.

Chưa biết làm gì với hiện vật vô giá

Giành chiến thắng sau vụ kiện kéo dài khoảng 1 năm, Nancy Lee Carlson cho biết, hiện bà nhận được 400-500 thư điện tử mỗi ngày từ những người ngỏ ý muốn được xem hoặc mua chiếc túi hiếm có đó. Thậm chí, có người lạ tìm đến nhà bà ở ngoại ô Inverness, Chicago để được tận mắt xem chiếc túi. 

Phải nói thêm, chiếc túi có kích thước chỉ bằng một chiếc đĩa ăn, làm bằng vải tương tự như loại vải được sử dụng trong bộ quần áo phi hành gia, có khóa kéo và chứa bụi màu tối mà NASA xác nhận là từ Mặt trăng. Ban đầu Nancy Lee Carlson cất chiếc túi trong tủ quần áo trong phòng ngủ của mình và định đưa đến giới thiệu tại các trường học nhưng điều này xem ra không thực tế. Chưa biết sẽ làm gì với chiếc túi, nhưng bà Carlson đã gửi vào một công ty an ninh mà nơi lưu giữ ở nơi nào bà cũng không rõ.

Cũng có người nói với bà Nancy Lee Carlson rằng không nên giữ riêng cho mình một kho báu quốc gia mà các nhà du hành đã phải mạo hiểm mạng sống của họ. Nhưng bà tin rằng mình đã có được chiếc túi một cách công bằng, hợp pháp và sẽ để ngỏ khả năng trưng bày công khai theo như gợi ý từ phía NASA.