Vén bức màn bí ẩn “Thánh địa Mường ma” (kỳ cuối)

Người đánh thức hồn rừng núi

ANTĐ - Chẳng có ma thuật hay bùa ngải gì cả, ngoài niềm đam mê giá trị văn hóa của không gian cồng chiêng xứ Mường, vậy mà ông Thực làm được điều “phi phàm”, dùng đôi bàn tay xoa chiêng dậy tiếng vang dội khắp núi rừng.

Người có bàn tay “ma thuật” xoa chiêng dậy hồn - Nguyễn Văn Thực


Bàn tay kỳ diệu

Dưới chân dốc Cun có một ngôi nhà sàn cũ kỹ nằm bên những mái nhà hiện đại cao tầng. Giờ dốc Cun không còn là vùng thâm u nơi cửa ngõ Tây Bắc nữa, mà đã trở thành phường Thái Bình tấp nập của tỉnh Hòa Bình. Thỉnh thoảng vào chiều vắng, người ta đứng trên đỉnh Cun vẫn nghe thấy âm thanh pông... pêềnh piiinh... poong... pêềng... nhịp nhàng từ dưới vọng lên, lúc khoan, lúc nhặt, lúc xa, lúc gần. Từ lời đồn kể, từ tiếng tai nghe, tôi đã lần theo âm thanh ấy ngược về dưới chân dốc Cun, để tìm âm thanh kỳ lạ.

Ban đầu nghe âm thanh ấy, tôi cũng thấy lạ thường, nó réo ngân trầm bổng vào tận sâu thẳm tâm hồn. Khi vào đến gầm nhà sàn âm thanh ấy lại càng rõ, càng vang hơn. Ông Thực có nhà không ạ? Thấy tiếng người gọi chủ nhà mà không có hồi đáp, chị hàng xóm bên cạnh vồn vã: “Để tôi gọi ông cho. Ông đang mải cân chiêng (sửa chiêng) chắc không nghe thấy đâu”. Vừa nói, người phụ nữ trạc tuổi 40 leo lên cầu thang nhà sàn, vỗ vào cửa thình thình gọi “Ông ơi, ông có khách”. Không gian tĩnh lại, âm thanh ngừng hẳn. Người hàng xóm tốt bụng ngoái xuống dưới gầm sàn: “Ông mời các chú lên đây”. Một ông già dáng người nhỏ thó ngồi bên cửa sổ nhà sàn đang ngắm nghía chiếc chiêng. Ông ngẩng lên nhìn khách, cười bảo. “Vừa rồi, cái chiêng bị bọn trẻ làm rơi, bị câm. Tôi đang phải lấy lại…”.

Đối với người Mường, chiêng như linh hồn của họ, đồng thời là báu vật thiêng của mỗi gia đình. Điều kiêng kỵ nhất là úp chiêng xuống đất. Làm vậy, chiêng sẽ hết ngân, câm tiếng. Mỗi lần không may làm chiêng úp xuống đất, người ta lại tìm đến ông Thực để “thầy lấy lại tiếng chiêng giúp con”. Câu chuyện cứ mở ra trong ngôi nhà sàn cũ kỹ dưới chân dốc Cun. Lý do tôi tìm đến ông Thực, là để thưởng thức biệt tài xoa tay vào chiêng, chiêng kêu vượt núi. Cái tài của ông Thực khiến cho người đam mê không gian văn hóa cồng chiêng, nghiên cứu văn hóa cồng chiêng cũng thấy lạ, cũng muốn được tận tai nghe, tận mắt thấy.

Người ta đánh chiêng bằng dùi, còn ông Thực dùng nhiệt trong lòng bàn tay để dậy tiếng chiêng ngân, đánh thức hồn rừng núi. Bàn tay của ông Thực như có phép thuật, ông xoa chiêng thì chiêng dậy tiếng trầm hùng, tay thôi xoa thì chiêng ngừng như dồn lắng đọng từng giọt âm thanh. Nhịp phách ấy cứ khe khẽ dẫn người nghe hòa vào từng giọt cảm xúc, người ở xa thì bị rung động bởi âm thanh trầm hùng. Tôi hỏi bí quyết gì để ông có được tiếng chiêng dậy hồn như thế thì ông nói, bí quyết bắt đầu từ sở thích của riêng ông. Ông bảo, đối với người Mường, chiêng là bộ sắc bùa linh thiêng của mỗi gia đình họ tộc. Năm 13 tuổi, bà cô ông Thực ở đội văn nghệ xã Thái Bình, Hòa Bình, khi ấy ông thích “nghịch” chiêng lắm. Mỗi khi xã có văn nghệ, ông lại chạy ra gõ pheng một cái rồi… chạy. Thế rồi sau này ông cũng được vào đội văn nghệ. Thời gian thấm thoắt, tiếng ông Thực dậy chiêng đã vang vượt “chợ rậm bến vui” nơi ông sinh sống, qua cả dốc Cun cao ngất vào tận 4 xứ Mường Bi rộng lớn. Những âm sắc chiêng như hối thúc ông Thực dày công sưu tầm chiêng, tìm hiểu chiêng. “Linh hồn” chiêng đã “nhập” vào ông Thực. Năm 1989, ông bán trâu, vườn tược để đánh đổi một chiếc chiêng mà lâu nay ưng ý để mang về cho đủ 12 âm sắc của mình…

Trong dịp xác lập kỷ lục về số lượng chiêng 1.400 chiếc, ông Thực là người chỉ huy dàn chiêng, dẫn phách tài nghệ

Giữ phách dẫn nhịp dàn chiêng

 Ông Thực không biết một nốt nhạc cơ bản nào, nhưng khi chơi chiêng thì nhận biết đúng sai một cách kỳ tài. Thẩm âm bằng kinh nghiệm, ông dậy hồn chiêng bằng bàn tay xoa chiêng để tự thân nó ngân lên, vang lên. Biệt tài này quả thực là hiếm đối với bà con xứ Mường. Tận mắt chứng kiến, tôi cảm nhận  bàn tay của ông như có ma thuật. “Âm thanh phát ra như thế này là dùng nhiệt lượng, chứ không dùng sức như dùng dùi để đánh. Để âm vang ngân đúng nhịp, thì phải tai nghe tay cảm nhận để điều độ xoa khoan, xoa nhặt…” - ông Thực khẳng định. Quả thực, phải là người có đôi tai tinh tế và đôi tay cảm nhận đến độ “siêu” thì mới làm ra hồn chiêng man điệu, luyến ái được đến vậy!

Âm thanh cồng chiêng đối với người Mường còn tượng trưng cho tín ngưỡng của cả một dân tộc, vừa giao hòa với thiên nhiên vừa như tách ra để được vang âm trọn vẹn giữa đất trời. Một dàn cồng chiêng đủ bộ của người Mường gồm 12 chiếc. Đó là một bộ sắc bùa linh thiêng,  tượng trưng cho mười hai tháng trong năm và trọn một vòng quay xuân - hạ - thu - đông của đất trời. Núm chiêng ở góc độ nhất định còn là tượng trưng cho khí âm còn bàn tay tượng trưng cho khí dương. Khi sự hòa hợp của âm dương đã tan chảy, hòa quện để tạo nên những âm thanh giao hòa tuyệt đỉnh vào tận sâu thẳm đến độ siêu nhiên. NSƯT nhà nghiên cứu không gian văn hóa cồng chiêng xứ Mường ở Hòa Bình, Bùi Chí Thanh khẳng định: “Ông Thực là người duy nhất có thể dậy hồn chiêng. Đối với dàn chiêng, người dậy hồn giữ phách, dẫn nhịp là quan trọng và khó vô cùng. Dàn chiêng càng lớn thì việc này lại càng khó hơn, không phải ai cũng làm được. Quan trọng của người dậy chiêng là dẫn không cho dàn chiêng sai nhịp, loạn nhịp khi chuyển tiết tấu… Vừa rồi, tỉnh Hòa Bình đón xác lập kỷ lục số lượng của chiêng Mường. 1.400 chiếc chiêng do ông Thực dậy hồn chiêng, giữ phách, dẫn nhịp đã làm nhóm bạn cồng chiêng Tây Nguyên cùng tham gia đánh giá rất cao” - ông Thanh khẳng định.

Dàn chiêng xứ Mường là nhạc cụ dân gian, hội tụ ý nghĩa đặc biệt thiêng liêng trong đời sống văn hóa của người Mường, đặc biệt là đồng bào Mường ở Hòa Bình. Cách chơi và người chơi đậm chất dân dã. Cồng chiêng theo Phường Bùa mang may mắn đầu năm đến tận cửa mọi nhà, cồng chiêng chúc phúc cho đôi uyên ương trong ngày cưới, cồng chiêng thành kính đưa người về với cõi trời, cồng chiêng thúc giục người dân trảy hội xuống đồng, cồng chiêng gọi nhà nhà đến chia vui lễ cơm mới, được mùa... Đó, cồng chiêng đã gắn liền với sinh hoạt của người Mường như thế. Cho nên, trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào xứ Mường ở Hòa Bình, cồng chiêng đã như “linh hồn” của họ và “linh hồn” ấy có bay bổng thành sức mạnh văn hóa linh thiêng thì cần có người đánh thức.