“Người dùng sữa rất đáng thương”

(ANTĐ) - Đó là bày tỏ của đại diện người tiêu dùng Hà Nội tại Hội thảo “Sữa với sức khoẻ người tiêu dùng Việt Nam” diễn ra chiều 27-6.
Theo vị đại diện này, thị trường sữa Việt Nam vẫn mập mờ thông tin về chất lượng, giá cả và người tiêu dùng khó “cầu cứu” các cơ quan chức năng khi cần thiết.
“Người dùng sữa rất đáng thương” ảnh 1
Ảnh minh hoạ
Ông Hà Quang Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Sữa Hà Nội (Hanoimilk) cho biết: “Số lượng sữa tươi được sản xuất trong nước chỉ chiếm 28% thị phần, hơn 70% sữa nước còn lại bán trên thị trường không phải là sữa tươi. Sữa tươi theo đúng tiêu chuẩn là sản phẩm sữa tươi 100% chứ không phải sữa hoàn nguyên pha thêm sữa tươi”. Tuy nhiên, có một thực tế là trên thị trường Việt Nam “nhan nhản” các sản phẩm sữa nước ghi nhãn sữa tươi. Sau sự kiện phát hiện sữa nhiễm melamine gây hại cho người sử dụng, các doanh nghiệp sữa có cơ hội quảng cáo sữa tươi đảm bảo chất lượng. Người tiêu dùng Việt Nam cũng đổ xô đi mua sữa tươi để sử dụng vì cho rằng sữa tươi là tốt nhất. “Nếu cả nước Việt Nam không trồng lúa, không trồng rau mà chăn nuôi bò cũng không đủ sữa để dùng, nên phải chấp nhận tỷ lệ 70 - 80% sữa hoàn nguyên. Nhưng doanh nghiệp không được quảng cáo lập lờ đánh lừa người tiêu dùng” - ông Tuấn khẳng định. Theo Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, không chỉ chất lượng sữa đáng lo ngại, mà giá sữa cũng là mối quan tâm của người tiêu dùng. Nhiều năm nay, giá sữa tại thị trường Việt Nam chỉ tăng mà không có giảm. Hiện giá sữa nước của Việt Nam đang ở mức 1,4 USD/lít, trong khi tại Trung Quốc là 1,1 USD/lít và các nước châu Âu chưa đến 1 USD/lít. Thuế nhập khẩu sữa của Việt Nam ở mức 10-15%, thấp hơn mức 18% theo cam kết WTO nhưng các nhà nhập khẩu sữa Việt Nam vẫn tìm cách tăng giá bán. Bộ Tài chính vừa tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá đối với 7 mặt hàng thiết yếu, trong đó có sữa. Đoàn kiểm tra đã kiểm tra 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam và Công ty TNHH Nestle Việt Nam. Theo đó, mặt hàng sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi, các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá trung bình tăng từ 8% đến 11,5%/lần. Tỷ giá tác động khá nhiều lên giá sữa. Bên cạnh đó, các yếu tố chi phí khác như: tiền lương, chi phí quảng cáo, tiếp thị… dẫn đến giá bán sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn ở mức cao. Việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu không ảnh hưởng lớn tới chi phí kinh doanh của 2 doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo hạch toán của 2 công ty năm 2010 thì khoảng chi cho quảng cáo, tiếp thị bị phụ trội lên lần lượt là 14,6% và 3,9%. Thông tin quảng cáo mập mờ, nhưng chi phí kinh doanh tăng nên hơn 90% người tiêu dùng tin vào quảng cáo phải gánh chịu. Có nguồn tin cho biết, lợi nhuận của các doanh nghiệp sữa nói chung có thể lên tới 86%. Bà Khánh - đại diện người tiêu dùng nữ Hà Nội cho rằng: “Người tiêu dùng Việt Nam đang rất đáng thương. Khi có thông tin không trung thực về sản phẩm, chúng tôi báo với cơ quan chức năng, nhưng người lãnh đạo trả lời đi vào chi tiết từng sản phẩm rất khó. Các cơ quan quản lý hãy cho chúng tôi thông tin một cách dễ hiểu và kênh thông tin nào nhanh nhất để xử lý ngay”. Người tiêu dùng Hà Nội đang rất mong chờ ngày Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực (1-7-2011) để có căn cứ tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.Theo ông Nguyễn Văn Thành - Phó Trưởng ban Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, việc xử phạt vi phạm hành chính 20-30 triệu đồng hiện nay đối với doanh nghiệp vi phạm về hàng hoá quá nhỏ so với khoản lợi kếch xù do làm ăn vi phạm pháp luật mang lại. Sắp tới, những doanh nghiệp vi phạm sẽ bị đưa vào danh sách đen và công bố công khai để người tiêu dùng tự thực hiện các biện pháp bảo vệ mình.