Người đi lễ chùa cần đề phòng

ANTĐ - 8h tối mùng 6 Tết, tại chùa Vĩnh Nghiêm, một ngôi chùa lớn tại quận Phú Nhuận, TP. HCM, chúng tôi bắt gặp ông Nguyễn Văn Hiệp, 45 tuổi, nhân viên quảng cáo làm việc tại một tờ báo trong thành phố hớt hải kêu bị kẻ gian móc túi lấy mất chiếc ví. 

Lợi dụng người dân mất cảnh giác khi đi lễ đầu năm, 
các đối tượng trộm cắp, móc túi vẫn hoạt động ngay tại các chùa

Theo như lời ông Hiệp, trong ví của ông có  hơn 2 triệu đồng và nhiều giấy tờ quan trọng. “Mình đi chùa đầu năm chỉ cốt cầu an, lại bị kẻ gian móc túi, thôi đành chịu chứ làm ầm ĩ tại chốn tâm linh đầu năm thế này mình cũng không muốn”, ông Hiệp ngậm ngùi. 

Ông  Đinh Văn Thòn, dân phòng phường 7, quận 3 cho biết, những ngày này tại chùa Vĩnh Nghiêm thường đông du khách đến lễ Phật, có du khách ở miền Tây lên, miền Trung vào, nên kẻ xấu lợi dụng trà trộn làm quen, hay mời mua hương hoa để móc túi, rình xem có khách nào sơ hở thì lấy trộm. Để khách thập phương yên tâm đi lễ chùa, sư trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm đã phối hợp với đội dân phòng của phường để hướng dẫn cho bà con và khách thập phương về công tác an ninh, an toàn. “Làm tốt là thế, nhưng vẫn có sự mất mát nếu du khách và khách thập phương lơ là, mất cảnh giác”, ông  Đinh Văn Thòn chia sẻ.

Tại Tổ đình chùa Giác Lâm, quận Tân Bình, một ngôi chùa vào loại cổ và linh thiêng nhất tại vùng Sài Gòn - Gia Định, cũng vẫn tồn tại khá phổ biến nạn buôn bán sách tử vi, cân tử vi cũng như nạn chèo kéo khách thập phương mua hương hoa. Chị Hoàng Thị Ánh 30 tuổi, một du khách đến từ tỉnh Bình Thuận cho biết: “Ở Bình Thuận mình nghe tiếng chùa Giác Lâm là ngôi chùa cổ kính, linh thiêng, vào đây quả thực thấy thỏa lòng, nhưng nếu không có hiện tượng bán sách tử vi và những hình thức chèo kéo, ăn xin tại cổng chùa thì tốt hơn” . Theo ông Tần Văn Chính, nhân viên bảo vệ tại chùa Giác Lâm thì nạn trộm cắp vặt và nạn móc túi khách thập phương năm nay có giảm hơn các năm trước song vẫn còn.