Người đi xe đạp cố tình vi phạm luật giao thông gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Gần đây trên nhiều tuyến đường vào các buổi sáng và tối có nhiều người đạp xe đạp tập thể dục, song không ít người ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ rất kém, mặc nhiên coi mình nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, thích đi kiểu nào, lối nào tùy ý, thường xuyên dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ, đi vào làn ô tô gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Xin luật sư cho biết hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định? Bùi Hải Long (Hà Nội)

Luật sư Nguyễn Thị Thu trả lời:

Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Dù mục đích của việc đạp xe nhằm nâng cao sức khỏe, song một số nhóm chạy xe rất lộn xộn, bất quy tắc, dàn hàng bốn, hàng năm trên đường; thản nhiên cười nói với nhau như chỗ không người; chạy với tốc độ chậm nhưng lại thích đi ra giữa đường, chen cả vào làn của ô tô; cố tình cản trở các phương tiện khác, không cho người khác vượt lên, sẵn sàng bất chấp luật lệ giao thông... Khi bị những người đi đường góp ý, họ lại nổi khùng đôi co, thách thức.

Tại một số tuyến đường dù đã cắm biển cấm các phương tiện cấm người đi bộ, các loại xe thô sơ, xe thồ... song vẫn có một số người điều khiển xe thô sơ, xe đạp đi vào để tập thể dục, bất chấp nguy hiểm cho bản thân và nhiều người tham gia giao thông khác. Mỗi khi thấy bóng CSGT, họ liền bê xe, rẽ sang đường ngược chiều bỏ chạy.

Điều đáng nói, đa số những người có sở thích tụ tập đạp xe thể dục này ở độ tuổi trung niên, một số người đã cao tuổi. Nhiều trường hợp bị lực lượng chức năng ra hiệu dừng xe không những không chấp hành mà còn tháo chạy hoặc rẽ vào tuyến đường tránh. Một số khác không mang theo tiền, giấy tờ tùy thân nên dường như chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, tuyên truyền.

Về chế tài xử lý, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, người điều khiển xe đạp chỉ được chở một người, trừ trường hợp chở thêm một trẻ em dưới 7 tuổi thì được chở tối đa hai người. Người điều khiển xe đạp không được thực hiện các hành vi: Đi xe dàn hàng ngang; Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác; Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính; Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh; Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông…

Người đi xe đạp dàn hàng ngang trên đường… và hồn nhiên đi vào đường cấm

Người đi xe đạp dàn hàng ngang trên đường… và hồn nhiên đi vào đường cấm

Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt quy định, phạt tiền từ 80.000 đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình, đi không đúng phần đường quy định; Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường… Phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Mức phạt tiền từ 200.000 đến 300.000 đồng được áp dụng đối với người điều khiển xe đạp đi vào khu vực cấm; đường có biển báo hiệu nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển; đi ngược chiều đường của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”.

Đặc biệt, người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác điều khiển xe đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Trường hợp người đi xe đạp vi phạm quy định về an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm có thể bị xử lý hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm. Phạm tội làm chết 3 người trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên… thì bị phạt tù từ 7 đến 15 năm.

Dù các phương tiện xe thô sơ, xe đạp vi phạm giao thông cũng gây nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông như mọi phương tiện khác song dường như mức phạt dành cho các lỗi vi phạm giao thông của người đi xe đạp hiện quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Để hạn chế tình trạng chạy xe đạp ẩu, cần tăng mức phạt cho hành vi vi phạm luật giao thông của những người sử dụng phương tiện này vì phần đông những người đi xe đạp phạm luật là cố tình vi phạm, coi thường pháp luật chứ không phải vô ý, đồng thời cần bổ sung hình phạt tịch thu phương tiện, phạt lao động công ích để nâng cao ý thức người đi xe đạp. Có như vậy mới lập lại được trật tự an toàn giao thông và sự công bằng đối với các phương tiện tham gia giao thông khác trên đường phố.